“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Mùi hoa tràm vấn vương khoảng trời bé thơ

“Những mốc thời gian hạnh phúc”: Mùi hoa tràm vấn vương khoảng trời bé thơ
HHT - Mẹ nó chọn bán hai cây tràm để có đủ chi phí cho ba phẫu thuật. Ngày người ta mang máy cưa đến, hạ từng nhánh, ngày đó, nó không bao giờ quên được. Vì đó là cả một vùng ký ức, một tuổi thơ, một khoảng trời.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê mà quanh năm người dân trong thôn nó tất bật với ruộng lúa, vườn cam, rẫy điều. Ngày còn thơ ấu, mỗi buổi sáng nó theo mẹ ra ruộng, bên hông nó lúc nào cũng là một cái giỏ nhỏ được mẹ buộc chặt bằng sợi dây cối cũ kỹ đã ngả sang màu cháo lòng, mẹ đi phía trước nó lon ton đôi chân không dép, chạy theo sau, trên bờ mương nhỏ, xung quanh là cả một cánh đồng lúa xanh mướt khẽ rung dưới làn gió sáng. Chiều nào cũng vậy, sau khi trở về, cái giỏ nó cũng có những thứ khác nhau trong đó, khi thì vài con ốc bươu, lúc lại ít con cua đồng nhỏ, có cả con cá rô bị kẹp trong càng con cua, nó gọi đó là món canh chiều, và một thứ nữa trong chiếc giỏ nhỏ đó những ngày tháng Mười một này là chiếc hoa tràm vàng.

Ảnh minh họa: Châu Thanh Tuấn.

Nhà nó không khá giả, khoảng ruộng chỉ đủ trồng vài sào lúa, gặt lúa xong cả cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ và những bó rơm buộc gọn, đó là phần quà cho đàn bò nhà bà Hai đầu xóm. Nó khoái nhất những ngày cuối năm, vào khoảng đầu tháng Mười một, hai cây tràm cổ thụ trổ hoa rực rỡ, một cây mọc xiên quẹo trên bờ ruộng nhà nó, cây còn lại nằm trong khoảng sân đầy cát. Nó chẳng biết hai cái cây này được trồng từ bao giờ, chỉ nghe ba nó kể lại rằng, khi ông nội còn sống, chính tay ông đã trồng một cây trong sân, cây ngoài bờ ruộng thì mọc hoang dại, chắc do gió đưa hạt từ nhà ra đó. Vậy ngót ngét ra, cây tràm này lớn tuổi lắm rồi, có khi 30 tuổi hơn rồi còn gì nữa, hèn gì nó che mát cả khoảng sân, căn nhà, cả bờ ruộng ngoài kia, bà con trong xóm trưa nào cũng mang gà mênh cơm tụ lại dưới gốc tràm, vừa nghỉ mát vừa ăn bữa trưa.

Ảnh minh họa: Trường Sơn.

Vào những ngày cuối của năm, cây tràm trổ hoa rực rỡ, bắt đầu là những cái nụ cỡ chừng 2cm, cứng và xanh, rồi dần dần cái nụ đó dài ra bằng cây tăm, những bông hoa nhỏ li ti bu bám nhau đeo xung quanh, cái bông đó nó lớn dần và nhanh như thời gian của những ngày cuối năm vậy. Nó khoái nhất khi hoa tràm trổ rực một màu vàng, vàng cả cây, lấn át đi màu xanh của chiếc lá thon dài như con cá kèo quê nó. Cái mùi thơm vừa nồng vừa thanh mát tràn ngập cả khu nhà nó, tràn luôn ra khoảng ruộng ngoài kia, hơn nữa, những hôm trời gió, những bông nhỏ li ti rơi đầy sân, rơi cả trên mái tôn nhà nó, mẹ nó phải quét gom lại đổ ngoài con mương phía trước. Cây tràm rực rỡ hoa vàng, kiêu hãnh nở rực và tỏa hương cả một vùng thôn, để đến khi Đông về, nó rụng hết cả hoa và những quả xanh li ti như quả me non bắt đầu xuất hiện, báo hiệu cho sự sinh tồn tiếp diễn. Không biết từ bao giờ, nó yêu cây tràm như một phần trong nó, yêu cả màu xanh lá, vỏ nâu sần sùi những sọc dài, cả màu hoa vàng rực như nắng và cái mùi vừa nồng vừa thanh mát đó.

Ảnh minh họa: Internet.

Cả tháng nay rồi, ba nó cứ sụt sùi cái mũi kể cả trời có trở lạnh hay không, trạm xá đầu làng cũng đã đi hơn chục lần, thuốc mang về uống cũng không ít, bà Hai còn mang cả thứ lá bồ đề khô, cuộn lại đốt lên cho ba nó hít vào, bà gọi là xông mũi, nó chẳng biết vị đó thế nào, nhưng sau khi ba nó hít được mấy đợt, nước mũi hai bên vẫn chảy, mỗi ngày một nhiều hơn, chỉ cần cúi người xuống là nước lại chảy ra như chỉ chực chờ sẵn vậy. Mà phải chi chỉ chảy như vậy thôi, nó còn hành ba nó đau đầu, đau nhiều đến mức không nằm được trên chiếc giường tre mà ngủ, mỗi tối ba nó phải ngồi tựa trên cây cột gỗ sát vách. Chỉ tầm một tháng mà nó nhìn  thấy xương quai xanh của ba nó hằng lên rõ rệt, ba nó ốm đi nhiều quá.

Chiều hôm đó, vừa tháo chiếc giỏ nhỏ trên hông xuống, nó thấy mẹ nó đã soạn sẵn một giỏ đồ, nhìn thoáng qua, nó thấy trong đó có vài bộ đồ của mẹ, chiếc quần tây sờn màu và vài cái áo sơ mi bạc của ba, bình thủy, gà mên cơm và một vài thứ gì đó mà nó không kịp để mắt tới. Mẹ bảo đưa ba lên Sài Gòn, vào bệnh viện lớn để khám và trị, gửi nó sang nhà bà Hai ở vài hôm. Chỉ như vậy, rồi mẹ đi, trong cái ký ức non nớt của nó, chỉ nhớ được rằng những ngày ở nhà bà Hai, nó chẳng muốn đi đâu, làm gì, cũng không ăn nhiều dù bà cho nó ăn rất ngon, lúc nào cũng chỉ hỏi một câu: “Khi nào mẹ con về?”

Ảnh minh họa: Internet.

Một tuần sau khi mẹ nó đi, rồi mẹ nó cũng về, nhưng không có ba. Bác sĩ bảo rằng ba nó bị viêm xoang cấp, rất nặng, trong xoang mũi có cả mủ và dịch, phải tiến hành mổ. Nó nhìn thấy sự tuyệt vọng trong mắt mẹ nó, cả nhà chỉ có vài sào ruộng, lấy đâu ra tiền cho ba nó mổ và cả những chi phí đi lại, ăn ở trên cái Sài Gòn đắt đỏ đó. Cuối cùng, mẹ nó chọn bán hai cây tràm trước sân và trên bờ đê ruộng để có đủ chi phí cho ba nó phẫu thuật. Ngày người ta mang máy cưa đến, hạ từng nhánh, từng đoạn thân cây, ngày đó, nó không bao giờ quên được trên cả quãng đường đời sau này của nó vì đó là cả một vùng ký ức, một tuổi thơ, một khoảng trời trong nó.

Ba nó khỏe, lại trở về bên mọi thứ hằng ngày, mẹ nó gửi nó lên trên nhà bà con ở thị trấn học, nó rời xa cái thôn đó, xa cả những điều ngọt ngào bình dị, xa mùi hương tràm đó, bước những bước đi mới trên đường đời, con đường ai cũng phải trải qua và bước tiếp. Nó gói tất cả lại, cất thật kỹ, nó gọi đó là ký ức.

(Chi tiết về cuộc thi viết “Những mốc thời gian hạnh phúc” có thể xem tại đây. Hoặc gửi bài viết về địa chỉ email cuocthiviet.h2t@gmail.com)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.