TS Trần Nam Dũng, phó hiệu trưởng trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TP.HCM khẳng định cái cần thay đổi nhiều hơn ở học sinh phổ thông là cách học. Ông Dũng cho rằng nhiệm vụ của giáo dục phổ thông là cung cấp cho học sinh những gì nền tảng kiến thức phổ thông và quan trọng nhất là khả năng tư duy.
“Tôi đã dạy học từ nhiều cấp, từ phổ thông đến ĐH, cao học và nhận thấy rằng đặc điểm của học sinh Việt Nam là ngại trao đổi, ít đặt câu hỏi và tranh luận. Nhiều khi tôi gọi em lên giải bài, hỏi có em nào nhận xét thì gần như không có có, trừ khi hỏi đúng - sai. Các em đặt câu hỏi rất ít, dù có hiểu hay không hiểu. Tôi cho rằng đó là cách học thụ động”, TS Trần Nam Dũng nói.
Lý giải điều này, ông Trần Nam Dũng cho rằng: “Có thể do khoảng cách thầy trò còn xa cách. Bản thân người học cảm thấy thầy rất kinh khủng và rất sợ thầy. Ngoài ra, học sinh sinh viên ít chuẩn bị bài học, vì không chuẩn bị thì không hỏi được”.
Ông nhấn mạnh, cấp đại học cập nhật chương trình là điều cần thiết nhưng ở phổ thông thì điều đó không cần nhiều, mà phải là thay đổi cách học. Học sinh cần chủ động nhiều hơn và bản thân cách dạy của giáo viên cũng phải thay đổi để giúp cho học sinh không còn thụ động.
Gần như đồng tình với điều này, TS Dương Ngọc Dũng, khoa Triết học, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ rằng: “Trước đây khi du học ở Mỹ, tôi có tham quan một trường tiểu học, tôi gặp một cô học sinh tầm 9-10 tuổi nhưng em vẫn phải làm nghiên cứu khoa học. Điều tôi ấn tượng là cô bé này làm việc rất nghiêm túc và luôn đặt những câu hỏi phản biện khi tiếp cận đề tài mình nghiên cứu, tìm hiểu. Tư duy độc lập phản biện của các em đều được trang bị từ nhỏ và không để phụ thuộc vào thầy cô giáo”.
Ông Ngọc Dũng kể tiếp câu chuyện thứ hai về một học trò của mình hiện là giảng viên đại học ở Việt Nam đang phỏng vấn chuẩn bị du học. Bạn trẻ này cứ băn khoăn về câu trả lời của mình khi phía nhận hồ sơ chất vấn "tại sao có môn học kém như vậy phải chăng do học trong ép buộc?”. Dù cậu giảng viên này trả lời rất khéo léo nhưng cứ lo lắng về những gì mình trả lời.
"Tôi hỏi bạn ấy rằng tại sao bạn vẫn mang trong mình tư duy lạc hậu như thế? Tại sao không hỏi ngược vì sao phải hỏi như vậy? Tôi cho rằng các bạn không có tư duy phản biện. Khi ai đặt cho các bạn một câu hỏi gì đó và tự bản thân các em lại tự cho mình bổn phận phải trả lời. Đây là nếp ảnh hưởng từ nhỏ cứ thầy hỏi - trò trả lời và về run sợ”, TS Ngọc Dũng nói.
TS Dương Ngọc Dũng đưa ra lời khuyên với các phụ huynh rằng: “Hãy khuyến khích con các bạn phải thường xuyên đặt câu hỏi. Và hãy cho con bạn biết không phải cái gì bạn cũng biết, để con có thêm động lực hỏi. Phải kích thích con trẻ để đi tìm câu trả lời”.
Chia sẻ ở góc độ hẹp hơn cụ thể môn văn học, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, khoa Văn trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết có một thực trạng đáng buồn khi được hỏi thì 80% học sinh nói không thích học môn văn.
“Học Văn trong thời đại mới này không giống như ngày xưa cứ học bài xong rồi cho học sinh làm bài. Những hoạt động như thế rất đơn điệu và làm học sinh cảm thấy chán môn Văn. Một trong những điểm mới của chương trình phổ thông mới là ngoài kiến thức thì phải làm sao phát triển năng lực của người học. Môn Văn hoàn toàn có thể đột phá nếu người học và giáo viên có thiện chí thay đổi”, TS Tranh nêu.
Cô Tranh cho rằng, một trong những điều đầu tiên cần thay đổi là làm cho môn học sinh động hơn, giờ học phải sôi động hơn. Học sinh có thể chuyển thể tác phẩm sang kịch, làm báo tường… và các em có thể hỏi và trả lời câu hỏi của các bạn khác. Để tạo ra không khí đó, không ai khác người đó phải là người thầy.
Còn ở môn Toán, trước câu hỏi cho rằng nhiều ý kiến nhận định "môn học này quá hàn lâm khi cho học sinh học tích phân, hình học không gian nhưng không biết phải làm gì?", TS Trần Nam Dũng cho rằng chương trình toán trên toàn thế giới đều tương đối giống nhau. Ở mức độ nào đó học sinh vẫn phải học những kiến thức về số học, lượng giác, hình học và cao hơn là đạo hàm tích phân mà nhiều nước sẽ lựa chọn học ở phổ thông hay ĐH.
Tuy nhiên, theo ông Trần Nam Dũng: "Nếu trên mạng xã hội luôn tranh luận những câu hỏi có cần phải học như thế thì tôi nghĩ lỗi ở trong quá trình dạy. Trong quá trình giảng dạy, người dạy khai thác quá khô khan, thiên về kỹ thuật nhiều quá dẫn đến người học cứ học mà không hiểu ứng dụng của nó. Do đó, tôi nghĩ những nhà giáo, những nhà hoạch định giáo dục phải cân nhắc đến điều này."