Khang A Tủa, người giúp bạn tin rằng thành công sẽ đến với người nỗ lực không ngừng

Khang A Tủa, người giúp bạn tin rằng thành công sẽ đến với người nỗ lực không ngừng
HHT - Là chàng trai người Mông chinh phục ngôi trường Bách Khoa danh giá rồi lại từ bỏ, ứng tuyển vào Fulbright với bài luận 100% dịch bằng Google Translate, Khang A Tủa không ngừng tìm kiếm môi trường giáo dục phù hợp nhất để giúp mình thực hiện ước mơ.

Lý lịch trích ngang

Họ tên: Khang A Tủa (Tuam Khaab)

Hiện tại đang là sinh viên trường Đại học Fulbright Việt Nam

Co-founder dự án Vườn Mơ, founder Ná Nả: Mùa gì mua nấy, tổ chức Tết Mông xuống phố...

Khang A Tủa, người giúp bạn tin rằng thành công sẽ đến với người nỗ lực không ngừng ảnh 1

Từ cậu sinh viên bán mì tôm đến người “buôn” ước mơ

Năm qua, câu chuyện về hành trình đi tìm lý tưởng về giáo dục của chàng trai người Mông Khang A Tủa một ngày nọ bất ngờ viral khắp các xó xỉnh Facebook. Chàng trai người Mông với tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc mình xuống núi học cách để quảng bá, gìn giữ màu sắc ấy. Chàng đi tìm cách “xây người”, để những đứa trẻ dân tộc thiểu số có thể nhìn trời rộng hơn, có thể biết rằng cuộc đời là do chính các bé nắm lấy. 

Thật ra Khang A Tủa đã được biết đến nhiều từ khi đỗ vào Đại học Bách Khoa. Khi đó, anh bán mì tôm kiếm sống, lấy tiền trang trải cuộc sống sinh viên. Tình cờ “được” lên báo, được cả kí túc xá, rồi đông đảo sinh viên biết đến, anh trần tình lúc ấy cảm thấy khó sống lắm, thấy áp lực kinh khủng lắm vì anh chẳng muốn mình nổi tiếng theo cách như vậy.

Khang A Tủa, người giúp bạn tin rằng thành công sẽ đến với người nỗ lực không ngừng ảnh 2

Lần sau thì khác rồi. Anh lại lên hàng loạt trang báo, nhưng với những lý do khiến anh có thể tự tin và tự hào. Bởi lần này, Tủa được biết đến vì những việc làm tử tế và mang lại hạnh phúc cho đồng bào mình. Nên là dù có 10394 bài báo “viral” thì anh cũng không choáng, cũng chẳng còn áp lực năm xưa. Anh Tủa cứ làm những việc anh muốn thôi, còn nhờ truyền thông và báo chí mà mọi người biết đến anh cũng là một điều tốt, vì biết đâu đây sẽ là động lực cho ai đó làm điều tử tế.

“Anh cảm thấy mình như một chú chim lạc loài”

Năm lớp 10 có thành tích học giỏi, anh Tủa được xuống học tại trường nội trú Việt Bắc, Thái Nguyên. Như mọi đứa trẻ người Mông khác, anh đã được học tiếng Việt từ nhỏ và vì là học sinh người Mông duy nhất trong lớp, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính anh sử dụng hằng ngày. Lúc ấy, mỗi năm anh chỉ có khoảng 2 - 3 tuần ở nhà với bố mẹ thôi nên dù không muốn cũng phải thừa nhận rằng vốn tiếng Mông của anh đã bị hao mòn tương đối. 

Một lần, trong kỳ nghỉ Tết, anh cố nói với mẹ về việc mình mới có một nốt ruồi ở tay trái mà anh không sao nhớ được từ “tas” (nốt ruồi) trong tiếng Mông, mà mẹ anh thì không hiểu tiếng Việt. Loay hoay giải thích mãi mà mẹ không hiểu, anh cảm thấy mình như một chú chim lạc loài, không thể hót tiếng hát của đồng loại. Mà mục đích của việc đi học, của việc tiếp nhận giáo dục, đối với anh, không phải là để tạo ra sự đứt gãy với chính bố mẹ của mình. Và thế nên Tủa bắt đầu học thêm chữ Mông, rèn tiếng Mông, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử người Mông. Từ đây anh mới nhận ra những hiểu lầm, định kiến xoay quanh người Mông, xoay quanh chính anh.

