Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"!

Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"!
HHT - Mỗi dịp Tết đến bạn lại phát chán với câu hỏi "định học ngành gì, làm nghề nào" vì bạn nhận ra mình có một danh sách với hơn 20 câu trả lời cho nó.

Hãy giơ tay nếu bạn có những đặc điểm sau: Thỉnh thoảng lại thích điên cuồng một "món" gì đó mới, say mê lao vào, "lên đỉnh" nhanh chóng nhưng rồi lại chán rất nhanh; Luôn có nhu cầu theo đuổi một lĩnh vực mới mẻ nào đó; Thích tự "vọc", tự nghiên cứu, chẳng ai ép được bạn học gì nếu bạn không thích nhưng đã thích thì đừng hòng có ai "cản đường" được bạn. Xin chào, mời bạn nhập hội "siêu nhân kỷ nguyên mới": Những kẻ đa năng lực.

Nên hiểu thế nào về multipotentialite?

Trong bài TED Talk “Why some of us don’t have one true calling” (Tại sao có một số người trong chúng ta không thể theo đuổi một sự nghiệp cố định), diễn thuyết gia Emilie Wapnick đã miêu tả khá kỹ về những “multipotentialite”. “Multi” - nhiều; “Potential” - tài năng; “Lite” - chuyên gia. Trong tâm lý học, multipotentialite chỉ những con người tò mò, đam mê và giỏi ở nhiều lĩnh vực, nhiều khi là trái ngược nhau hoàn toàn, ví dụ như Công nghệ thông tin và Nhảy múa, hay Hóa học và Nhiếp ảnh.

Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"! ảnh 1

Theo cô Emilie Wapnick, thế giới rất cần những người đa tài, vì họ có 3 siêu năng lực sau: Ý tưởng dồi dào, học rất nhanh và khả năng thích nghi cao.

Những con người đa tài thường có một vài đặc điểm chung như việc họ hay cảm thấy chán nản sau một thời gian tò mò và dấn thân vào một vài thứ, sau đó thường dẫn tới việc từ bỏ để chuyển qua dấn thân cho một thứ khác.

Những đặc điểm ấy rất hay bị đánh đồng với việc là thiếu đam mê và không rõ ràng trong ước mơ, giống như cách xã hội đánh đồng người nội tâm là hay e thẹn. Nhưng trên thực tế, đó chẳng qua chỉ là tính cách của họ, và trong thời đại mới, đó lại là lợi thế tuyệt vời.

Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"! ảnh 2

Multipotentialite - Những người đa tài.

Sự bùng nổ của thời đại “đa tài”

Chưa bao giờ thế giới này chứng kiến sự bùng nổ về thành công của những con người “multipotentialite” như vậy. Anh Nguyễn Hải Ninh, tốt nghiệp khoa Hóa Đại học Bách Khoa để rồi trở thành CEO của thương hiệu đồ uống dành cho giới trẻ Urban Station và The Coffee House với tốc độ phát triển chóng mặt. Anh Đỗ Tuấn Anh, người sáng lập Appota, công ty được định giá hàng chục triệu đôla và lọt vào Top 10 công ty khởi nghiệp công nghệ đáng đầu tư nhất Đông Nam Á, từng tốt nghiệp khoa Sử. Anh Dương Hữu Quang, CEO của Topica Native, chương trình luyện nói tiếng Anh trực tuyến cho người đi làm, là thạc sĩ ngành Điện tử viễn thông tại Đại học Bách khoa năm 2006. Sau 5 năm, anh Quang đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau nhưng không vị trí nào liên quan đến chuyên ngành Điện tử viễn thông mà anh theo học, và rồi trở thành CEO.

Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"! ảnh 3

Rất nhiều người đã start up thành công nhưng không phải là chuyên gia trong lịnh vực đó!

Trong cuốn sách “How Google Works”, Chủ tịch điều hành Google Schmidt và Phó chủ tịch Rosenberg đã chỉ ra, để Google trở thành người khổng lồ trị giá hàng trăm tỉ đôla họ đã áp dụng lý thuyết trái ngành “Smart Creative” để tuyển dụng nhân sự cho công ty của họ.

"Điều cần quan tâm là bạn đang sống trong một thế giới năng động, với điều kiện và môi trường thay đổi nhanh tới mức chóng mặt. Những thứ như kinh nghiệm hay cách thức chúng ta làm việc sẽ không quan trọng bằng khả năng tư duy. Và đó là lý do chúng tôi thích những người đa tài” - ngài Rosenberg chia sẻ.

Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"! ảnh 4

Google thành công vì đánh giá cao tư duy hơn là kiến thức và kinh nghiệm.

Ngay cả hệ thống giáo dục của các nước đang phát triển cũng đang được thay đổi để tạo ra một thế hệ đa năng lực. “Ở trường đại học, 40% thời khoá biểu của tớ là dành cho học chuyên ngành toán học, tớ còn phải học thêm hai chương trình tên là Common Curriculum and Interdisciplinary gồm những môn nghe rất lạ như: Lịch sử thế giới qua góc nhìn công nghệ, Nhân chủng học, Nền tảng của khoa học…Mục đích là giúp cho sinh viên tiếp cận vấn đề ở những góc nhìn đa dạng.” - Tuấn Anh, du học sinh trường Williams - trường "liberal art" đứng đầu tại Mỹ chia sẻ.

Hệ thống trường "liberal art" - giáo dục khai phóng - chiếm hơn 50% các trường đại học tại Mỹ và đang có xu hướng gia tăng theo nhu cầu xã hội. Thậm chí Đại học Yale và Đại học quốc gia Singapore (NUS) - hai trường đại học chuyên ngành nổi tiếng nhất nhì thế giới - cũng đã hợp tác với nhau để tạo ra một ngôi trường "liberal art" - Yale NUS tại Singapore - một quốc gia vốn chỉ chuộng những chuyên gia - đã chứng tỏ một sự chuyển dịch đáng kinh ngạc về xu hướng đa tài trong thời đại mới.

Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"! ảnh 5

Trường học dành cho người đa tài

Thế giới rất cần những multipotentialite!

Ưu điểm đầu tiên của những người đa tài chính là họ có khả năng kết hợp hiểu biết trong các lĩnh vực khác nhau để đưa ra một ý tưởng đột phá.

Von Wong đã áp dụng kiến thức các ngành kỹ sư, hội hoạ, và nhiếp ảnh để thực hiện loạt ảnh nàng tiên cá làm từ nhựa viral mạnh mẽ với thông điệp: Tới năm 2050, sẽ có nhiều nhựa trên biển hơn là cá. Project này đã nhận được rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá.

Bạn Trần Lê Minh Trúc (20 tuổi, Đại học Luật TP.HCM) đã kết hợp chuyên ngành Luật kinh tế và niềm đam mê văn học của mình để sáng lập ra tổ chức Letter To Angel - sử dụng thư tay để trao gửi yêu thương cho xã hội. “Chúng ta không thể thay đổi thế giới bằng cách thức cũ” - Minh Trúc chia sẻ. Và đó là cách thức mà những người đa tài thay đổi thế giới.

Ưu điểm thứ hai là những người đa tài luôn học hỏi không ngừng vì họ luôn tò mò về rất nhiều thứ. Inside Out - bộ phim đoạt giải Oscar của Disney - hẳn đã không thành công rực rỡ đến thế nếu "cha đẻ" của nó - Peter Docter không am hiểu về tâm lý học. Sự tò mò và đam mê chính là yếu tố khiến những người đa tài dễ thành công trong xã hội.

Học gì cũng nhanh chán? Rất có thể bạn có "siêu năng lực"! ảnh 6

Bộ phim hoạt hình Inside Out nói về vấn đề tâm lý học.

Và cuối cùng, chính là khả năng thích nghi tuyệt vời của multipotentialite đã khiến họ giành được vị thế rất riêng của mình trong xã hội. Tạp chí Fast Company Magazine đã chỉ ra: Sự linh hoạt và thích nghi là kỹ năng quan trọng nhất trong thế kỷ 21, và còn ai có thể thích nghi tuyệt vời hơn chúng ta - những con người đa năng và đa tài.

Thế giới giống như một chiếc kính vạn hoa liên tục thay đổi không ngừng. Những vấn đề mà xã hội đang gặp phải đã từ rất lâu không còn thuộc vào bất kì một lĩnh vực nào mà là sự kết hợp của rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Với khả năng giao thoa kiến thức, học hỏi không ngừng, và khả năng thích nghi hơn cả tắc kè hoa, những người đa tài chính là điều mà thế giới đang trông đợi và tìm kiếm.

Bạn thích tài chính, nấu ăn và... nhảy ballet? Chẳng sao cả! Biết đâu sau này bạn sẽ trở thành một người đứng đầu của một công ty tổ chức các cuộc thi như “Vua đầu bếp” và “Thử thách cùng bước nhảy” thì sao? Đừng hoang mang khi thấy mình có cảm hứng với nhiều thứ, vì thế giới cần những con người như bạn. Hãy là chính mình, người “đa tài” nhé!

TANPOPO ĐOÀN PHƯƠNG LINH

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm