Số báo đầu tiên của Hoa Học Trò khi đó mới phát hành được vài tháng, tại sao chú đã quyết định ngay rằng ban biên tập cần phải thực hiện chuyến đi xuyên Việt ròng rã 3 tháng thưa chú?
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh: Chú từng có thời gian công tác tại TP.HCM trong 5 năm (1980 - 1985) nên hiểu rõ miền Nam chính là mảnh đất màu mỡ của báo chí. Ngoài Hoa Học Trò, những tờ báo dành cho tuổi mới lớn khi ấy như Mực Tím, Áo Trắng, Tuổi Hồng đều xuất phát từ miền Nam. Hoa Học Trò muốn trở thành tờ báo của học trò Việt Nam, phủ sóng cả nước thì cần phải Nam Tiến chiêu mộ nhân tài là người miền Nam để viết về người miền Nam bằng giọng điệu miền Nam, chụp ảnh về miền Nam và ngay cả tổ chức phát hành cũng phải theo cách thức phù hợp với độc giả miền Nam.
Đầu năm 1992, khi công việc tòa soạn đã tạm ổn, chú dẫn đầu một đoàn công tác 7 anh em đi xuyên Việt để “quảng bá” cho tờ báo, thu thập báo tường các trường mang về chọn lọc để đăng báo, đồng thời phát hiện và “lôi kéo” các cây bút năng khiếu khắp mọi miền.
Ở mỗi tỉnh thành ghé qua, làm sao để BBT phát hiện ra được những cây bút tiềm năng cho báo ạ?
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh: Có rất nhiều cách để tiếp cận. Lúc thì “xông” vào trường tiếp xúc với học sinh, gặp mặt bí thư, lớp trưởng. Khi lại liên hệ để nhờ trường bố trí cho gặp một lớp chuyên văn, hoặc kết nối các trường với nhau để tổ chức tọa đàm với các em yêu viết lách. Còn một cách khác đó là tìm thẳng đến nhà của những cộng tác viên tiềm năng, vốn đã có nhiều bài viết hay đăng trên các báo.
Có phải vì thế mà Hoa Học Trò chiêu mộ được cả những cây viết tiềm năng của “đối thủ”, ví dụ như Dương Thụy trước khi về báo Hoa đã khá có tiếng trên tờ Mực Tím rồi?
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh: Khi ấy, tờ Mực Tím có Nhóm bút Vòm Me Xanh rất hùng hậu. Nhưng ngay “trong lòng đối thủ”, BBT Hoa Học Trò đã lôi kéo được các cây bút sáng giá như Dương Thụy và Châu Giang. Bên cạnh việc tìm người, Hoa Học Trò còn có những bước đi mạnh mẽ để chiếm lĩnh thị trường Sài Gòn nên lúc đó khiến chú có chút “rắc rối” với cô bạn thân là TBT tờ Mực Tím. Biết bạn vốn rất thích cà chua, su hào, xà lách Hà Nội, để “hòa giải”, lần nào vào Nam chú cũng gửi cho bạn mấy món quà Hà Nội này (cười).
Với những cây bút không thuộc đội “đối thủ”, chú có gặp khó khăn gì khi chiêu dụ họ đầu quân cho Hoa Học Trò không ạ?
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh: Có một kỷ niệm vui khi đoàn xuyên Việt đến Nha Trang. Chú muốn tìm bạn CTV có bút danh là Lê Đức Dương, vốn có khá nhiều bài viết hay trên báo Hoa, nhưng lại không có địa chỉ cụ thể. Sau nghĩ ra cách tới thẳng bưu điện, hỏi nhân viên ở đó xem nhuận bút chuyển cho người nhận tên Dương thì địa chỉ bạn ấy ở đâu. Thế là tìm ra Lê Đức Dương và “câu” luôn về báo.
Lần khác khi đến Huế, BBT chiêu mộ ngay Hoàng Dạ Thi (con gái nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ). Khi tới nhà, Dạ Thi đi vắng, chính anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “nộp đơn” ứng tuyển vào báo cho Dạ Thi, đồng thời có lời gửi gắm con gái cho BBT.
Trở về sau chuyến tuyển quân xuyên Việt và thu được rất nhiều cây bút tiềm năng như thế, Hoa Học Trò đã có bước phát triển ra sao, thưa chú?
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh: Không chỉ có một đội ngũ rất đẹp và chất lượng để làm báo Hoa, chuyến xuyên Việt còn chở về tòa soạn ở Hà Nội hàng trăm tờ báo tường đủ loại, đủ mọi hình thức. Đó là nguồn bài vở và tác giả vô cùng phong phú để sau đó BBT phát hiện và làm bệ phóng cho rất nhiều cây viết trẻ tài năng. Chỉ sau 2 năm, khát vọng Nam tiến đã được Hoa Học Trò thực hiện rất thành công, trong khi nhiều tờ báo miền Bắc khác chấp nhận bỏ cuộc. Cho đến nay, sau 30 năm, Hoa Học Trò vẫn là một trong những người bạn thời thanh xuân tin yêu và tin cậy của nhiều thế hệ trẻ khắp mọi miền Tổ quốc.