Học sinh được lợi gì khi xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa?

Học sinh được lợi gì khi xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa?
HHT - Nhiều chuyên gia cho rằng, xóa bỏ độc quyền biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện nay, dù chậm song vẫn phù hợp điều kiện phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, cần thiết kế SGK sao cho phù hợp, tránh lãng phí.
Học sinh được lợi gì khi xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa? ảnh 1
Hoạt động in, phát hành SGK phổ thông hiện nay bộc lộ bất cập, lãng phí. (Ảnh minh họa: Chí Cường)

Xóa bỏ độc quyền là cần thiết

Xóa bỏ độc quyền trong soạn thảo, in ấn, phát hành SGK đã trở thành đề tài “nóng” được thảo luận từ nhiều năm nay. Song, chỉ khi rơi vào tình trạng khan hiếm SGK ở một số nơi đầu năm học 2018 - 2019, vấn đề tổ chức in ấn, phát hành mới được dư luận hết sức quan tâm. Nhất là việc SGK những năm gần đây chỉ sử dụng được một năm là bỏ, bởi trong sách có tích hợp cả nội dung bài học lẫn bài tập học sinh khoanh đáp án, viết đáp án vào dẫn đến không sử dụng lại được.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT trước Chính phủ có nêu rõ: Từ năm học 2002 - 2003, Bộ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế - minh họa, đăng kí xuất bản, in và phát hành. Từ đó đến nay, việc in SGK do NXB GDVN tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực, giá thành hợp lí. Từ năm 2011 đến nay, giá SGK vẫn giữ nguyên.

Theo báo cáo của NXB GDVN, trong việc in ấn, phát hành SGK hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ một năm, phải dùng nguồn thu khác để bù đắp. Chiết khấu bán hàng (phí phát hành) dành cho các Công ty Sách - Thiết bị trường học, các đối tác phát hành từ 18-20% (tùy theo đối tác) khá thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách hiện nay (35%-40%). Chi phí in ấn và phát hành tự hạch toán, cân đối; không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh SGK. 

Học sinh được lợi gì khi xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa? ảnh 2
GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Q.Anh)

GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, xóa bỏ độc quyền in ấn, phát hành SGK phổ thông trong giai đoạn hiện nay là rất phù hợp, nhiều nước đã làm từ cách đây 40 - 50 năm rồi. Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn như trước đây, việc in ấn SGK độc quyền, trợ cấp là phù hợp, nhưng đến nay đã có nhiều người tham gia viết sách, nhiều đơn vị có năng lực tổ chức in ấn, phát hành SGK nên sẽ có tính phong phú, cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Trong khoảng vài năm trở lại đây, đã có hình thức đấu thầu để 5 nhà xuất bản khác tham gia in, phát hành SGK.

Cạnh tranh làm sách, giảm lãng phí

Chia sẻ về công tác tổ chức in SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, hiện nay Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK khác nhau nhằm tạo sự phóng phú, tránh độc quyền trong biên soạn, in ấn, phát hành SGK. Đến nay, Nghị quyết đang được triển khai và nếu có thay đổi sẽ mất thêm thời gian để bản thảo được thông qua mới ban hành.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, khi chúng ta xây dựng chương trình, SGK cũng đều tính đến theo xu thế của thế giới, nếu thế giới một chương trình, nhiều bộ SGK thì ta lại chỉ duy nhất một bộ SGK thì là quá khác biệt và cần hướng tới xu thế của thế giới. Thực tế, nhiều bộ SGK sẽ có nhiều nhóm tác giả cạnh tranh về chất lượng sẽ có lợi cho người học. Ở bên Mỹ, giáo viên cũng có thể tham gia viết SGK riêng và tự lựa chọn giảng dạy cho học sinh của mình. Cho nên, trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, sẽ linh hoạt hơn để giáo viên lựa chọn phương pháp dạy cho học sinh được sáng tạo hơn.

“Trên thực tế, các địa phương có thể tự lựa chọn cho SGK phù hợp. Nếu chọn SGK của Bộ GD&ĐT sau đó một năm lại chuyển sang chọn bộ sách khác hoặc ngược lại, như thế cũng là lãng phí. Còn việc viết vào sách, nếu đổ lỗi cho tác giả cũng chưa đúng lắm, vì nếu tích hợp như vậy, nhà xuất bản phải ghi kiến nghị giáo viên phổ biến cho học sinh không được viết vào SGK... Tuy nhiên, thời buổi bây giờ phát triển, đó là lựa chọn của phụ huynh, học sinh trong việc viết hay không viết vào sách, vì thực tế vở bài tập hiện nay cũng không đắt hơn vở ô ly” , GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

GS.VS Phạm Minh Hạc lại cho rằng, SGK cần thiết kế phù hợp hơn để tránh lãng phí, trong bối cảnh thu nhập của phụ huynh hiện nay không đồng đều. “Theo tôi, sử dụng SGK như hiện nay là rất lãng phí, dùng xong một năm là vứt đi, quá lãng phí. Nếu như nước ngoài thu nhập họ rất cao, việc mua cho con vài bộ sách dùng trên lớp, ở nhà, viết vẽ thoải mái. Nhưng nước ta, ngay cả ở thành phố lớn cũng có nhiều phụ huynh khó khăn, mặt bằng chung cả nước là thu nhập thấp. Do đó, SGK phải phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay”, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Theo giadinh.net.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm