Hồ Trung Dũng: Tham vọng đưa Jazz đến đại chúng, mong “bắt tay” nghệ sĩ nước ngoài

Hồ Trung Dũng: Tham vọng đưa Jazz đến đại chúng, mong “bắt tay” nghệ sĩ nước ngoài
HHT - Hồ Trung Dũng đã chính thức ra mắt album nhạc Jazz đầu tiên ở Việt Nam mang tên “Saigon Feel” và mang theo tham vọng của gã nghệ sĩ muốn chinh phục đại chúng nước nhà.

Trong mắt công chúng, Hồ Trung Dũng có lẽ là chàng ca sĩ khá “nhạt” - “nhạt” từ hình tượng đến đời tư. Anh không có những chiêu trò truyền thông hay bất kì câu chuyện “li kì” nào hậu thuẫn phía sau. Điều anh có là tình yêu không-bao-giờ-dừng với âm nhạc và tham vọng của một nghệ sĩ mê Jazz muốn chinh phục khán giả trẻ.

Hồ Trung Dũng: Tham vọng đưa Jazz đến đại chúng, mong “bắt tay” nghệ sĩ nước ngoài ảnh 1

Và album nhạc Jazz mang tên Saigon Feel, được anh kết hợp cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, ra đời như một “cú rơi” đầy mạo hiểm của nam ca sĩ. Thị trường Việt Nam, trái tim còn rào cản của công chúng với nhạc Jazz quốc tế chính là những thách thức “cực lớn”. Với kinh nghiệm của mình, anh hẳn biết rất rõ điều này. Trong khi đó, với nội lực của mình thì anh đã có thể chọn Ballad để “đốn tim” công chúng trẻ. Chia sẻ về câu chuyện này, Hồ Trung Dũng đã có những tỏ bày thẳng thắn:

Cơ duyên nào “đẩy” Hồ Trung Dũng “lạc” vào thế giới nhạc Jazz?

Đó là khi Dũng 19 tuổi và Dũng đang là du học sinh tại Đức. Lúc đó, Dũng cũng không biết Jazz là gì cả và cũng mang định kiến như mọi người là Jazz “cao siêu”, khó nghe. Vậy mà trời xui đất khiến Dũng gặp 1 nhóm bạn người Đức trong khi Dũng đang “thèm” chơi nhạc quá. Không ngờ đó là một band nhạc Jazz. Nhờ vậy mà mình “nhảy ùm vào thế giới” nhạc Jazz, cảm được và nhận ra Jazz không khó nghe như mình nghĩ.

Với Hồ Trung Dũng, Jazz có “tính cách” như thế nào?

Với Dũng, Jazz là một “con người” cá tính, chân thành, nhẹ nhàng. “Con người” đó lại không phô trương, cuộc đời đầy đau khổ nhưng “đọng” lại cuối cùng vẫn là sự lạc quan.

Lúc mới hát nhạc Jazz, chắc Hồ Trung Dũng cũng đã mong đến những điều xa hơn

Khi mới đi hát thì Dũng mong muốn sẽ có một show nhạc Jazz quốc tế dành cho người Việt Nam nhưng mình biết thời gian ấy thị trường chưa sẵn sàng. Vì thế, Dũng đã chọn tiếp cận khán giả bằng Pop. Dũng tin người Việt dễ chịu với Pop. Sau đó, Dũng mới đưa “liều lượng” nhẹ của Jazz vào như phối các bản nhạc theo Blue Jazz nè.

Còn đến giờ phút này ra Saigon Feel thì Dũng cảm thấy là bản thân mình cũng đủ trưởng thành, đủ tự tin. Và trong quá trình mình đi hát, Dũng thấy khán giả đến với mình cũng vì Jazz và thích các bài hát đó.

Hồ Trung Dũng: Tham vọng đưa Jazz đến đại chúng, mong “bắt tay” nghệ sĩ nước ngoài ảnh 2

Người ta hay nói về sự dung hoà trong thời kì đầu để “lấy lòng” khán giả

Trong quá trình Dũng tham gia Bước Nhảy Hoàn Vũ 2 mùa đầu, Dũng hát một số bài Jazz quốc tế và khán giả cũng đã đến với Dũng từ đó. Tất nhiên, “lấy lòng” khán giả ở đoạn đầu có một bài toán đặt ra cho Dũng là làm sao cân bằng giữa Jazz và Pop để ra một bản nhạc Jazz vừa có tính bản địa, vừa dễ nghe cho người Việt. Mơ ước lớn nhất của Dũng là làm sao để những người nghe Pop cũng nghe Jazz và nhận ra dòng nhạc ấy không khó nghe.

Vì sao Hồ Trung Dũng lại chọn Võ Thiện Thanh mà không phải là producer khác. Chẳng hạn như các producer trẻ sẽ giúp anh “cận vị” với khán giả trẻ hơn?

Thật ra đó là một cái duyên. Dũng tình cờ ngồi với anh Võ Thiện Thanh. Lúc đó, anh Thanh đang kiếm ca sĩ hát Jazz vì ở Việt Nam cũng không có nhiều người hát Jazz. Nếu có thì họ chuộng World Music hơn. Lúc đó, Dũng cũng đang tìm producer thoả 3 điều kiện: hiểu Jazz, có tư duy đương đại về Jazz và mê Jazz. Bởi Jazz là dòng nhạc không dễ làm, Dũng còn muốn Jazz của mình phải có sự mới mẻ, hợp thời để ai cũng có thể cảm nhận được.

