“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Cây trứng cá, khoảng trời bé và cô gái mặc quần cộc

“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Cây trứng cá, khoảng trời bé và cô gái mặc quần cộc
HHT - Tuổi thơ là cả một câu chuyện dài tiếp nối mãi cho cuộc đời sau này. Bởi mỗi khi nụ cười ngập ngừng trên môi là khi bóng dáng của góc sân năm xưa quay về…

Hơn mười năm trước, đứa trẻ nào ở quê tôi cũng ít nhiều có một tuổi thơ xanh ươm với cây cối. Bởi cái lứa tầm chín, mười tuổi đầu của tôi lúc đó không có hình ảnh ngồi miệt mài với điện thoại thông minh hay những chiếc máy tính nhỏ gọn, tiện dụng. Lúc đó tivi ở nhà còn trắng đen chứ nói chi mạng Wifi, 3G, 4G phủ sóng như bây giờ. Thời đó, quanh quẩn suốt ngày là những con đường làng rong ruổi cùng ước mơ, là những cánh diều ngược gió bay cao, là cái sân cha mới tráng xi măng láng o và cây trứng lá phủ tán rộng trên bầu trời to lớn.

Ảnh minh họa: Hideaki Hamada.

Chiều chiều, cả đám loi nhoi trong xóm thi nhau hái trứng cá xem đứa nào nhiều hơn. So bì gì chưa thấy mà thấy má cầm cây rượt cả đám khắp sân khi thấy lấp ló trong tay từng đứa là hàng chục “em” trứng cá còn non èo tí tẹo. Vậy đó, mà lần nào cũng khóc rồi cũng chơi lại trò đó vào hôm sau. Qua mùa cây sai trái thì đám nhỏ túm tụm lại, đứa úp mặt vô cây hét vang: “Năm, mười, mười lăm,…” rồi chốc nữa khóc oà vì không kịp đập tay kêu “Keng”, vậy là “giăng” thêm một lượt nữa.

Ảnh minh họa: Hideaki Hamada.

Mấy năm sau tôi lớn hơn với bài vở nên thi thoảng mới ra đứng ngó cây trứng cá một hồi rồi trở lại với những kì thi nối tiếp. Một sáng dậy sớm thấy mẹ cầm chổi lao xao quét lá trứng cá, tôi mới nhận ra dáng mẹ ngày càng già đi. Hôm đó, khoảng trời nhỏ của tôi buồn đến nao lòng.

Tôi đến với giảng đường đại học và những chuyến đi mải miết. Lần ấy, tôi về tới cổng nhà thì mưa ập tới, bỗng thấy trơ trọi nửa thân dưới cây trứng cá run rẩy dưới mưa, nhựa ứa ra, trôi theo nước mưa. Tối đó nghe cha nói: “Mùa về cây rụng lá nhiều quá, má mày quét mỏi tay. Mấy nay bão liên miên, chặt chứ không thôi nó ngã thì khổ.”  Mắt cay xé, tuổi thơ từ đó mất đi một khoảng trời.

Ảnh minh họa: Hideaki Hamada.

Mấy năm nay mẹ vượt qua bạo bệnh nên sức khoẻ yếu hẳn đi, tôi thường xuyên về nhà hơn. Lần nào về cũng tranh thủ ngủ bù cho những tháng học hành và đi làm. Buổi chiều trời nhuộm màu mặt trời chuẩn bị ngủ, tôi lui cui ôm đống củi vào bếp với mẹ, thấy gốc trứng cá ngày xưa chỉ còn lỏm chỏm trên mặt đất. Giây phút ấy, tôi đứng đó như đứng dưới vòm cây năm nào, ngỡ ngàng nghe lời ca cũ.

“Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.”

Có những mùa hoa không bao giờ trở lại, có những khoảng trời chỉ còn nằm yên trong trí nhớ. Hệt như hình ảnh đứa nhỏ đứng tít tận gần ngọn cây trứng cá, hô to “Ê, chụp nè mày!”…

(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

Reply Y2K: Trái tim bí mật của cô bạn Bánh Cam "keo kiệt" của tuổi thơ tôi

HHT - Ba Bánh Cam mất sớm, má nó làm các loại bánh bột chiên, bỏ mối cho những người bán dạo. Có lần, Bánh Cam xách theo bọc bánh, mời bạn bè trong lớp. Mọi người xúm vô ăn. Mấy chục bánh nóng hổi hết sạch. Tới lúc đó, Bánh Cam mới dõng dạc: “Mỗi cái bánh 500 đồng. Trả tiền cho tui nha!”. Tụi bạn chưng hửng ngó nhau.
Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.