Chuyên gia Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (NLP) và Thông minh Xúc cảm (EQ) William Wong nói: "Một bạn trẻ mang tâm lý sợ hãi sẽ cố gắng học tập chỉ để gây ấn tượng với cha mẹ hoặc giáo viên; các em chỉ chăm chú vào nỗi sợ bị thất bại. Trong khi đó một bạn trẻ năng động sẽ học tập cho sự thành công của bản thân, và luôn tin rằng mình sẽ đạt được nhiều điều hơn nữa ".
Nhiều bạn nam thậm chí còn tưởng nhầm nổi nóng là sức mạnh, thật ra đó là sức yếu, khi bạn không đủ khả năng để kiểm soát chính mình. Các bạn nữ thì ngược lại, hay kìm nén, và tới khi không thể chịu đựng được nữ thì nổ tung, việc đó cũng nguy hiểm không kém.
Tổ chức Giáo dục Mỹ American Education Group (AEG) tại Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo dành cho phụ huynh với chuyên gia William Wong về tác động tiêu cực của sự giận dữ đến sự phát triển của con.
Ông William Wong - Chuyên gia Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (NLP) và Thông minh Xúc cảm (EQ).
Ông William Wong bật mí kỹ năng kiểm soát cơn nóng giận qua 7 bước, các bạn có thể thực hành ngay, và nhớ là chuyển cho ba mẹ đọc cùng và tập cùng nha!
1. Xác định yếu tố châm ngòi cơn giận của bạn? Đó là ai, là ba mẹ, hay thầy cô giáo, hay bạn bè. Hãy chọn 1 yếu tố dễ thay đổi nhất, hoặc cấp thiết nhất để thực hành trước.
2. Hít thở sâu: Khi bạn giận, tim đập nhanh, thiếu oxy, bạn sẽ phải hít thở nhanh. Nhưng chính vì thế hơi thở lại ngắn, làm tim tiếp tục thiếu oxy, bạn lại càng hít thở nhanh, tim càng đập nhanh... Vậy là cơn giận của bạn có thể leo thang trong một vòng tròn luẩn quẩn.
- Hãy hít vào bằng mũi, đếm nhẩm trong đầu ít nhất từ 1 tới 4 giây.
- Giữ hơi, ít nhất từ 4 giây. Nếu bạn giữ được 10 giây rất siêu đấy! Lúc đó nhớ để ý xem cách không khí đi qua mũi và tràn vào đầy trong phổi kỳ diệu như thế nào nha!
- Thở ra chậm chậm, từ từ như đang thở qua 1 cái ống hút, ít nhất trong 4 giây.
Hít thở chậm giúp tim phổi đủ oxy, đập chậm lại và tâm trí bạn xao nhãng với cơn tức giận.
3. Thay đổi góc nhìn: Thông thường nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa người này và người kia là do chúng ta tự giả định và chưa hiểu rõ động cơ và ý định của họ đối với chúng ta. Thực ra thì khi một ai đó làm mình nổi điên, hoặc tổn thương, thì chỉ 5% là do sự tác động của người khác, còn 95% là do những ký ức cũ của bạn tưởng tượng thêm ra. Và biết đâu, có thể họ có lý do nào đó mà mình không biết không?
4. Tách khỏi yếu tố châm ngòi. Đơn giản là đi ra ngoài, tạm thời rời khỏi nơi, khỏi người mà làm bạn tức điên lên.
5. Nếu bạn ko thể rời bỏ nơi làm bạn tức giận: Ví dụ đang trong lớp học chẳng hạn, hãy nhắm mắt và hình dung mình đang ở một nơi khác, như đi tắm biển, leo núi, đi ăn những món ngon lành với những đứa bạn cạ cứng của mình.
6. Chia sẻ cảm giác: Sau khi cả 2 đã bình tĩnh (có thể là ngày hôm sau, tuần sau, hoặc tháng khác nha, đừng vội!), hãy chia sẻ cảm giác của mình với ba mẹ, thầy cô, người mà đã làm bạn giận giữ ấy. Nhớ chia sẻ theo nguyên tắc xyz, ngắn gọn, không chỉ trích: X: “Khi bạn làm hành vi...” Y: “Tôi cảm thấy...” Z: “Lần sau đừng làm thế nữa nha!” VD: “Khi mẹ so sánh con với con nhà người ta, con thấy tuyệt vọng, thấy mình quá dốt nát và không còn ý chí để cố gắng nữa. Lần sau con sai gì mẹ cứ la nhưng đừng so sánh con với nó nữa”. Ví dụ vậy! Biết là lúc đầu rất khó, nhưng cứ tập đi, tôi cam kết sẽ tốt hơn so với bạn giận giữ đóng sập cửa phòng hoặc cãi lộn lại ba mẹ.
7. Mường tượng trước tình huống sẽ xảy ra trong tương lai! Tưởng tượng ra nếu mình chạm trán nhân vật đáng ghét đó thì mình sẽ xử trí thế nào. Hi vọng tới khi gặp thực sự bạn sẽ ổn hơn. Và nếu ngay lúc tưởng tượng bạn đã thấy mình xử lý bình tĩnh thì kỹ thuật của bạn đã ở mức thượng thừa rồi đấy! Bạn thực sự rất mạnh mẽ, và bạn chắc chắn bạn sẽ tiến xa!
THU HÀ