Hơn nữa, Jazz là con đường khó đi, luôn có những bài toán nan giải dồn dập. Một người phải thực sự mê, thích sự học hỏi để hai anh em có thể trao đổi nhiều với nhau, học tập lẫn nhau thì mình mới hy vọng đem đến một Jazz đúng với ý mình.

Vì sao không phải là album nhạc nước ngoài mà là một album nhạc Việt?

Lúc xưa, Dũng đi hát người ta mặc định Hồ Trung Dũng chỉ hát nhạc quốc tế. Dũng cũng có hát nhưng đó là khi Dũng đi event, hát phòng trà thì thêm vào để đổi không khí. Thực tế, Dũng hát tiếng Việt là chính. Album lần này Dũng không chọn một bài nước ngoài nào hết là vì Dũng thực sự muốn minh chứng rằng Dũng là nghệ sĩ Việt Nam, hát tiếng Việt.

Hiện tại, có một số hãng đĩa nước ngoài như Universal Music Group (UMG) đã có những “phát súng” đầu tiên ở Việt Nam và đang tìm kiếm những nghệ sĩ Việt Nam để hợp tác. Hồ Trung Dũng nghĩ sao về việc sẽ hợp tác với các hãng đĩa này để đem Jazz đến nhiều nơi hơn cho người Việt?

Rất muốn có cơ hội được hợp tác. Điều này sẽ là cánh cửa với mình đó. Hồ Trung Dũng hy vọng có thể được hợp tác và hát cùng những nghệ sĩ Jazz ở khắp mọi nơi. Thật ra, Dũng rất sẵn sàng để làm việc cùng với hãng đĩa lớn. Dũng không phải nghĩ đến chuyện bán được bao nhiêu, vươn ra bao xa mà là Dũng cần sự chuyên nghiệp và tính bản quyền. Tất nhiên, bản quyền không phải vì kinh tế mà là sự tôn trọng dành cho chất xám của nghệ sĩ.

Hồ Trung Dũng: Tham vọng đưa Jazz đến đại chúng, mong “bắt tay” nghệ sĩ nước ngoài ảnh 3

Mối quan tâm của Hồ Trung Dũng về bản quyền như thế nào?

Thứ nhất, Dũng chọn những đơn vị hợp tác xem trọng và rõ ràng với bản quyền của mình. Điều đó cũng là bảo vệ khán giả của Dũng nữa. Vì họ cũng cần được tôn trọng với đồng tiền mà họ bỏ ra. Tuy nhiên, Dũng đang làm từng bước chứ không phải “ào ào” bỏ hết thói quen của mọi người.

Thứ hai, Dũng nghĩ vấn đề nữa là nằm ở thị trường. Dũng không đặt nặng chuyện phải thu bao nhiêu tiền cho một sản phẩm mà là mình đang ở trong một thị trường âm nhạc không có thói quen trả tiền cho bất kì điều gì. Người ta không phải hỏi làm một cái đĩa, một cái show là lời bao nhiêu mà là bao nhiêu để hoà vốn. Điều đó có nghĩa nghệ sĩ muốn nuôi nghề phải làm nhiều việc hơn. Có nghịch lý là người ta không chịu trả tiền nhưng người ta đòi về chất lượng thì đó là sự không công bằng.

Nhiều người hỏi Dũng hoà vốn hay không là chúng ta đang nói về kinh tế chứ không phải nói về chất xám. Có những nơi Dũng biết khán giả biết rằng giá trị tinh thần không thể đo bằng giá trị vật chất. Họ biết đĩa đó có thể chỉ tốn 20 ngàn đồng nhưng họ vẫn bằng lòng 100 ngàn đồng để mua nó.

Vậy thị trường nào mà Hồ Trung Dũng chú ý và nghiên cứu đến?

Dũng thích thị trường ở Nhật Bản hoặc Hồng Kông. Nhiều người không nhắc đến Hồng Kông nhiều nhưng Jazz ở đây rất phát triển. Dũng có vài fan là người Hồng Kông là từ Jazz đó (cười).

Hồ Trung Dũng: Tham vọng đưa Jazz đến đại chúng, mong “bắt tay” nghệ sĩ nước ngoài ảnh 4

Album Saigon Feel bao gồm 9 ca khúc hình thành một câu chuyện về hành trình dong ruổi nhìn ngắm Sài Gòn từ nhiều góc độ khác nhau, bắt đầu từ những bài Hit một thời như Tình 2000, Xích Lô hay Quán Cóc rồi đến cao trào của album - ca khúc Sài Gòn Có Mùa Thu. Với sự làm mới nhưng vẫn đảm bảo tính gần gũi, Hồ Trung DũngVõ Thiện Thanh hy vọng Saigon Feel không chỉ là chiếc đĩa CD bạn bật lên và nghe, đây còn là chiếc chìa khoá giúp bạn mở ra cánh cửa để bước vào thế giới nhạc Jazz.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm