Đề tài nghiên cứu khoa học cải thiện ô nhiễm nước bằng ứng dụng hạt nano TIO2 của hai bạn học sinh Hoàng Nhật Minh (lớp 8A2) và Bùi Linh Ngân (lớp 8A8) thuộc trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) được đánh giá có tính ứng dụng cao, đã được công nhận trên thế giới và cũng chính là nền tảng cho việc sử dụng công nghệ nano như cách người Nhật xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch.
Nhật Minh và Linh Ngân sớm có niềm đam mê với khoa học từ nhỏ. “Mình thấy các chất phản ứng với nhau khá thú vị và bổ ích” - Nhật Minh hào hứng. Còn Linh Ngân chia sẻ mình là con gái nhưng lại không hợp hát múa. Ngân đã từng tham gia một cuộc thi nghiên cứu khoa học và từ đó ngày càng yêu thích bộ môn này hơn.
Chứng kiến và biết được không ít con sông bị ô nhiễm đã khiến Nhật Minh và Linh Ngân “không bằng lòng”: “Mọi người liên tục xả thải làm cho các con sông ô nhiễm nặng nề và làm mất cảnh quan của đất nước Việt Nam xinh đẹp. Nên chúng mình muốn tìm một giải pháp tối ưu để có thể giải quyết tình trạng nguồn nước này và hi vọng mọi người sớm nhận ra được tác hại của việc xả thải ra các con sông. Chúng mình mong muốn làm gì đó để tương lai mọi người không cần lo những nhà máy xả thải ra sông nước, không lo mùi hôi thối bốc lên ngay tại nhà mình nữa mà an tâm lấy nước ngay ở đấy để giặt quần áo hay tắm, cho gia súc uống không phải lo bệnh tật”.
Chính niềm đam mê khoa học và tình yêu với môi trường đã thôi thúc hai bạn học sinh này cùng nhau nghiên cứu đề tài này dưới sự hướng dẫn của các giảng viên khoa Lý trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Đây cũng không phải là lần đầu hai bạn nghiên cứu khoa học. “Thực ra ban đầu chúng mình cũng có dự án khác đó là về dòng lọc nước và giải thưởng đó cũng rất cao nhưng mình thấy đề tài đó không quá nổi trội. Cho đến 1 ngày mình biết được tính chất của các hạt TIO2 và thấy rất thú vị và hiệu quả trong việc xử lý ô nhiễm nguồn nước. Chúng mình quyết định đây cải tiến công trình và sẽ đem đi thi để có thêm động lực” - Nhật Minh và Linh Ngân cho biết.
Nói về ấn tượng với hai bạn, thầy Nguyễn Cao Khang, Giảng viên khoa Lý trường Đại học Sư Phạm Hà Nội chia sẻ: “Các bạn đã biết tự chế tạo ra hạt Nano TIO2 và bước đầu đã biết dùng hạt đấy để xử lý dung dịch xanh methylen trong phòng thí nghiệm và cho ra kết quả tốt. Tuy nhiên tôi cho rằng một trong những thành công lớn nhất của các bạn là có niềm đam mê khoa học rất lớn. Các bạn đến đây làm việc từ sáng đến chiều, làm việc như 1 sinh viên, 1 giáo sư trong phòng thí nghiệm của Mỹ và buổi trưa chỉ ăn 1 cái bánh mỳ và 1 lon nước. Quan trọng là lúc nào cả hai cũng rất hào hứng".
Theo thầy Khang, việc ứng dụng hạt Nano xử lý nước ô nhiễm không quá mới trên thế giới nhưng có giá trị rất lớn khi chúng ta tự nghiên cứu, chế tạo. Dù việc ứng dụng ra ngoài thực tế vẫn còn gặp những khó khăn như điều kiện bên ngoài không lý tưởng như tỏng phòng thí nghiệm, giá thành lón do phải sử dụng công nghệ cao, tuy nhiên trong tương lai khi các ngành khoa học phát triển, giá thành hạ thì việc ứng dụng đề tài này để xử lý ô nhiễm nguồn nước hoàn toàn khả thi.