Rác hữu cơ - phải trả lại cho đất!
Rác hữu cơ chính là thực phẩm chúng mình dùng hằng ngày, bất kể là động hay thực vật: Xơ rau, rau củ héo, đồ ăn thừa, xương thịt/ cá.... Hồi tớ ở Hội An - một thành phố đi đầu Việt Nam về chương trình sống xanh và bảo tồn thiên nhiên - tất cả rác hữu cơ đều được thu gom theo ngày trong tuần để mang về nấu cám heo.
Còn tại Đà Lạt, tớ sống trong nhà vườn của các anh chị nông dân “xịn”, có kiến thức nghề nông cùng kinh nghiệm trồng trọt. Nhà của một chị tớ ở cùng là farmstay - nhà cho khách du lịch thuê theo ngày xung quanh là ruộng vườn - và ở quanh khu vực bàn ăn là rãnh đất rộng tầm một bước chân đủ để trồng cây nhỏ nhỏ. Ở đó có trồng một cây đậu, hoa đậu phơi khô, sao lên làm trà rất thơm và mát. Hằng ngày ngồi ăn cơm, những xơ rau, đồ ăn bỏ tụi tớ cứ vứt xuống rãnh đất đấy, hoặc giơ tay ném thẳng ra vườn trước mặt. Ngồi lựa đậu, tách vỏ hạt, lọc cà phê… cái gì là “rác” thì cứ ném thẳng ra vườn, hệ sinh vật có sẵn trong đất và thời tiết nắng mưa sẽ giúp “xử lí” rác hữu cơ thành chất dinh dưỡng ăn được, nuôi sống cây cỏ và các loài động vật.
Ở thành phố, nếu nhà nào may mắn có trồng cây hay một khoảnh vườn, có thể thử “ủ phân hữu cơ” với một cái thùng, cách làm trên Internet khá nhiều tùy vào điều kiện mỗi nhà. Như nhà tớ ở chung cư, nhưng trước mặt là đất hoang cỏ mọc um tùm và có thể trồng trọt (các bác lớn tuổi vẫn ra trồng rau an toàn cho nhà ăn và bán lại ít ít cho mọi người í), thì việc cào ít đất ra bỏ rác hữu cơ xuống rồi lấp lại là cách đơn giản nhất để “ủ phân” vì dưới tác động của tự nhiên thì chúng sẽ phân huỷ rất nhanh, và trong quá trình đó còn có các động vật khác hưởng lợi bởi nguồn thức ăn đó nữa.
Rác hữu cơ thực vật - sạch nhà, đẹp da!
Hẳn teen từng nghe đến các loại nước tẩy rửa thiên nhiên như: nước rửa chén, nước lau sàn… từ rác hữu cơ - hay còn gọi là rau củ quả thừa mà bạn thậm chí có thể tự làm ở nhà?
Các loại hoá chất công nghiệp “sạch bong kin kít” ngoài việc khiến nguồn đất và nước bị ô nhiễm bởi hóa chất nhân tạo thì tác hại đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp chính là huỷ hoại làn da và cơ thể chúng mình về lâu về dài, kể cả từ sản phẩm mĩ phẩm như dầu gội, sữa tắm… cho đến sản phẩm vệ sinh nhà cửa - hãy nhìn đôi tay của những người làm nghề tạp vụ, bếp, hay các mẹ các dì thường xuyên rửa chén, lau nhà, chà rửa các nơi… sẽ thấy vết tích rõ ràng từ việc bong tróc, nứt nẻ… hay mẫn cảm, dễ mẩn ngứa. Và rõ ràng nhất là những người có cơ địa nhạy cảm.
Nhưng nước tẩy rửa hữu cơ thì khác! Vì thành phần toàn là đồ ăn nên chắc chắn nguy cơ gây dị ứng/ kích ứng sẽ hạn chế đi nhiều, rất thân thiện với môi trường khi trôi ra đất và theo nguồn nước, lại hoàn toàn có thể được làm ra bằng cách tận dụng rau củ thừa. Hồi ở Đà Lạt, các vườn tớ đi, nhất là những khu vườn trồng đồ sạch - thì luôn có loại nước tẩy rửa tự làm này, vì ngoài việc tận dụng thực vật trong sinh hoạt thì nước tẩy rửa hữu cơ không gây ô nhiễm đất và nước mới đảm bảo rau củ trong vườn thực sự an toàn!
Điểm hạn chế của sản phẩm này, nhất là khi tự làm ở nhà, đó là khả năng tẩy rửa sẽ không cao lắm, nên ví dụ như chén bát quá nhiều dầu mỡ, hay các vết bẩn cứng đầu… sẽ không sạch được hoàn toàn.
Nhưng, đó cũng là một “ưu điểm” để nhìn lại chế độ ăn uống sinh hoạt của mình, vì đồ ăn nhiều dầu mỡ, gia vị nặng đô… khó tẩy rửa cũng không tốt cho cơ thể. Vì vậy, nếu chế độ sinh hoạt và ăn uống khiến mình phải tẩy rửa cực khổ (dùng nước nóng, dùng các dụng cụ chuyên tẩy rửa hỗ trợ hay pha thêm chất tẩy rửa mạnh hơn…) thì suy ra chính cơ thể mình cũng đang phải “tẩy rửa” ở bên trong. Vậy nên tụi tớ hàng ngày thường ăn uống rất lành mạnh với rau củ và các nguyên liệu khác hấp/ luộc/ nấu súp, trộn salad, ăn sống, xào ít dầu mỡ, trộn gỏi… Bữa cơm nấu có thể rất đơn giản nhanh gọn trong 15 - 30 phút, cũng có thể bày vẽ cầu kì đến vài tiếng đồng hồ, nhưng phần rửa bát thì cực kì nhẹ nhàng vì bát sạch. Nhà cửa cũng thế, nếu lối sinh hoạt không mang quá nhiều hoá chất nặng vào nhà (ví dụ như nước hoa nhân tạo, son/ phấn/ sơn móng tay hay mĩ phẩm có màu và mùi nặng từ các hoá chất nhân tạo…) - đại loại là các thứ có độ bám dính cao và độc hại - thì việc làm sạch cũng không cần dùng các chất tẩy rửa “nặng đô” thường xuyên.
Lần sau trước khi bỏ đồ ăn đi, bạn sẽ nghĩ cách tận dụng chúng chứ?