Đi tìm "lối thoát hiểm" cho các show truyền hình thực tế đang xuất hiện quá nhiều hiện nay

Đi tìm "lối thoát hiểm" cho các show truyền hình thực tế đang xuất hiện quá nhiều hiện nay
HHT - Các chương trình truyền hình thực tế thì ra đời đều đều nhưng khán giả lại ngậm ngùi vì phải xem mãi những gương mặt cũ, những chiêu trò quen thuộc.

Những “gương mặt thân quen”

“Xem kênh này cũng Hoàng Thùy, Mai Ngô,... xem kênh khác cũng Mai Ngô, Hoàng Thùy”, “Mới hôm qua Hoàng Thùy còn ngồi “ghế nóng” chỉ dạy thí sinh The Face mà sao giờ lại thành thí sinh “mít ướt” trước mặt Ban giám khảo thế kia?”,… Đây là cảm nhận chung của nhiều khán giả về chương trình THTT lên sóng lần đầu tiên tại Việt Nam mang tên: Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017.

Đi tìm "lối thoát hiểm" cho các show truyền hình thực tế đang xuất hiện quá nhiều hiện nay ảnh 1

Nếu Hoàng Thùy The Face đóng vai trò HLV thì khi đi thi Hoa hậu, cô lại đứng ngang hàng với các thí sinh của chính chương trình đó. Từ người hướng dẫn, chấm điểm, quyết định thành tích cho thí sinh Mỹ Duyên ở các thử thách đơn, thì nay chính Hoàng Thùy lại phải so kè kỹ năng với học trò. Bên cạnh đó, Hoàng Thùy cũng phải đối mặt một tình huống “trớ trêu” khác, đó là: Phạm Hương - thí sinh dừng chân sớm ở Vietnam's Next Top Model mùa 1 sẽ trở thành người hướng dẫn, chỉ dạy Hoàng Thùy - Quán quân Vietnam's Next Top Model mùa 2.

Mai Ngô thì sau hai năm vẫn vậy! Cô vẫn xuất hiện “nổi bật” với liên tiếp “sóng gió” từ bản đăng kí “mời BGK search Google” có “1-0-2” đến thái độ bất cần, vô kỉ luật trước Phạm Hương - Võ Hoàng Yến. Với format mới nhằm giúp khán giả có thể theo dõi hành trình đến với vương miện thay vì chỉ phát sóng trực tiếp đêm chung kết như các cuộc thi sắc đẹp trước đây, chương trình được mong chờ sẽ là một “món ăn mới” trong “thực đơn THTT” hiện nay. Thế nhưng, chưa xét về format, khán giả Việt đã “hơi ngấy” khi chương trình quy tụ quá nhiều những “gương mặt thân quen” là các Á quân, Quán quân Việt Nam Next Top Model Hoàng Thùy, Mâu Thủy, Tiêu Ngọc Linh, Á quân Gương mặt thương hiệu Chúng Huyền Thanh, Mai Ngô... Những người đẹp trên sàn catwalk này liệu có phù hợp với tiêu chí một cuộc thi Hoa hậu?

Đi tìm "lối thoát hiểm" cho các show truyền hình thực tế đang xuất hiện quá nhiều hiện nay ảnh 2

Không riêng gì TLHHHVVN, cách đây không lâu, Next Top cũng khiến khán giả bớt đi sự háo hức vì "bê" nguyên dàn thí sinh cũ vào nhà chung. Dẫu biết phiên bản mang tên All Stars (quy tụ cả thí sinh cũ và thí sinh mới cùng cạnh tranh), thế nhưng những “nhân tố mới” mau chóng “biến mất” sau vài tập đầu tiên. Bỗng chốc chương trình trở thành “sân khấu” dành cho những gương mặt từng bị “ghét” một thời “tái xuất”. Những cái tên như Thùy Trâm, Lại Thanh Hương, Hoàng Oanh, Nguyễn Hợp… và thậm chí là các người mẫu từng được cho là nằm-trong-black-list như Thùy Dương, Kikki Lê… cùng trở lại với hy vọng chạm đến ngôi vị cao nhất.

Bộc lộ chân thực cá tính thí sinh là cái hấp dẫn riêng có của các cuộc thi THTT. Nhưng nay, “hội tụ” trong các chương trình này là những gương mặt mà cá tính của họ đã được “khắc họa” tương đối rõ ràng trong mắt công chúng từ các chương trình trước. Bài toán khó cho nhà sản xuất chính là các gương mặt cũ nếu giữ nguyên cá tính thì chẳng còn gì bất ngờ, nhưng nếu họ thay đổi thì dường như lại bị gượng ép, khiên cưỡng. Có những ý kiến “hài hước” cho rằng: Phải chăng không còn thí sinh mới nên đành để các Á quân, Quán quân thi đấu với nhau?

Vòng lặp của những “trò lố”

Cố tình hay vô ý, nhiều chi tiết giật gân của các chương trình truyền hình thực tế đang bị coi là chiêu trò và quá phản cảm. Những “mô-típ” thí sinh được nhà sản xuất “tận dụng” triệt để từ chương trình này đến chương trình khác, thường là: Thí sinh có hoàn cảnh éo le, số phận đặc biệt; thí sinh... ưa cãi vã và “lộng ngôn”; thí sinh có “mối quan hệ đặc biệt” với ban giám khảo...

Đi tìm "lối thoát hiểm" cho các show truyền hình thực tế đang xuất hiện quá nhiều hiện nay ảnh 3

Chiêu trò “lấy nước mắt” lặp lại trong tập 1 Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam khiến khán giả ngán ngẩm đến mức thốt lên: “Đến Mai Ngô cũng phải khóc sao? Có gì đó mới hơn không?”. Quả thật không có gì mới vì lâu này chương trình THTT nào cũng cố tình đẩy dư luận chú ý vào những mảnh đời bất hạnh. Thế mới dẫn đến những “bi hài chuyện” kiểu: Ca sĩ Anh Thúy giả dạng cô gái bất hạnh Huyền Minh với gương mặt biến dạng vì tai nạn để đi thi X- Factor; hai thí sinh với “danh xưng tự phong” là nhà sư để thi Tuyệt đỉnh song ca... Những phân đoạn có “nước mắt” được mọi chương trình sử dụng tối đa nhưng dường như đây là sự “lạm dụng” khiến khán giả không chỉ “ngán” mà còn quay lưng.

Bên cạnh “nước mắt” thì những vụ cãi vã cũng được nhà sản xuất các cuộc thi THTT “đặc biệt quan tâm”. Cách đây vài tháng, chuyện các thí sinh cãi vã, ném đồ, đụng tay đụng chân… để giải quyết mâu thuẫn; giám khảo/ host lời qua tiếng lại với nhau như “ngoài đường ngoài chợ” trong chương trình Vietnams Next Top Model 2017The Face 2017 khiến nhiều người bức xúc đề nghị dẹp bỏ chương trình. Trên mạng xã hội, nhiều khán giả thú nhận họ theo dõi chỉ vì thích drama, thích sự kịch tính. Những thử thách chuyên môn, thời trang bỗng trở nên mờ nhạt.

Chìa khóa thoát hiểm phải mua bằng... tiền?

Theo Thạc sĩ Nguyễn Nga Huyền, giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm chất lượng của các chương trình THTT nói chung và các cuộc thi THTT nói riêng là do yêu cầu “lấp đầy sóng” và nguồn thu quảng cáo. Có quảng cáo thì chương trình mới sinh ra tiền, nhưng để có quảng cáo thì chương trình phải thu hút được nhiều người xem. Từ góc độ kinh tế có thể thấy ngay: Điều này sẽ tạo áp lực khiến những người sản xuất chương trình phải tìm cách tăng lượng xem. Có thể đó là cách “tăng chân chính” như cải thiện chất lượng nội dung, sử dụng truyền thông quảng bá độc đáo nhưng cũng có thể là “lạm dụng chiêu trò”, sắp đặt những tình tiết giật gân, lố lăng thiếu kiểm soát.

Đi tìm "lối thoát hiểm" cho các show truyền hình thực tế đang xuất hiện quá nhiều hiện nay ảnh 4

“Thế nhưng hậu quả của lạm dụng chiêu trò rất lớn. Những cách câu view sử dụng chiêu trò có thể mang lại lượng người chú ý đột biến, nhưng về lâu dài thì có  thể làm mất thiện cảm của công chúng. Theo tôi, điều quan trọng vẫn phải tập trung vào chất lượng nội dung thực sự của chương trình, vào những giá trị mà chương trình mang lại cho công chúng. Khán giả là những người xem rất công tâm, điều gì mang lại giá trị cho họ thì họ sẽ trân trọng. Những nhà sản xuất cần hiểu được điều này để tập trung vào “chất” của chương trình chứ không chỉ là một ‘lượng’ view nhất thời” - thạc sĩ Nga Huyền chia sẻ.

Khán giả chắc chưa quên được thành công của Sing My Song 2016. Chương trình vốn không cần chiêu trò đánh bóng thí sinh, bốn huấn luyện viên cũng không mỉa mai, cãi vã nhưng sức hấp dẫn vẫn kéo dài xuyên suốt mùa thi. Yếu tố chuyên môn chất lượng kết hợp với format mới mẻ, thí sinh tài năng bao giờ cũng dễ dàng thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng. Chúng ta thật sự đang thiếu những chương trình như vậy!

Hiện nay, nhắc đến THTT Việt Nam, hiếm có các chương trình tạo được tiếng vang tích cực. Bố ơi mình đi đâu thế?, Bạn muốn hẹn hò là hai cái tên được đánh giá tốt trong chuỗi chương trình THTT. Tuy không được xây dựng dưới dạng cuộc thi với những yếu tố kịch tính, ganh đua nhưng khán giả lại bị thu hút bởi tính gần gũi, tự nhiên, khai thác hóm hình tính cách nhân vật tham gia và tận dụng hợp lí những câu chuyện cảm động có thật, không tạo dựng, dàn xếp. Điều này chứng tỏ, khán giả Việt rất tinh ý với các sản phẩm truyền hình. Họ đón nhận những cái hay, có tính giải trí nhưng phải nhân văn và thực tế.

Đi tìm "lối thoát hiểm" cho các show truyền hình thực tế đang xuất hiện quá nhiều hiện nay ảnh 5

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các nhà sản xuất, nhà đài cần nhìn nhận lại về thị hiếu công chúng để đưa ra những chương trình cuộc thi THTT đúng bản chất thay vì “tính thực tế trên danh nghĩa”.

LINH TRANG

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm