Sẽ không thể có một kết quả khác đi nếu chỉ làm mãi một điều quen thuộc

HHT - Đôi lúc, hãy “lười biếng” một cách thông minh, cho mình một nút “pause” để “nghỉ giữa hiệp” và “mài lại rìu”!

Anh Sky ơi, năm ngoái điểm tiếng Anh của em khá thấp nên em cố gắng học tiếng Anh mỗi ngày từ suốt Hè đến giờ. Lúc Hè thì học khoảng hai, ba tiếng một ngày, vô năm hơi bận, em cũng dành nửa tiếng mỗi ngày để “cày”. Vậy mà tuần trước, bài kiểm tra của em cũng chỉ có 6 điểm. Em chẳng biết phải làm sao nữa bây giờ. Chắc là em không giỏi nên dù siêng năng cách mấy cũng vậy thôi…

Lily Nguyễn

Hi em!

Anh bắt đầu câu trả lời của mình bằng một câu chuyện, như thường lệ, nhé! Ngày xưa có một tiều phu khỏe mạnh xin việc ở xưởng gỗ. Người chủ đưa anh chiếc rìu và hướng dẫn khu vực anh sẽ đốn cây. Ngày đầu tiên, chàng tiều phu đem về 18 cây. Ông chủ khen ngợi: “Chúc mừng, cứ tiếp tục như thế nhé!”. Rất vui vì câu nói của ông chủ, chàng tiều phu cố gắng nhiều hơn vào ngày tiếp theo, nhưng chỉ có thể mang về 15 cây. Ngày thứ ba, anh gắng sức nhiều hơn nữa, nhưng lại chỉ có thể mang về 10 cây. Ngày qua ngày, chàng tiều phu đốn được số cây ít hơn và ít hơn nữa.

Anh nghĩ chắc là mình đã cạn kiệt sức lực. Rồi anh đến chỗ người chủ, tạ lỗi và nói anh thực sự không thể hiểu nổi điều gì đang xảy ra. Lúc này, ông chủ hỏi: “Lần cuối anh mài rìu là khi nào?”. Anh trả lời: “Mài rìu ư? Tôi không có thời gian mài rìu. Tôi đã rất tất bật để đốn cây…”.

Sẽ không thể có một kết quả khác đi nếu chỉ làm mãi một điều quen thuộc ảnh 1 Muốn làm việc hiệu quả phải giứ cho cây rìu thật sắc bén.

Em thấy đấy, càng đốn cây thì rìu càng cùn, dù gắng sức bao nhiêu thì mỗi nhát đốn lại ít hiệu quả hơn. Anh tiều phu làm việc rất siêng năng, nhưng lại quên mất điều cơ bản nhất là phải giữ cho cây rìu thật sắc bén thì đốn cây mới nhanh được. Nếu “cây rìu” ở đây là sự nhiệt tình, chăm chỉ thì “mài rìu” chính là phương pháp, cách thức để tạo nên kết quả.

Hãy thử xem các trận thi đấu thế thao, em sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh các huấn luyện viên xin vài phút giữa giờ để bàn luận với các vận động viên. Dĩ nhiên đó là khoảng thời gian để thay đổi chiến thuật thi đấu. Tương tự như vậy, em hãy thư giãn, “soi” lại phương pháp học của mình, trao đổi với những bạn học tiếng Anh giỏi trong lớp để có kết quả học tốt hơn. Có thể cách học cũ đã không còn hữu dụng, thử học với nhỏ bạn thân, hay tham gia một CLB tiếng Anh xem!

Sẽ không thể có một kết quả khác đi nếu chỉ làm mãi một điều quen thuộc ảnh 2 Trao đổi với những bạn học tiếng Anh giỏi trong lớp để có kết quả học tốt hơn. Ảnh: Zing

Em biết không, trong bài kiểm tra, bên cạnh những câu rà soát lại kiến thức thì thầy cô lúc nào cũng có vài câu “bẫy”, để chắc rằng các học sinh động não chứ không học vẹt. Giống như vòng thi kiểm tra tuyển dụng của công ty nọ, đề bài gồm 50 câu đến hai mặt giấy, toàn những câu hỏi kiểu như: Hãy kể tên ba con sông dài nhất thế giới, Châu Âu có bao nhiêu nước, Hãy cho biết châu Mỹ do ai phát hiện, vào thời gian nào…

Điều khó khăn nhất là thời gian chỉ có 10 phút, hầu hết các ứng viên đều vò đầu bứt tóc. Cuối cùng, chỉ có vài ứng viên được chọn. Đó là các ứng viên trả lời “lười” nhất: Chỉ có một dòng. Vì câu 50 ghi rằng: “Bạn chỉ cần trả lời câu hỏi số 5”. Mục đích của công ty này không phải là kiểm tra kiến thức, họ cần tìm các ứng viên nắm được kỹ năng cơ bản: Đọc kỹ đề trước khi làm - nắm rõ vấn đề trước khi hành động.

Giống như Bill Gates có nói: “Tôi sẽ luôn chọn người lười biếng cho công việc khó khăn. Vì anh ta sẽ tìm ra cách dễ dàng nhất để giải quyết”. Đôi lúc, hãy “lười biếng” một cách thông minh, cho mình một nút “pause” để “nghỉ giữa hiệp” và “mài lại rìu”! Em sẽ không thể có một kết quả khác đi nếu chỉ làm mãi một điều quen thuộc.

Theo Ảnh mang tính minh họa
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm