Tại sao chúng ta lại thấy người khác "kỳ quặc"?

Tại sao chúng ta lại thấy người khác "kỳ quặc"?
HHT - Khi chúng ta đánh giá người khác dựa trên những tiêu chuẩn của cá nhân mình, thì chúng ta thường xuyên thấy người khác là kỳ quặc.

Ở một nơi nào đó khác

Từ hồi học cấp II, tôi đã thích tập chạy. Đến những năm trung học, có một khoảng thời gian tôi tập nhiều hơn vì đã đăng ký tham gia cuộc thi chạy đường dài băng ngang đất nước. Vào những ngày đó, việc bình thường của tôi là chạy 5 dặm vào lúc 5h sáng và 10 dặm lúc 10h tối, 6 ngày mỗi tuần. Tôi rất muốn chiến thắng. Và tôi biết rằng nếu tôi cố gắng tập thêm trong khi những đối thủ của mình đang ngủ hoặc đang đi chơi, thì tôi sẽ đi trước họ một bước – việc đặc biệt quan trọng khi ở vạch đích.

Khi tôi mới bắt đầu tập chạy vào sáng sớm và tối muộn như vậy, thì trải nghiệm này khá là kinh khủng. Cơ thể tôi không muốn hợp tác. Nó đau và nhức. Và tôi phát hiện ra rằng cách duy nhất để chịu được chính là làm cho mình sao lãng đi: để đầu óc mình ở một nơi nào đó khác trong khi cơ thể thì vẫn đang chạy.

Tôi thấy việc chạy bộ vào buổi tối muộn giống như là một hình thức “tĩnh tâm” vậy.

Là một kẻ kỳ quặc

Dần dần, tôi chạy giỏi hơn. Thực tế là giỏi đến mức tôi mong đến giờ tập chạy. Bởi khi chạy, đầu óc tôi thấy thoải mái, nhẹ nhõm, đặc biệt khi không có ai ở xung quanh. Tôi coi đây như một hình thức thư giãn vậy. Kể cả sau này, khi không tham gia các cuộc thi chạy nữa, tôi vẫn tập chạy hàng ngày. Và dù không bắt buộc, nhưng tôi vẫn thường chạy vào những giờ "oái oăm" là sáng sớm và tối muộn. Bạn bè tôi thấy như thế rất kỳ quặc, nhiều khi đang đi chơi cùng bạn mà tôi ra về trước vì… đến giờ tập chạy. Nhiều bạn gọi tôi là "lập dị". Tôi đã cố giải thích cho họ, rằng tôi thấy việc tập chạy giống như tĩnh tâm vậy. Nhưng họ không hiểu được. Và trong mắt họ, tôi vẫn là một kẻ lập dị, kỳ cục, khác người. Có lẽ ở những thời điểm nhất định trong cuộc đời, ai cũng có lúc cảm thấy mình như vậy: chẳng giống ai, chẳng ai hiểu được mình.

Có một người nói đúng

Tối hôm qua, tôi đi chạy vào lúc 11h. Trời mát và yên tĩnh - đúng như tôi thích. Tôi chạy được khoảng 3 dặm thì có một cô gái mặc quần áo thể thao, ngồi trên băng ghế ở lề đường, vẫy tay với tôi và kêu lên: "Này, xin chào!". Ý nghĩ đầu tiên của tôi là cứ phớt lờ cô ấy và chạy tiếp. Nhưng sự tò mò đã chiến thắng, nên tôi dừng lại.

Cô gái đó chắc hơn tôi vài tuổi, tóc xoăn và vàng hoe, xỏ khuyên tai và khuyên mũi, có hình xăm ở cả hai bên tay. Tuy mặc đồ thể thao nhưng cô ấy không đang tập, mà đang ôm một cây đàn ghi-ta.

Có người lại thích ngồi chơi ghi-ta ngoài phố, cũng vào buổi tối muộn.

Khi thấy tôi lại gần, cô ấy rời tay khỏi chiếc đàn và mỉm cười:

- Đừng lo, tôi là người tốt, tôi chỉ thích ra đường vào buổi tối muộn.

- Ồ, dù gì đó cũng là việc của chị, em không lo gì cả – Tôi thật thà đáp.

- Dù sao – Cô ấy nói tiếp – Có lẽ cậu không nhận ra, nhưng bây giờ là hơi muộn để tập thể dục rồi đấy. Tôi thấy cậu chạy qua đây vài lần rồi, chạy đến tận quá nửa đêm.

- Vậy thì…? – Tôi hỏi lại.

- À, hàng ngàn người chạy qua đoạn đường này mỗi ngày, nhưng có vẻ cậu là người duy nhất mà tôi gặp lúc nửa đêm. Và tôi thấy như thế hơi kỳ quặc. Cậu nói cho tôi lý do được không?

Tôi kể cho cô gái ấy nghe về việc tôi thích chạy những lúc vắng vẻ và yên tĩnh, và việc chạy bộ khiến tâm trí tôi được thư giãn, "như là tĩnh tâm vậy", tôi bảo thế.

Cô gái mỉm cười, đánh mấy nốt nhạc, rồi nói:

- À, vậy thì lúc này tôi cũng giống cậu. Chỉ làm theo cách của riêng mình – cách mà mình thấy phù hợp, cậu hiểu không?

Tôi bật cười, vì thấy cô ấy nói đúng.

- Phải, em hiểu.

Cô gái vẫy tay như kiểu tạm biệt và tiếp tục tập đàn. Tôi cũng vẫy tay và tiếp tục chạy.

Lắng nghe mà không phán xét mới là cách để thấu hiểu người khác.

Kết

Một số người trong chúng ta thích chạy bộ buổi đêm. Một số thích tập đàn ghi-ta ngoài phố, cũng buổi đêm. Những người khác thích đi chơi hoặc đi tham quan. Những người khác thích uống rượu vang đắt tiền. Hoặc lướt ván với những cảm giác mạnh. Hoặc thích nhảy dù. Khi chúng ta cố gắng hiểu người khác bằng cách nghĩ đến những việc họ làm nhưng chúng ta lại dùng phong cách cá nhân của mình để đánh giá, thì thường chúng ta thấy chẳng có ý nghĩa gì cả. Bởi vì người ta dễ nhìn thấy sự kỳ quặc trong một đại dương của sự bình thường, hơn là giải mã được những suy nghĩ logic đằng sau những việc làm tưởng như kỳ quặc của ai đó.

Nhưng khi chúng ta nhìn sâu hơn một chút, nỗ lực hơn một chút để cố gắng thấu hiểu người khác, bằng cách thực sự lắng nghe xem tại sao họ lại làm theo cách mà họ đang làm, thì họ dường như chẳng có vẻ kỳ quặc nữa. Thực tế, họ bắt đầu có vẻ… gần như là bình thường.

Mong rằng bạn luôn đủ kiên nhẫn để lắng nghe, để nhìn thấy điểm tương đồng thay vì những khác biệt, để có được sự đồng cảm thay vì chỉ thấy sự lập dị, khác người.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.