Những cuộc thi Hoa hậu - những "đấu trường nhan sắc" đang tạo ra thế hệ "lò bánh"?

Những cuộc thi Hoa hậu - những "đấu trường nhan sắc" đang tạo ra thế hệ "lò bánh"?
HHT - Ở thế kỉ 21, tưởng chừng như mọi chuẩn mực về cái đẹp ngày càng được khai phóng, thì chính những cuộc thi sắc đẹp lại là nguồn rễ của sự “rập khuôn” từ chỉ số hình thể cho đến tính cách và cảm xúc.

Muốn đăng quang, cần có công thức?

Sau khi lên sóng, chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều. Bên cạnh team ủng hộ và ngày đêm “săn lùng” tân Hoa hậu, “chiến tuyến” còn lại cho rằng cuộc thi đang dần tạo ra thế hệ “lò bánh” với những tiêu chí bất hợp lý.

Những cuộc thi Hoa hậu - những "đấu trường nhan sắc" đang tạo ra thế hệ "lò bánh"? ảnh 1

Thí sinh Trịnh Thị Gấm (giữa) lọt thỏm giữa các thí sinh khác.

Ngay từ tập đầu tiên, thí sinh Trịnh Thị Gấm đã được ban giám khảo chất vấn nhiều nhất về chiều cao đến mức “mắt rưng rưng”. Giám khảo Samuel Hoàng cũng nặng giọng cho rằng bạn í đang “làm mất thời gian” của chương trình. Bất bình với ý kiến của ban giám khảo, bạn Khánh Linh (du học sinh trường Macquarie University, Úc) cho rằng: “Tớ thấy chiều cao không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá một người phụ nữ. Bên cạnh những con số, vẫn còn nhiều khía cạnh đáng được xem xét và trân quý đấy chứ!”. Đơn cử như cô nàng Vũ Thị Hồng Hạnh, tuy chỉ vỏn vẹn một-mét-năm-lăm, thế nhưng cô bạn vẫn thuyết phục ban giám khảo và đăng quang cuộc thi Miss Việt Nam Sacramento (Mỹ).

Ở tập ghi hình thứ ba, các thí sinh được huấn luyện để trở thành người phụ nữ thanh lịch từ cách đi đứng, ăn uống cho đến kỹ năng bàn tiệc. Đến thử thách cuối cùng, các thí sinh phải áp dụng “bài học” thanh lịch để xử lý những tình huống như nhân viên phục vụ làm đổ đồ ăn thức uống lên chiếc váy dự tiệc, bị… đánh ghen hay quát tháo, bắt nạt. Và để giữ “vẻ thanh lịch” các thí sinh phải biết nhẫn nhịn trong lúc tạo dáng “đúng chuẩn”.

Những cuộc thi Hoa hậu - những "đấu trường nhan sắc" đang tạo ra thế hệ "lò bánh"? ảnh 2

Thanh lịch ở bàn tiệc không phải là im lặng và cho qua. Một Hoa hậu là đại diện của tiếng nói văn minh, của tư duy thời đại và cần phải biết đấu tranh cho quyền con người. Vậy nên đề nghị cô phục vụ bàn tìm khăn để mình có thể lau lại váy, hay yêu cầu phương án giải quyết cho cái váy đã vấy bẩn sẽ không làm bạn nhỏ nhen mà là cách xử lý phù hợp, yêu cầu sự tôn trọng đối với bản thân mình, cũng như là cách để tạo cho người khác cơ hội chuộc lỗi. Đó mới là thanh lịch một cách thông minh. Còn nếu người mắc lỗi không chịu nhận sai, thì việc nói lý lẽ, đòi hỏi việc giải quyết đến cùng là cần thiết để những người khác sẽ không trở thành nạn nhân tiếp theo. Im lặng chưa bao giờ là giải pháp, thậm chí sẽ không bao giờ là giải pháp, chứ sự im lặng không phải là thanh lịch, im lặng càng không dành cho một người “chiến binh” đại diện như hoa hậu.

Bạn Thiên Quang (17 tuổi, trường Phổ Thông Năng Khiếu, TP.HCM) đánh giá: “Mục đích của những cuộc thi sắc đẹp vốn dĩ là để tìm ra người phụ nữ đại diện cho một cộng đồng, một đất nước. Nhưng với thử thách mà chương trình đưa ra, mình lại nhìn thấy các bạn thí sinh đang bị “đóng khuôn” trong hình ảnh người phụ nữ khép nép và cam chịu”.

Đã đến lúc thay đổi các tiêu chí cũ kỹ

Những cuộc thi Hoa hậu - những "đấu trường nhan sắc" đang tạo ra thế hệ "lò bánh"? ảnh 3

Các thí sinh trong cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 tập catwalk.

Tuy được biết đến là nơi tôn vinh cái đẹp, nhưng các “đấu trường” sắc đẹp đích thị là nơi “tấn công” “một nửa thế giới”. Sau khi bộ ảnh của các thí sinh tham gia vòng sơ tuyển được đăng trên trang H., đã có hàng trăm lượt bình luận với nội dung body-shaming (lấy khuyết điểm trên cơ thể người khác để hạ thấp và làm trò cười). Đơn cử như bình luận “trông chẳng khác gì hot girl bán kem trộn dắt díu nhau đi thi” hay “về nhà đi ngoại ơi”.

Không chỉ riêng Tôi là Hoa hậu Hoàn Vũ, trong những cuộc thi nhan sắc, thí sinh tức người phụ nữ luôn thiệt thòi nhất. Tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã có không ít những cuộc tranh cãi nảy lửa về đề xuất gỡ bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi sắc đẹp. Nhiều nhà tổ chức cho rằng vòng thi áo tắm là cơ hội để thí sinh truyền cảm hứng về lối sống lành mạnh nhưng liệu bikini có phải là biểu tượng cho phong cách sống này? Chương trình Miss Teen USA đã “tiên phong” thay đổi phần thi áo tắm bằng trang phục thể thao, khuyến khích thí sinh vận động ngoài trời và thật sự đổ mồ hôi.

Đánh giá cuộc thi Tôi là hoa hậu Hoàn Vũ năm nay, bạn Khánh Linh chia sẻ: “Một trong những thứ không thực tế nhất chính là… truyền hình thực tế. Tớ nghĩ, với format này, mọi cảnh quay đều có thể được chỉnh sửa, cắt ghép và biên tập để tăng độ hot và câu view”. Vì thế, để tìm ra một cô nàng Hoa hậu, chúng ta không thể mãi dựa vào những tiêu chí “lò bánh” như chỉ số ba vòng phải chuẩn, vòng thi ứng xử phải thật sắc sảo và đặc biệt là dựa vào những tập ghi hình được chiếu trên tivi. 

Những cuộc thi Hoa hậu - những "đấu trường nhan sắc" đang tạo ra thế hệ "lò bánh"? ảnh 4

“Bắt sâu” cho “bông hoa hậu”

Để thấy được sự vô lý trong các thử thách, bọn tớ đã thử quay ngược lại tìm hiểu xem Hoa hậu Hoàn vũ là ai, họ làm gì? Hoa hậu Hoàn vũ sẽ được tài trợ bởi các nhà thiện nguyện để trở thành đại diện cho những quỹ quốc tế và thực hiện những hoạt động nhân đạo như hỗ trợ xóa đói ở châu Phi hay diễn thuyết bảo vệ nữ quyền,… Chỉ cần dạo một vòng quanh trang Miss Universe, bạn sẽ tìm thấy tiêu chí số một của Hoa hậu Hoàn vũ chính là SỰ TỰ TIN.

Tự tin không phải là việc bạn có biết hát ca trù hoặc chèo hay không, mà tự tin là cho dù chẳng biết gì về âm nhạc truyền thống, bạn vẫn giao tiếp được với những nghệ nhân trong lĩnh vực đó, khiến họ ghi nhận sự trân trọng của bạn, và làm “cầu nối”, truyền cảm hứng khiến công chúng muốn tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống. Tự tin càng không phải là việc bạn có để đúng vị trí của cái khăn và chiếc nĩa trên bàn hay không, mà là dù có để sai, bạn vẫn làm người đối diện ấn tượng bởi phong thái, bởi những gì bạn thể hiện về bản thân trong bữa tiệc.

Cũng vì vậy mà người đẹp Việt Nam dù được đánh bóng tên tuổi rất mạnh nhờ truyền thông nhưng chưa bao giờ thực sự chiếm được chiếc vương miện của thế giới. “Con sâu” lớn nhất của các “bông hậu” là “sự an toàn” đến nhàm chán. Bạn thử nghĩ xem, Hoa hậu phải LUÔN CẤT TIẾNG NÓI, luôn truyền cảm hứng, là hình mẫu cho toàn thế giới ngưỡng mộ. Vậy thì một cô gái không có khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát, chỉ chăm chăm vào cách trang điểm, catwalk và đặt nĩa muỗng trên bàn có thể làm gì?

Những cuộc thi Hoa hậu - những "đấu trường nhan sắc" đang tạo ra thế hệ "lò bánh"? ảnh 5

Cuộc thi hoa hậu đã mất dần sự thu hút ở các nước châu Âu - nơi mà người ta không muốn đem vẻ đẹp của những người phụ nữ ra so sánh với nhau. Nếu không muốn những cuộc thi này cũng mất nhiệt luôn ở Việt Nam, thì ban tổ chức và chính người dự thi phải thay đổi suy nghĩ của mình về một tiêu chuẩn hoa hậu cũ, vì chúng ta đã là một thế hệ người Việt mới, xinh đẹp và văn minh.

GIA HUY - NHO KHOA

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm