Cuốn sổ lưu niệm cũ đã cho tôi một bài học mới như thế nào?

Cuốn sổ lưu niệm cũ đã cho tôi một bài học mới như thế nào?
HHT - Tất cả mọi điều chỉ là tương đối, kể cả thực tế, kể cả những suy nghĩ hay trí nhớ của chúng ta. Vì vậy, đừng nên giữ một đánh giá chủ quan và bất biến về ai cả.

Tôi mở lại cuốn sổ lưu niệm thời trung học của mình, và tôi khá choáng khi nhìn thấy hình một cậu nhóc với nụ cười ngơ ngẩn. Cậu ta cao. Và cậu ta rất gầy.

Cậu ta chính là tôi.

Và đó chính là điều khiến tôi choáng. Tôi nhớ rất rõ hồi trung học. 10 năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng tôi ngồi ở trường trung học, nhưng tôi vẫn nhớ rõ như thể mới ngày hôm qua. Tôi nhớ trò nghịch ngợm giấu một con rắn trong vườn vào ngăn bàn giáo viên. Tôi nhớ việc lớp tôi đã thua trong trận đấu quan trọng với khối lớp trên, với tỷ số 28-27 sau khi bị dẫn trước 27-7. Tôi nhớ cả mùi phòng thay đồ của học sinh nam. Tôi nhớ cả lời giới thiệu đầu tiên của mình khi bước vào năm thứ nhất trung học: “Chào các bạn, Ralph Waldo Emerson từng nói: "Không một điều lớn lao nào có thể được đạt tới nếu không có lòng nhiệt tình"”.

Sổ lưu niệm của lớp cũ là nơi giữ rất nhiều kỷ niệm.

Nhưng tôi không hề nhớ việc mình gầy như thế! Những gì tôi biết là hiện tại, tôi nhìn vào gương và thấy một anh chàng mập mạp. Và ngày nào Mẹ cũng dọa rằng tôi đang "tăng cân không kiểm soát". Và tôi phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, tôi mập thật. Tôi có thể nhìn thấy điều đó. Chiếc gương không nói dối.

Nhưng tôi nghĩ là mình đã luôn mập thế này cơ đấy!

Thế rồi, hôm nay, tôi nhìn thấy bức ảnh đó – bức ảnh cậu nhóc gầy gò, với cái tên tôi in ở dưới. Như vậy, hoặc là một bức ảnh cũng tự giảm cân qua thời gian (đúng là một chuyện ít có khả năng xảy ra), hoặc là thời gian đã giúp tôi nhìn nhận rõ hơn (hoặc khác đi) về bản thân mình.

Và như thế chỉ có nghĩa là: Mẹ nói đúng – tôi đang tăng cân, chứ không phải tôi đã luôn mập thế này!

Đôi khi, chúng ta có những thay đổi mà bản thân không nhận ra.

Và nếu tôi có thể nhầm lẫn đến như thế khi suy nghĩ về bản thân mình, thì có lẽ tôi cũng không đủ khả năng "dán nhãn" lên người khác. Thế mà tôi luôn làm điều đó. Tất cả chúng ta đều làm như thế. Chúng ta bước đi trong cuộc sống với cách nhìn riêng về thế giới và những con người trong đó, và chúng ta nghĩ rằng mình luôn Đúng. Cho đến khi phải có sự kiện gì đó xảy ra và khiến chúng ta nhận ra rằng, những cách nhìn của mình là sai lầm, kiểu như một thầy giáo trông rất khó tính hóa ra lại vui tính và tuyệt vời. Hoặc một ngôi sao mà bạn vẫn thần tượng, coi như một hình mẫu hoàn hảo, hóa ra lại rất thô lỗ và bạo lực. Hoặc một người bạn "lập dị" mới chuyển đến lớp, cuối cùng lại trở thành người bạn thân nhất và tốt nhất mà bạn từng có.

Một người bạn mà ban đầu tưởng như “lập dị”, cuối cùng lại có thể chính là bạn tốt nhất của bạn.

Bạn có thể thấy lạ khi phát hiện ra rằng, kể cả thực tế đôi khi cũng chỉ là tương đối, và rằng, những quan điểm cá nhân đôi khi cũng đầy khiếm khuyết. Nhưng sẽ thật nguy hiểm nếu chúng ta nhất định không chịu tiếp nhận những thông tin mới để mở rộng tầm mắt và hiểu biết về những người khác xung quanh mình. Bởi như vậy, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội tự trưởng thành và cải thiện các mối quan hệ quan trọng, khi mà chúng ta nhất định chỉ nghĩ về người khác theo cách mà mình thích.

Những cái nhãn là quan trọng đối với hàng hóa, nhưng không tốt cho con người.

Và việc xem lại cuốn sổ lưu niệm khiến tôi nhớ ra: sắp đến buổi họp mặt lớp cũ rồi. Tôi phải giảm cân một chút, bởi nếu không, sẽ chẳng có ai nhận ra tôi cả.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.