Hình xăm nhìn từ góc độ văn hóa: Nghệ sĩ xăm lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
Trung Hanya (giữa) cùng các học trò tham dự Hội chợ Xăm quốc tế Thái Lan 2019
Trung Hanya (giữa) cùng các học trò tham dự Hội chợ Xăm quốc tế Thái Lan 2019
TP - Hình xăm ngày nay thường là tác phẩm có ký tên chứ ít khi được chọn trong bảng mẫu phổ thông. Xăm được cấp mã ngành tháng 7/2018 và bắt đầu có những khóa đào tạo nghề chính quy. Lập nghiệp tại nước ngoài nằm trong tầm tay những nghệ sĩ xăm tài năng.

Đau hay tê?

Lần nào đang xăm dở chừng, dù có thuốc tê, Thái Thùy Linh cũng tự hứa với lòng sẽ không xăm nữa. Cho đến khi lại gặp hình xăm đủ sức khiến cô vượt qua nỗi đau. Với Q, chịu đau là một phần của nghệ thuật xăm bên cạnh “mong mỏi được khắc ghi những câu chuyện đáng nhớ lên người”.

Hình xăm nhìn từ góc độ văn hóa: Nghệ sĩ xăm lên tiếng ảnh 1

Tác phẩm Cô Tấm của Phương Anh Phan (Another Tatoo)

Tiệm Another Tatoo của Nguyễn Đức Tuấn chủ trương không dùng thuốc tê. Theo anh, xăm hình là hình thức vượt lên chính mình, nên (chịu) đau là một phần ý nghĩa của hình xăm. Mỗi người có một ngưỡng đau khác nhau. Với Tuấn: “Độ đau của xăm không quá kinh khủng. Một số vị trí nhạy cảm như quanh bụng dưới, phần ức hay gần nách đúng là rất đau. Còn các bề mặt khác chắc chắn không đau bằng tiêm, chỉ nhấm nhích ngoài da thôi”.

Lí do hàng đầu khiến Tuấn không dùng thuốc tê cho khách là các tác dụng phụ không mong muốn. “Liều dùng cho phép của lidocain trong thuốc tê là 5% nhưng các loại thuốc phục vụ cho xăm trên thị trường có thể dùng tới 40% để giảm đau toàn diện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe cho người xăm”, anh thông báo.

Khanh Nguyễn (Taurus Tatoo) ấn tượng một khách nam khẳng định “cả đời chưa đau thế bao giờ”, nhưng vẫn kiên trì đi lại cả năm để xăm cho trọn một hình về tôn giáo trên lưng. Như vậy nỗi đau khi xăm có thể chuyển hóa thành một dạng mỹ cảm hoặc sự dâng hiến cho một niềm tin nào đó.

Cá biệt

Vẫn có những khách khoái xăm những hình khó nói. May họ không tự xăm được. Khanh từng gặp khách đòi xăm lên mí mắt… câu chửi bằng tiếng Anh. Anh hoãn binh bằng cách xăm hình ở ngực khách trước. “Đau không thở được, thế là chừa”, anh cười. Một khách nữ không hiểu vì sao cứ muốn xăm hình con rết vào… nách. Khanh đành dung hòa bằng bông hồng đỏ làm nền.

Trong đa số trường hợp các khách hàng đòi xăm mặt sẽ bị từ chối. “Xăm mặt cho những người không phải thợ xăm, tâm lý không ổn định, cuộc sống không vững vàng, kiểu gì khách về sau cũng hận mình”, Khanh nhận định. Còn Tuấn: “Ý thích khách hàng không phải điều kiện đủ. Không phải bất cứ vị trí nào chúng tôi cũng đồng ý xăm. Hình xăm do khách mang đến cũng phải phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ của cửa hàng”. Những quy định này cũng là để đảm bảo an toàn cho khách trước những hình xăm trong tương lai, mà nhiều khả năng họ không thích nữa.

Hình xăm nhìn từ góc độ văn hóa: Nghệ sĩ xăm lên tiếng ảnh 2

Hình xăm đầu rồng thời Lý trên nền

Khuê văn các, thiết kế của Khanh Nguyễn

Ảnh: NVCC

Những khách vì tâm trạng mà đi xăm, đang thất tình chẳng hạn, hay chọn những hình tiêu cực, khi đó, Tuấn sẽ từ chối hoặc trò chuyện để “câu giờ” khiến khách nguôi ngoai, rồi hẹn lần khác đến xăm…

Xóa hay để?

Tuấn, người được ca sĩ Minh Thu tin cậy giao phó làn da cho biết: “Nếu hình xăm chỉ một màu xanh đen, không đậm và kích thước nhỏ thì việc xóa khá hiệu quả. Tôi gặp nhiều vết xóa rất đẹp. Những mảng xăm màu nóng như đỏ, cam gần như không xóa được. Xóa la-de tạo sẹo nên nếu xóa cả mảng to sẽ để lại bề mặt da xấu hơn trước lúc xóa. Thực chất hình vẫn còn, chỉ bay mực đi thôi”.

Đã xăm, nên chuẩn bị tinh thần chung thân với hình xăm. Bạn gái cũ của Tuấn sắp sinh con thứ hai với người khác, nhưng anh vẫn không định xóa hình xăm mèo và rắn theo tuổi của hai người trên ngực mình. “Bây giờ không có ý nghĩa, nhưng nó chính là mình thời điểm đấy. Như nhật ký trên người, xóa đi khác nào tự rũ bỏ mình”, Tuấn nói. Nhưng anh cũng không loại trừ khả năng xóa khi có “lí do phù hợp”.

