Ở Mỹ, hầu hết các trường Đại học đều có một loại học bổng mang tên Sport Scholarship dành cho những bạn tới từ các đội thể thao của trường (anh chàng Troy Botton trong bộ phim High School Musical là một ví dụ điển hình).
Theo khảo sát của Harvard Business Review, 95% những nhà tuyển dụng sẽ ưu ái hơn cho các ứng cử viên từng giữ các vị trí đội trưởng trong các đội thể thao của trường Đại học. Tại một số hệ thống giáo dục nổi tiếng như Singapore hay Canada, Thể dục chính là một môn học bắt buộc và có giá trị điểm số ngang ngửa với tất cả các môn học khác. Vậy đâu là mối liên hệ giữa thể thao và thành công mà chúng ta cần tìm kiếm?
Chúng ta đang “khát” vận động?
“Ai cũng hô hào là tập thể dục khỏe lắm. Tớ thấy có khỏe gì đâu. Ở trường tớ, mỗi tuần tụi tớ chỉ được học từ 1 - 1,5 tiếng cho môn Thể dục. Mà vô học toàn là ngồi chơi không à, hoặc là học mấy động tác như thể dục nhịp điệu thôi. Chương trình học từ cấp Hai tới cấp Ba luôn bị lặp lại. Còn các môn thể dục tự chọn thì chẳng có cái nào dạy tới cùng. Tụi tớ học xong thì quên sạch. Thậm chí lớp tớ thi Thể dục mà còn thi lý thuyết” - bạn H.M (trường THPT G., TP.HCM) chia sẻ.
Còn bạn Tuấn Dũng, trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) thì tâm sự: “Ba mẹ tớ không thích tớ chơi thể thao, nói là tốn thời gian lắm, nên dành thời gian đi học thêm Toán - Lý - Hóa vì thi Đại học đâu có ai hỏi tới thành tích thể thao”.
Ở Việt Nam, Thể dục chỉ là môn tự chọn, môn “phụ”, thậm chí ở một số trường do điều kiện thiếu thốn nên môn Thể dục hầu như bị bỏ hẳn. Và khác với nhiều nước người dân còn có thói quen đi tàu điện ngầm và đi bộ. Tại Việt Nam, hầu như bạn nào cũng có phương tiện di chuyển cá nhân hoặc được ba mẹ chở, vô tình, sự vận động cơ thể càng bị “giảm thiểu” tới mức tối đa.
Tư duy như một vận động viên
Không phải tự nhiên mà thể thao trở thành môn học bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Thể thao (tất nhiên là) mang lại lợi ích về sức khoẻ. Hàng ngàn nghiên cứu y học và khoa học đã chỉ ra điều đó. Nhưng những điều mà thể thao có thể mang lại cho thành công của một con người cũng không thua kém yếu tố về sức khoẻ, và đó mới là giá trị đích thực của thể thao.
Chúng ta thấy gì ở Ánh Viên, Lê Quang Liêm và Hoàng Xuân Vinh? Những tiếng vỗ tay vang dội, những ánh hào quang vang vọng cả đất nước, hay là những thiên tài về bộ môn mà họ theo đuổi? Bạn nghĩ rằng David Beckham hay Cristiano Ronaldo sinh ra đã là một thiên tài bóng đá, và chưa bao giờ cảm thấy áp lực hay nghi ngờ bản thân? “Hãy nhìn sâu hơn, về thời gian trước và sau khi họ chiến thắng, bạn sẽ thấy được cánh cổng mở tới thành công” - Gianno Infantino, chủ tịch FIFA từng chia sẻ.
Trong tất cả các môn thể thao, việc rèn luyện tư duy cũng quan trọng như việc rèn luyện kỹ năng. Theo nhà tâm lý học Carol Dweck, việc chơi thể thao giúp bạn thoát khỏi fixed mindset (tư duy cố định - tin rằng bản thân mình chỉ giỏi ở một vài lĩnh vực nhất định), mà tiến tới growth mindset (tư duy phát triển - tin rằng mọi thứ đều có thể cải thiện thông qua sự tập luyện). Và trong thế kỉ 21 khi “hơn 80% nghề nghiệp trong tương lai chưa có tên gọi trong hiện tại” (Hiệu trưởng trường Minerva), thì việc xây dựng cho bản thân một tư duy phát triển, tin rằng: “Tôi chưa từng làm việc ấy bao giờ, nhưng chỉ cần cố gắng hết sức tôi nhất định sẽ làm được” chính là điều mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm.
Hơn nữa, một vận động viên thực thụ sẽ biết được rằng, một số phút giây thể hiện không tốt không có nghĩa là cả sự nghiệp của họ cũng thế. Lionel Messi không phải lúc nào cũng đạt phong độ đỉnh cao và được báo chí ca ngợi. Trong sự nghiệp, sẽ có những phút giây họ thất bại, nhưng chính tư duy growth mindset đã giúp họ tiếp tục tiến lên phía trước mà không hề bỏ cuộc. Việc chơi nghiêm túc một môn thể thao cũng mang lại những ích lợi về tính kỷ luật hay sự tự tin. Chúng ta học được rằng người mà chúng ta cần chiến thắng không ai khác ngoài chính mình. Và đó chính là giá trị thể thao mang lại cho người trẻ.
Ai có thể từ chối một ứng viên AQ cao?
Nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) cũng chỉ ra: Việc chơi “tới cùng” cho một môn thể thao sẽ khiến cho chỉ số vượt khó (AQ - Adversity Quotient) của một người tăng lên rất nhiều. Chỉ số vượt khó thể hiện sự kiên nhẫn, bền bỉ theo đuổi các mục tiêu bất chấp những khó khăn và đau đớn về thể xác. Một vận động viên ba-lê luyện nhảy cho tới khi bàn chân chảy máu. Một vận động viên bơi lội như Ánh Viên sẽ phải ngâm mình trong nước nhiều giờ mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất. Và không có bất kì một trường Đại học danh tiếng hay một công ty nào có thể từ chối một ứng viên với AQ cực kì cao cả.
“Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên mất tập trung” - tiêu đề bài báo của New York Times đã miêu tả được khái quát xã hội mà chúng ta đang sống. Các bạn trẻ đang mất dần tập trung và hiệu suất, cứ 5 phút lại phải lướt Facebook một lần, và chúng ta luôn bị tình trạng “đang làm việc này thì lại nghĩ tới việc khác”. Hãy để thể thao giải quyết chuyện này!
Các bạn có biết vì sao trong các trận đấu bóng đá, khi một đội tuyển phải đá ở sân khách (sân của quốc gia khác), với lượng cổ động viên từ đối thủ hùng hậu như vậy, nhưng các cầu thủ lại không bị áp lực bởi những tiếng reo hò thậm chí la ó? Khi chơi thể thao, não sẽ được huấn luyện tạo ra các loại hoóc-môn kích thích giúp chúng ta tập trung hoàn toàn vào trận đấu (nếu không muốn bị “ăn banh” vào mặt”). Chúng ta cũng sẽ được phát triển kỹ năng đưa ra quyết định trong thời gian ngắn nhất (ví dụ như chuyền banh cho ai thì cơ hội vào khung thành sẽ cao hơn, đánh về phía nào sẽ tốt hơn…). Đối với một thế giới mà bất kì khủng hoảng nào cũng có thể ập tới, việc bình tĩnh và đưa ra quyết định nhanh chóng chính là kỹ năng cực kì quan trọng.
Vì sức khoẻ của bạn. Vì tư duy của bạn. Vì tương lai của bạn. Đừng chờ đợi tới khi thể dục - thể thao trở thành trung tâm của chương trình giáo dục. Hãy chủ động, nghiêm túc lên lịch cho mình kế hoạch kết thân với một môn thể thao, ngay và luôn!
TANPOPO ĐOÀN PHƯƠNG LINH