Khi học năm cuối đại học, tôi có một công việc làm thêm mà nhiều người sẽ thấy rất lạ. Trong khi các bạn khác làm thêm việc phục vụ tiệm ăn, giao hàng, bán đồ điện máy…, thì tôi lại chặn các con đường.
Thôi được, tôi sẽ nói thật, thực tế thì tôi không chặn các con đường. Tôi chỉ trả lời mọi người rằng công ty nào đang chặn (những) con đường nào để sửa chữa hoặc mở đường. Đúng vậy, bởi tôi trực tổng đài đường dây nóng về giao thông mà. Công việc không có gì vất vả dù kéo dài 4 tiếng/ca. Tuy nhiên, khi bạn phải nói với một người rằng con đường mà họ vẫn thường xuyên đi qua nay lại bị chặn, thì những phản ứng của họ là vô cùng đa dạng.
![]() |
Giống như hôm qua. Một dự án cải tạo lớn trên một con đường của bang khiến hai trong số ba lối rẽ vào đường đó phải bị chặn. Đó là điều không ai muốn, nhất là việc này sẽ kéo dài vài tháng. Nhưng đó là việc phải làm, mặc dù tôi sẽ không đi vào chi tiết, bởi vì, nói thật thì bản thân tôi cũng không hiểu lắm! Tôi chỉ là người trả lời tổng đài giao thông mà thôi. Tôi cho rằng, những người làm về giao thông cũng không còn lựa chọn nào khác.
Nhưng người phụ nữ gọi điện vào lúc sáng sớm thì không nghĩ như vậy.
- Tất nhiên là các người có lựa chọn – Bà ấy nói – Lúc nào mà chẳng có lựa chọn. Nhưng các người chỉ chọn cách dễ nhất, và các người không quan tâm đến việc mình đang gây phiền toái thế nào cho bao nhiêu người khác.
Tôi cố giải thích rằng, việc tạm chặn những con đường nhỏ sẽ cho phép công nhân làm việc nhanh hơn, để sau đó có một con đường lớn hơn, rộng hơn, hiệu quả hơn về giao thông cho chính bà ấy và “bao nhiêu người khác”, hy vọng là vào khoảng tháng Tư.
- Tôi không quan tâm đến tháng Tư! – Bà ấy nói – Tôi chỉ quan tâm đến bây giờ! Và bây giờ, các người đang khiến tôi rất vất vả!
Tôi đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại và được đào tạo để không coi những lời bình luận như thế là xúc phạm cá nhân. Và thực ra, bà ấy cũng không nói rằng tôi đang khiến cho bà ấy khốn khổ. Nhưng khi tôi đặt máy, những lời của bà ấy cứ vang lên trong đầu tôi: "Tôi không quan tâm đến tháng Tư! Tôi chỉ quan tâm đến bây giờ!".
![]() |
Trong đầu tôi, tôi nhớ lại hồi mình còn nhỏ, có một bài học rất thực tế được dạy trong lớp, thông qua một thí nghiệm. Đó là khi cô giáo bảo chúng tôi có lựa chọn: một nắm kẹo M&M ngay lúc đó, hoặc một túi kẹo M&M lớn, nếu chúng tôi chịu đợi một tuần.
- Bọn con có thể được cả hai không ạ? – Một đứa trong lớp hỏi.
- Không! – Cô giáo đáp – Các con phải lựa chọn. Một ít ngay bây giờ, hoặc rất NHIỀU nếu đợi một tuần.
Tất cả chúng tôi cân nhắc rất kỹ. Đứa nào cũng muốn túi kẹo to, nhưng bọn tôi cũng muốn những nắm kẹo được để ngay ở đĩa trên bàn cô giáo nữa – nhìn như thế thì ai mà không thèm cơ chứ! Cuối cùng, tất cả chúng tôi đều chọn nhận một nắm kẹo M&M ngay hôm đó (có lẽ cô giáo đã tiết kiệm được rất nhiều tiền vì chẳng đứa nào nhận được túi kẹo to).
![]() |
Tất nhiên, sau này tôi biết rằng, những đứa trẻ 9 tuổi thì hầu như đứa nào cũng thế cả. Đứa nào cũng thích có được sự hài lòng ngay lập tức. Nhưng khi lớn lên, tôi càng ngày càng học được về giá trị của sự trì hoãn những gì chúng ta muốn ngay trước mắt, để rồi nhận được những gì sẽ có lợi ích nhất, mang lại nhiều niềm vui và sự hài lòng dài hạn hơn. Ít nhất, tôi NGHĨ rằng càng lớn, chúng ta sẽ càng nhận ra điều đó.
Cho dù bạn có phải trả lời đường dây nóng hay không.