“Một nghìn ông may ra có một ông xăm mặt vợ lên người”, Trung Hanya nhận định. Anh chính là một trong hàng ngàn đó. “Không ai nói trước được điều gì nhưng vợ đã hi sinh cho mình mười mấy năm, và mình cũng hi sinh cho vợ. Đó là trải nghiệm rất lớn và tôi yêu điều đấy”. Trung đã xăm gương mặt mẹ, vợ, sắp tới là bà nội- người nuôi dạy anh từ nhỏ- và hai con.

Từng mở vài địa chỉ xóa xăm ở Hà Nội, Trung nhận thấy khách có nhu cầu xóa chủ yếu vì muốn nâng cấp hình xăm cho đẹp hơn; số ít muốn rũ bỏ quá khứ để đi làm, du học, kết hôn, hoặc còn ít tuổi nên bị… bố mẹ bắt xóa. “Các nước khác không sao, riêng Nhật muốn sang du học hay xuất khẩu lao động, bắt buộc phải xóa xăm”, anh cho biết. Làm chủ một tiệm xăm tại Tokyo từ 2018, Trung hiểu rõ sự mâu thuẫn của người Nhật- nơi nghệ thuật xăm gắn với yakuza (hệ thống các băng nhóm ngầm) suốt mấy trăm năm. Vì vậy đa số người Nhật vẫn khá dị ứng với hình xăm. Dẫn đến tình trạng người trẻ để có được việc làm thường phải dán băng dính hoặc dùng kem che phủ hình xăm.

Bản sắc Việt

Trường phái xăm mang tên quốc gia nổi tiếng nhất đương nhiên là Nhật Bản. Tương lai chưa biết phong cách Việt Nam sẽ phát triển đến đâu, nhưng bắt đầu manh nha định hình.

Ở Another Tatoo có những nghệ sĩ chuyên thiết kế những hình xăm nhìn biết là Việt Nam như bản đồ chữ S, cô Tấm hiện ra từ quả thị, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, múa rối nước, tố nữ, chăn trâu thổi sáo (tranh Đông Hồ)… Điều thú vị là khách nước ngoài- chiếm tới 70% lượng khách tới tiệm, rất chuộng những hình này. Họ là những du khách có sở thích đánh dấu những nơi mình đặt chân đến bằng hình xăm.

“Chúng tôi tự hào mang cho hình xăm nhiều ý nghĩa hơn chỉ là làm đẹp”, Tuấn nói. “Khi các bạn nước ngoài nhờ tư vấn, mình sẽ thuyết phục bằng xuất xứ, ý nghĩa hình xăm. Khi họ chấp nhận xăm văn hóa dân tộc mình, chắc chắn mình rất thích rồi”. Khách nước ngoài đặc biệt đề cao tính cá nhân, không xăm lại hình của người khác nên gần như 100% hình xăm Another Tatoo thực hiện đều do các nghệ sĩ bản hiệu thiết kế.

Tuấn cho biết: “Trước kia nhiều thợ không ý thức về bản quyền cứ lên mạng lấy về xăm y chang, dẫn đến lời qua tiếng lại. Bây giờ đỡ hơn rồi, mọi người nhận thức dần dần. Đến hiệu xăm mở ca-ta-lô có sẵn ra chọn là chuyện của mười năm trước”. Tất nhiên không có chuyện độc quyền hình xăm, chỉ cần người xăm sau có lời xin phép tác giả thì mọi việc đều yên. Ai chả thích khi có người mến mộ tác phẩm của mình. “Cũng có trường hợp họ thích hình xăm của mình nhưng lại không ở Hà Nội, Việt Nam nên đành phải xin bản thiết kế để xăm ở nước họ”, Tuấn kể.

Không phải tự dưng mà thợ xăm ngày nay hay được gọi là nghệ sĩ. Vì họ ngày càng chăm chút, dồn nhiều sáng tạo cho nghề nghiệp mình theo đuổi. Another Tatoo được mở theo mô hình công ty, ở đó các nghệ sĩ được trả bảo hiểm đầy đủ. Trung Hanya không dừng lại ở Nhật mà lên kế hoạch đưa thương hiệu của mình đến với vài nước châu Âu. Anh cũng tham gia giảng dạy tại trường Trung cấp Y tế Trung ương có cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM, đang viết giáo trình xăm và xóa xăm. Tuy thành thạo mỗi tiếng Việt nhưng Trung luôn định hướng học sinh phải trau dồi tiếng Anh, sẵn sàng đưa nghệ thuật xăm Việt Nam ra thế giới.

Công nghệ xóa xăm bằng la-de ngày nay khá tiện dụng nhưng vẫn không thể tẩy triệt để hình xăm. Cũng do muốn che sẹo mổ, ca sĩ Minh Thu đi xăm. Nhưng gặp phải thợ tay nghề kém, báo hại mất cả nửa năm vẫn chưa xóa xong vài hình không ưng. May mà cuối cùng chị tìm được thợ giỏi xăm đè lên hình đang xóa dở. “Vì sửa nên vẫn không đẹp bằng hình xăm mới”, Thu cho biết.

Được khách Việt kiều đặt hàng “một hình xăm để dù đi đâu vẫn tự hào về nước mình”, Khanh Nguyễn thiết kế hình đầu rồng thời Lý trên biểu tượng Khuê văn các. Anh cho hay khoảng 1% khách tìm đến mình để xăm những hình có yếu tố Việt Nam. Chính Khanh cũng dành nguyên mảng lưng cho hình xăm hổ theo phong cách tranh Hàng Trống.

MỚI - NÓNG