Cảnh hút thuốc lá trong hoạt hình Dumbo của hãng Walt Disney.
Mặc dù nhận thức về tác hại thuốc lá đã thay đổi và được nâng cao trong suốt nhiều năm qua, song việc tranh cãi quanh vấn đề nên hay không nên đưa hình ảnh thuốc lá vào phim ảnh vấn là một vấn đề được quan tâm, bàn thảo. Năm 2012, Giám đốc điều hành của Walt Disney Bob Iger từng tuyên bố ông sẽ “tuyệt đối cấm” hút thuốc trong các bộ phim dành cho trẻ em.
Tuyên bố trên được ông Iger đưa ra trong bối cuộc họp cổ đông thường niên của hãng phim “nhà Chuột” nổi tiếng, trong đó gồm cả các phim của Marvel Studio, với tất cả các nhân vật bất kể chính phụ không được phép hút thuốc lá. Ông Iger lưu ý một trường hợp ngoại lệ duy nhất là các phim cần độ chính xác lịch sử, đơn cử như bộ phim về cuộc đời cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln do Steven Spielberg làm đạo diễn. Trong đó Tổng thống Lincoln là một người nghiện thuốc lá nặng!
Khi được hỏi rằng quy định này khi được thực hiện tại hãng Walt Disney liệu có gây ra áp lực đối với các tổ chức xếp hạng khi xem xét, đánh giá các bộ phim hay không? Ông Bob Iger cho rằng đây là một quyết định mang tính nội bộ và không ảnh hưởng gì tới các hãng phim Hollywood hoặc các hội đồng xếp hạng.
Nhìn lại lịch sử của Disney, có thể thấy có quá nhiều bộ phim hoạt hình mà nhân vật hút thuốc lá hay có hình ảnh hút thuốc như: 101 Dalmatians 'Cruela de Ville (101 chú chó đốm), Pinocchio, Dumbo… Đáng nói là hãng phim này đã tham gia khá sớm vào các chiến dịch chống hút thuốc và từng phát hành một đoạn phim ngắn có tên “No Smoking” (Không hút thuốc) với sự tham gia của Goofy ngay từ năm 1951.
Các thống kê cho thấy, phim ảnh chính là con đường dẫn tới việc hàng triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá. Các nhà nghiên cứu Mỹ chỉ ra rằng hút thuốc trên phim ảnh là nguyên nhân dẫn tới 37% tổng số người vị thành niên gia nhập việc hút thuốc lá. Năm 2014, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ước tính, chỉ riêng tại nước này, việc tiếp xúc với hút thuốc lá trên phim ảnh đã làm gia tăng hơn 6 triệu người hút thuốc lá ở Mỹ.
Tổ chức Y tế thế giới WHO còn thống kê, có tới 44% các bộ phim Hollywood và 36% các bộ phim dành cho giới trẻ có hình ảnh hút thuốc vào năm 2014. Không chỉ phim Mỹ, các bộ phim có doanh thu hàng đầu tại 6 quốc gia châu Âu gồm: Đức, Iceland, Ý, Ba Lan, Hà Lan và Anh, cùng 2 quốc gia Mỹ La-tinh khác là Argentina và Mexico đều có chứa hình ảnh hút thuốc lá, trong đó có cả những phim dành cho giới trẻ - Báo cáo của WHO nêu rõ.
WHO khuyến nghị các biện pháp nhằm tạo ra một môi trường “phim không khói” gồm: Yêu cầu phân loại độ tuổi đối với các phim có hình ảnh thuốc lá nhằm giảm mức độ tiếp xúc của thanh thiếu niên với hình ảnh thuốc lá trong phim; Ngừng trưng ra các nhãn hiệu thuốc lá trong phim; Yêu cầu quảng cáo phòng chống thuốc lá được phát trước các bộ phim có chứa hình ảnh thuốc lá qua tất cả các kênh phân phối phim ảnh gồm rạp chiếu phim, TV, mạng xem trực tuyến…v.v
Tiến sĩ Armando Peruga, Giám đốc chương trình Sáng kiến Không thuốc lá của WHO cho biết, hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện hàng loạt biện pháp để hạn chế hình ảnh thuốc lá trong phim. Trong đó, tại hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đã có những chuyển biến tích cực: Trung Quốc đã đề ra quy định các cảnh hút thuốc quá sâu phải bị cắt bỏ trong phim; Ấn Độ cấm quảng cáo và hiển thị thương hiệu của các hãng thuốc lá trên phim truyền hình trong nước và phim nhập khẩu. “Song thiết nghĩ, có quá nhiều điều cần phải bàn thảo thêm”, Tiến sĩ Peruga nhận định.