Khang A Tủa, người giúp bạn tin rằng thành công sẽ đến với người nỗ lực không ngừng ảnh 3

Ở Thái Nguyên, ở Hà Nội, khi nói tới anh và người Mông, người ta thường dung những tính từ như “cổ hủ”, “lạc hậu”, “hoang dã”, “nghèo khổ”, “yếu kém”… để miêu tả và anh thì không tin những định kiến đó bởi anh biết rất nhiều người Mông giỏi, thành đạt, nhanh nhạy. Vậy nên anh bắt đầu tạo ra những thay đổi, từng bước gỡ bỏ đi những định kiến ấy. 

Tủa tham gia các sự kiện bảo tồn văn hóa người Mông, biên soạn sách/ kể chuyện cổ tích Mông cho các bạn trẻ, kể những câu chuyện về văn hóa Mông, giải mã những hiểu lầm phổ biến về người Mông như tục bắt vợ được viết trong trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Trong dự án cuối khóa học Rhetoric (Nghệ thuật biện luận) tại trường, anh chọn dự án bình về việc cải tổ đám táng của người Mông, và hiện anh đang dịch những chuyện cổ tích Mông đầu tiên là ra tiếng Việt, sau sẽ là tiếng Anh. Cứ nói về dân tộc Mông, anh Tủa có thể nói cả ngày, tất cả mọi thứ anh làm đều liên quan đến màu sắc văn hóa ấy, như thể suy nghĩ ấy luôn nằm sẵn trong đầu anh vậy, như thể là một chú chim không muốn phải tách xa đàn của mình.

Khang A Tủa, người giúp bạn tin rằng thành công sẽ đến với người nỗ lực không ngừng ảnh 4

Tiệm sách không chỉ có... sách giáo khoa

Vì muốn những đứa trẻ dân tộc thiểu số biết rằng thế giới ngoài kia bao la lắm, cuộc đời không chỉ có đợi lập gia đình là xong, và chuẩn bị tâm lý cho những đứa trẻ 14, 15 tuổi đứng trước bước ngoặt của đời mình: Lựa chọn cưới hay là học tiếp, anh Tủa đã cho ra đời Vườn Mơ. Đây là dự án đưa trẻ em Mông xuống Hà Nội trải nghiệm đời sống thành thị; được chơi, được tìm tòi, được tiếp nhận kiến thức qua các hoạt động nâng cao kĩ năng tư duy, được đọc sách, sáng tạo, và học được nhiều điều một cách tự nhiên nhất. 

Anh Tủa kể rằng, một hôm, các bạn nhỏ được yêu cầu tự dẫn nhau đi khám phá Hà Nội dưới sự giám sát của các anh chị lớn. Có một nhóm 5 bạn nhỏ thì chỉ có một bạn muốn vào hiệu sách thôi. Sau một hồi thuyết phục nhau thì cả nhóm cũng miễn cưỡng đi vào hiệu sách. Điều bất ngờ là vào đó rồi các bạn lao vào tìm và đọc sách đến quên cả lịch trình đi chơi, ăn uống luôn. Sau đó có bạn nói rằng, nếu không có buổi vào hiệu sách đó thì sách với bạn ấy chỉ là sách giáo khoa thôi. Tự nhiên Tủa nhớ lại mình hồi còn nhỏ cũng vậy, nghĩ là mình không thích đọc sách, vì sách giáo khoa rất chán, nhưng sau này mới biết sách hóa ra đa dạng và thú vị đến thế.

Cũng giống như cuộc sống và thế giới này vậy, cứ ở mãi một chỗ thì sẽ dễ nghĩ rằng cuộc đời chỉ là những vòng lặp tẻ nhạt, chỉ đến khi nào mình cho những điều mới một cơ hội, cho bản thân cơ hội để lao vào những thứ mới mẻ ấy, thì mới biết được rằng bầu trời thật ra rộng lớn biết bao.

Khang A Tủa, người giúp bạn tin rằng thành công sẽ đến với người nỗ lực không ngừng ảnh 5

“Tôi là sản phẩm của những lựa chọn của chính tôi”

Mọi người hay nói anh đang đi một hành trình cổ tích, dù với anh thì là một hành trình đầy rẫy niềm đau, nước mắt và cả hạnh phúc, vui sướng. Nhìn lại hành trình đó, anh thấy rất giống câu nói nổi tiếng của Carl Jung: “Tôi không phải những gì xảy đến với mình, tôi là sản phẩm của những lựa chọn của chính tôi”. Bởi vậy, trước năm mới của thập kỉ mới, Tủa chúc các bạn hãy luôn mở lòng với cuộc sống và đưa ra được cho mình những lựa chọn hợp lý nhất. 

Theo tuần san hoa học trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm