Anh Sky ơi,
Bố mẹ em kì vọng rất lớn vào em anh ạ, lúc nào cũng bắt em phải học thật giỏi, điểm thật cao, nếu bài làm được 9 điểm mang về thì bố không bao giờ khen, chỉ hỏi “Thế có bao nhiêu bạn điểm 10?”. Nếu nhà hàng xóm có bạn nào học giỏi hơn, hoặc ti vi có chương trình phát về những người học giỏi, đạt giải quốc gia quốc tế thì thế nào cũng sẽ có bài ca so sánh “con nhà người ta” thế này mà “con nhà mình” sao lại thế kia. Em rất căng thẳng và tự ti anh ạ. Tại sao có cố gắng đến mấy cũng chẳng thể hài lòng bố mẹ được? Hic!
Tegiacmap@...
Chào bạn Tê Giác :D,
Chà, trong một tuần mà anh đã nhận đến bốn lá thư có nội dung tương tự như thế này đấy, nên trước tiên, em hãy yên tâm là mình không đơn độc trong cuộc chiến mang tên Bị So Sánh của các bố các mẹ nhé!
Tuần trước, anh có xem phim Tomorrow Cantabile, kể về một cô bé sinh viên ngành contrabass nhà rất nghèo, tuy nhiên, sau bao nỗ lực thì cũng đến ngày dàn nhạc của bạn được trình diễn. Trước khi bắt đầu, cô bạn này đã gọi điện mời bố đến dự và nhận được lời từ chối vì “nhà nghèo mà còn đua đòi học cái môn xa xỉ này làm gì”. Nhưng rốt cuộc thì dưới hàng ghế khán giả hôm đó, người ta vẫn thấy có một ông bố lam lũ, mắt rưng rưng theo dõi phần trình diễn của con gái. Kết thúc buổi diễn, thay vì khen ngợi con, ông bố lại tiếp tục than phiền: “Học đến bao giờ mới xong, rồi có giỏi giang gì như người ta không?".
Thực tế là, người châu Á nói chung và Việt Nam mình nói riêng thường không có thói quen bày tỏ cảm xúc, và dần dần thì việc thể hiện cảm xúc trở nên rất khó khăn, có khi chẳng đi đúng với ý của mình tí nào. Ví dụ, bố mẹ rất quan tâm đến việc học của em, rất muốn động viên em, nhưng rốt cuộc lời nói ra lại hơi khắc nghiệt. Anh cũng như em thôi, cũng từng rất buồn vì những lời nói đó, nhưng dần dần anh đã tìm ra cách tự bảo vệ trái tim mình khỏi những sự sát thương vô ý của bố mẹ. Ví dụ, anh rất ghiền mùi dầu gió Cây Búa, lúc nào bố mẹ chuẩn bị la là anh chuẩn bị chai dầu gió trong tay, hít hà lâng lâng, mặc kệ những lời chì chiết trôi qua tai! Cô bạn anh thì cứ ba mẹ chuẩn bị "lên lớp" là ôm con cún Kiki vào lòng và khoan khoái vuốt ve lớp lông mềm mượt của nó, nghe mẹ mắng cũng đỡ thấy suy sụp. Em hãy quan sát và tìm ra một sở thích riêng không tổn hại đến ai để thỉnh thoảng ẩn náu mình. Càm ràm là quyền của ba mẹ, và tự bảo vệ là quyền của chúng ta mà!
Điều quan trọng nhất là em cần biết mình giỏi cái gì và muốn gì. Anh có người bạn, học không giỏi và bị bố mẹ mắng suốt thôi, nhưng bạn ấy lại rất đam mê nghề bếp. Bạn cố gắng học xong phổ thông, rồi cứ thế âm thầm học bếp, nấu ăn và giờ thì đã mở hẳn một nhà hàng rồi. Bây giờ thì bố mẹ bạn ấy đã rất tự hào về con.
Qua 12 năm học rồi thì người ta sẽ chẳng còn đánh giá mình dựa trên điểm số, trên những môn học ở trường nữa, mà là những thành công được theo đuổi bằng đam mê, bằng quyết tâm của bản thân mình. Có ngạn ngữ rằng: “Tình yêu bắt đầu từ chính gia đình, và nó không phải là chúng ta đã làm nhiều thế nào, mà là chúng ta đã đặt vào hành động đó bao nhiêu yêu thương” (Love begins at home, and it is not how much we do but how much love we put in that action).