Hít bóng cười, người ra bã - Bài cuối: Cần lấp khoảng trống luật pháp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia cho rằng, việc để giới trẻ sử dụng tràn lan bóng cười, ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, an ninh trật tự là do chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe.

Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Nguyễn Tùng Lâm đánh giá việc sử dụng bóng cười tràn lan, có tác hại rất lớn tới giới trẻ (trong đó có cả học sinh phổ thông).

“Theo tôi, chúng ta cần tập trung vào khâu quản lý bởi nhà trường, gia đình rất khó khuyên bảo các em. Lứa tuổi này trước mặt vẫn nghe lời nhưng phía sau vẫn có thể lén lút sử dụng.

Khí cười ngoài việc được sử dụng trong y tế, cơ quan quản lý cần cấm sản xuất, sử dụng trong mọi hình thức khác. Theo tôi, mức xử phạt hành chính như hiện nay chưa đủ sức răn đe nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp kinh doanh vì lợi nhuận lớn. Pháp luật cần có biện pháp mạnh hơn nữa, không chỉ tăng mức hình phạt, thu hồi giấy phép, đóng cửa quán mà xem xét xử lý hình sự hành vi này”.

Còn TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên nhận xét, một bộ phận giới trẻ sử dụng bóng cười rất đáng báo động dù đã có nhiều cảnh báo. Về tâm lý, giới trẻ thường sẽ có xu hướng theo những trào lưu mới, khi một vài em sử dụng thì các bạn khác cũng bắt chước theo, coi đó là một cách giải trí, có thể vô hại. Chính vì thế, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của bóng cười rất lớn đến hệ thần kinh, sức khỏe của các em.

Theo TS Linh, hệ thống pháp luật của chúng ta cũng chưa có được những quy định cần thiết, cụ thể để ngăn chặn việc mua bán cũng như sử dụng khí cười. Bên cạnh đó, công tác truyền thông chưa đáp ứng được cho phụ huynh và học sinh có thể nhận thức đầy đủ về tác hại của bóng cười.

“Tôi cho rằng, các biện pháp của cơ quan chức năng còn lúng túng vì các quy định chủ yếu là hạn chế sử dụng và xử phạt hành chính. Theo tôi, cần nghiên cứu để đưa ra các quy định về việc sử dụng khí cười không đúng mục đích, có thể đưa ra các quy định riêng để góp phần ngăn chặn tệ nạn sử dụng bóng cười tràn lan”, TS Linh nói.

Cần sớm điều chỉnh các quy định xử lý

Hít bóng cười, người ra bã - Bài cuối: Cần lấp khoảng trống luật pháp ảnh 1

Giới trẻ sử dụng bóng cười tràn lan trong các quan bar ở Hà Nội

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thị Yến, Cty Luật Trường Sa cho biết, hiện nay, khí cười (N2O) không nằm trong mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP. Khí cười được đưa vào danh mục hóa chất bị hạn chế sản xuất kinh doanh, chỉ được dùng trong các lĩnh vực công nghiệp và y tế khi đáp ứng đủ điều kiện và được cấp phép.

Đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh khí cười không đúng quy định này sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh.

“Như vậy, đối với việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng khí cười, pháp luật hiện hành chỉ mới quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Đồng thời, những vi phạm này cũng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính”, Luật sư Yến nói.

“Các cơ quan liên quan cần đưa ra những chế tài xử lý cụ thể, đủ tính răn đe, trừng phạt để ngăn chặn tối đa hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng khí cười trái phép”, Luật sư Nguyễn Thị Yến, Cty Luật Trường Sa

Theo Luật sư Yến, khí cười thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Trước việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc nhập khẩu khí cười sử dụng cho công nghiệp nhưng sau đó lại đem bán sử dụng mục đích giải trí, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, ngày 29/5/2019, Bộ Y tế ra văn bản yêu cầu không sử dụng khí cười vào mục đích vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản dưới luật mang tính chất tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo. Do đó, việc mua bán, sử dụng bóng cười vẫn diễn ra một cách công khai tại rất nhiều quán bar, quán lounge, thậm chí là mua bán online. Đây thực sự đã trở thành một vấn nạn, một vấn đề nhức nhối trong xã hội, cơ quan quản lý cần phải nhanh chóng có biện pháp thiết thực để ngăn chặn, xử lý nghiêm.

“Thứ nhất, chúng ta cần nâng cao tuyên truyền về tác hại của bóng cười cho người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên để người dân có nhận thức đúng đắn về mối hiểm hoạ mà bóng cười đem lại. Cần xác định đối tượng là giới trẻ và họ tiếp nhận thông tin chủ yếu từ mạng xã hội, báo điện tử…

Vì thế, chúng ta nên tập trung xây dựng, lồng ghép và sử dụng các chương trình tuyên truyền, vận động trên các phương tiện này. Thứ hai, chúng ta cần xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc và đủ tính răn đe đối với hành vi kinh doanh trái phép khí cười.

Thứ ba, để giải quyết vấn đề nguồn cung trái phép, chúng ta cũng cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu nhập khẩu và sản xuất khí cười”, Luật sư Yến nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Cty Luật Hưng Nguyên cũng cho biết: Cơ sở kinh doanh khí cười không có giấy phép, chấp thuận của cơ quan thẩm quyền sẽ bị xử lý theo chế tài hành chính. Trường hợp vi phạm đủ cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo pháp luật hình sự về hành vi tương ứng.

MỚI - NÓNG