Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì?

Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì?
HHT - Có một bài viết cho rằng áp lực từ xã hội và phụ huynh đang trở thành thế lực “bảo kê” cho học sinh và thầy cô đang mất đi cái “uy” của mình. Là “uy” hay chỉ là “na ná” cái uy?

Cá biệt không phải là hư đốn

Một trích đoạn trong bài viết như sau: “Chưa bao giờ những cái khó trong giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh lại bủa vây nhà giáo như bây giờ. Một người bạn của tôi thường ca thán mỗi khi gần như bất lực trước học sinh cá biệt: “Giáo viên đang ra mặt trận mà vũ khí bị tước mất tiêu!”. (…) “Vũ khí” mà nhà giáo cần là cái uy, sự nghiêm khắc của người thầy đang bị bào mòn từng chút một.”

Có lẽ thầy cô nào cũng “sợ” gặp phải học sinh “cá biệt”. Khi nói một ai đó “cá biệt”, tức chúng ta đang đánh giá người đó dựa trên quan điểm của mình. Nếu chúng ta đặt mình vào học sinh cá biệt, ta sẽ không thích bị làm trò cười cho cả lớp, không muốn bị bắt ép làm một điều trái ý muốn. Những học sinh cá biệt ấy lại chính là một thế giới thú vị cần khám phá, là những người mong manh hơn cả, luôn muốn một sự quan tâm đặc biệt, nhưng thay vì thể hiện mong muốn ấy một cách dịu dàng thì lại cố gắng gây sự chú ý bằng cách trở nên bất trị hơn.

Bài viết có đoạn: “Học sinh bây giờ không như các thế hệ trước, vốn ngoan ngoãn và thuần tính. Các cháu hiếu động, nghịch ngợm, lắm trò hơn gấp bội. Trong số đó có không ít trẻ lì lợm, khó bảo, thậm chí là cá biệt.”

Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì? ảnh 1

Trên thực tế, nạn bullying (bắt nạt) trong trường học là phổ biến ở Mỹ. Ở Nhật, nếu thầy cô dạy chán, học sinh sẽ tự tiện ngủ trong lớp, chạy ra khỏi lớp, nói chuyện riêng với bạn. Nếu học sinh Việt mà như thế này, chắc sẽ bị thầy cô Việt gọi là “siêu cá biệt” mất.

Học sinh nước ta ngày nay có thể không “ngoan” như ngày xưa, nhưng điều này dẫn đến học sinh ngày nay dám đứng lên phản biện, mạnh dạn đưa ra ý kiến của bản thân trước tập thể, khả năng team-work tốt hơn rất nhiều,... chính nhờ vậy mà tài năng lại được phát hiện nhiều hơn.

Nếu thật là quyền uy, không việc gì phải sợ

Trong bài viết có đoạn: “Ngày trước, trò không học bài vẫn nơm nớp lo sợ, trống ngực đập thình thình mỗi khi cô giáo giở sổ gọi tên. Giờ thì một số em vẫn nhởn nhơ đến lớp chẳng màng sách vở. Điệp khúc “Con không học bài” thản nhiên vang lên, chẳng chút e sợ. Vô lễ, đánh nhau, trốn học, trộm cắp, phá bàn ghế... vẫn diễn ra và lặp đi lặp lại.”

Theo tác giả, “vũ khí” mà nhà giáo cần là cái uy, nhưng theo ông Tanaka Yoshitaka (hội viên Hội Giáo dục học Nhật Bản, đang là cố vấn giáo dục cho nhiều nước châu Á) sau khi khảo sát tình hình giảng dạy ở Việt Nam, cho rằng lý do thầy cô Việt không “trị” được học sinh là vì không có quyền uy, mà chỉ đang nhầm lẫn khái niệm giữa “quyền uy” và “quyền lực”.

Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì? ảnh 2

Ông cho biết, cái uy không phải cứ làm thầy giáo là có, mà quyền uy là cái mà học sinh trao cho người thầy, nếu như trong đầu học sinh bật ra ý nghĩ “A! Đây quả là một giáo viên đáng kính và tuyệt vời!”. Tương phản với “quyền uy” là “quyền lực”, tức họ muốn ép người khác phải tuân lệnh mà không cần biết nhu cầu của học sinh là gì.

Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản cũng có ghi trong cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, ở Nhật cũng có đánh giá buổi học. Ở nước ta, thầy cô thường đánh giá vào “sổ tử thần” tiết này học sinh có đủ ngoan không, có mang sách vở đầy đủ không,… Ở các trường học ở Nhật, học sinh mới là người có quyền đánh giá buổi học, xem cách dạy của thầy cô có phù hợp hay chưa, và mình đã học được những gì, và thầy cô phải lưu tất cả những ghi chú đó trong sổ của mình.

Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì? ảnh 3

Ở Nhật, học sinh mới là người có quyền đánh giá buổi học.

Trong bài viết có nói, khác với bạo lực, thầy cô vẫn phải “một roi vào mông để răn dạy, một cái nhéo tai để nhắc nhở để uốn nắn học sinh trước lỗi lầm”, nhưng chính điều này làm cho học sinh ngày một “quậy” hơn. Mặt khác, làm đau người khác có chủ đích đã là bạo lực.

Thậm chí, anh Trần Hùng John, tác giả cuốn John đi tìm Hùng đã từng chia sẻ trên facebook rằng, ở Mỹ, việc bạn nhìn chằm chằm vào người khác cũng đã bị ăn đấm. Hay câu chuyện một bạn du học sinh Việt Nam sang Mỹ, cầm dao hù dọa cho vui kiểu “Tao giết mày bây giờ” mà suýt thì bị tống về nước. Một đất nước văn minh cần nói “không” với bạo lực dưới bất kì hình thức nào.

Mặt khác thầy cô hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức kỷ luật được cho phép trong nội quy. Sự “lạnh lùng” của luật lệ sẽ khiến học sinh biết rõ điều gì là được làm, điều gì là không được làm. Học sinh có thể “like” hoặc “dislike” một số thầy cô, nhưng chắc chắn sẽ (ít hoặc nhiều) sợ nội quy trường.

Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì? ảnh 4

Ở Hungary, theo bạn Gia Nguyên (sinh viên Đại học Debrecen), vào buổi học thí nghiệm tại trường, nếu bạn không chuẩn bị bài trước khi thực hành, bạn sẽ bị cho ra khỏi phòng thí nghiệm và đánh dấu là vắng buổi học đó - “nhẹ như không”, nhưng đánh ngay vào cái bạn không muốn, thế là bạn bị buộc phải nghe lời.

Hoặc thầy cô có thể là một người bạn nhưng vẫn có uy. Học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, nếu từng được học qua thầy Trần Ngọc Huy (từng là giáo viên Toán, nay là Hiệu phó của trường), đa số đều rất quý thầy. Khi tức giận tuyệt nhiên thầy không bao giờ nói lấy một từ. Trước khi nhận lớp, thầy ra một số quy định khi học với thầy và “hình phạt” nếu học sinh không chấp hành, để tạo “uy” trước.

Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì? ảnh 5

Nhưng ngược lại, trong quá trình dạy thầy rất gần gũi và quan tâm học trò. Thầy không bao giờ la mắng nếu teen chưa làm bài tập hay không biết làm bài. Cách giúp một bạn học yếu của thầy là, gọi bạn lên bảng thường xuyên, hướng dẫn cho làm, rồi gọi lên bảng đến khi nào biết làm thì thôi. Nếu tình hình báo động, thầy sẽ nói chuyện riêng với bạn ấy để tìm lý do bạn học lơ là, rồi tìm cách khuyên răn chứ không bao giờ mắng mỏ hay nhận xét tiêu cực về học sinh. Nhưng các tiết học của thầy (trừ các tiết thầy tổ chức trò chơi) thì đều im lặng để làm bài. Đây mới chính là quyền uy.

Học sinh thật sự đang trông chờ điều gì?

Một câu trả lời duy nhất: “Trông chờ được lắng nghe”.

Học sinh nào cũng thích những điều thực tế. Nếu học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì, từ đó có cách nào để làm học sinh nhận ra sự cần thiết của việc học và làm bài?

Học sinh không thích học, không muốn làm bài, vậy lý do là gì? ảnh 6

Học bằng cách chia nhóm và tranh luận đang là cách học được nhiều nước áp dụng.

Tại Nhật Bản, thầy cô là người soạn nội dung bài học (theo ông Nguyễn Quốc Vương). Vì vậy, mỗi giờ học là một cuộc tranh luận nảy lửa giữa các đội trong lớp, giúp học sinh hiểu sâu và nhớ lâu vấn đề, đồng thời còn luyện được kỹ năng tranh biện - kỹ năng quan trọng nhất khi đi học. Điều này quan trọng hơn việc có một trí nhớ siêu đẳng, hay răm rắp nghe theo lời ai đó. Và thầy cô có diễn đàn để chia sẻ cách học gây hứng thú cho học sinh, vì cái mà họ quan tâm nhất là gây hứng thú cho người học, chứ không phải cố ép người học nghĩ theo hướng chung nào đó. Trong giáo dục, trung tâm chính là học sinh, không phải môn học, càng không phải người dạy học.

Teen Việt cũng đang rất mong được lắng nghe. Học Văn có thể thoải mái đưa ra cảm nhận của bạn thân, tác phẩm này có điểm nào khiến em không thích, học Anh văn có thể thoải mái giao tiếp với nhau thay vì cặm cụi với bút viết. Học sinh "cá biệt" lại càng muốn người khác cảm thông với mình. Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta có thể tự cho mình quyền "chơi trội" để buộc người lớn phải "chịu thua", phải "bất lực". Chung quy của vấn đề vẫn là lắng nghe và thấu hiểu đến từ cả hai phía. Để đạt được điều đó, trước hết teen cũng phải thay đổi mình, học cách chia sẻ và đặt mình vào vị trí của người khác. Thế giới sẽ dịch chuyển từ những tác động nho nhỏ và bền bỉ thôi mà!

HY DI

Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa

MỚI - NÓNG
Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đối thoại với đoàn viên thanh niên
Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đối thoại với đoàn viên thanh niên
HHT - Trong chương trình đối thoại với đoàn viên thanh niên năm 2024, Đảng ủy - Ban Biên tập báo Tiền Phong đã trao đổi nhiều nội dung về công tác định hướng, hỗ trợ hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú; chế độ, chính sách với người lao động; định hướng chiến lược phát triển cơ quan; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên thanh niên trong việc phát huy chuyên môn, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?