Tai nạn đắng lòng bạn dễ "dính" khi dùng flycam
Để có thể cho ra những bức ảnh lung linh, các "tiền bối" dùng flycam đều mắc phải những tình huống dở khóc dở cười không thể nào… đỡ nổi.
Bạn Đức Bộp chia sẻ: “Có lần bọn mình quay đến phân cảnh thả bóng bay, mải quá nên không để ý, bất cẩn làm “phi cơ” đâm sầm vào tòa nhà đối diện cao đến mấy chục tầng, cả đám được một phen hú vía. May mà “bé yêu” mắc kẹt luôn trên đó, nếu mà rơi xuống đất thì chỉ có đi toi!
Nhưng lần bi hài nhất phải kể đến là khi mình để “máy bay” cất cánh ngay dưới chân. Xui xẻo sao ẻm loạng quạng va trúng người mình, thế là “đi tong” bé máy ảnh, sửa lại cũng ngốn hết cả mấy “củ” liền.”
“Khi chơi flycam thì các bạn đều phải chuẩn bị tâm lí, một khi “em nó” đã bay lên thì có thể trở về hoặc… không. Bản thân mình cũng nhiều phen “thót tim” vì chỉ cần quay đi một giây, “bé yêu” cũng có thể biến mất sau lưng ngay tắp lự. Chưa kể các yếu tố khách quan khác như thời tiết, hầu bao mua và bảo dưỡng máy,… khiến nhiều bạn dù đam mê cũng phải dè chừng bởi trăm ngàn gian khổ khi có ý định “đu” theo thú vui này.” - bạn Huỳnh Thanh Hiếu (trường ĐH Thủ Dầu Một, TP.HCM) chia sẻ.
Chơi flycam là… phạm luật?
Từ khi Nghị định 36/2008 của Chính phủ về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ được ban hành, nhiều teen đã “ngã ngửa” bởi nếu muốn “tương phùng” cùng “chiến cơ” thân thương, các flycamholic sẽ phải vượt qua vô vàn những quy định “khắc nghiệt” từ công văn này.
Cụ thể, Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu sẽ có thẩm quyền cấp phép đối với các loại hình Flycam nói riêng và máy bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nói chung. Cá nhân hay tổ chức sau khi được Cục Tác chiến cấp phép phải liên hệ với Bộ CHQS tỉnh để thông báo dự báo bay trước 48 giờ và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động bay theo đúng giấy phép. Tổ chức, cá nhân vi phạm Nghị định này, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. (Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng flycam với một số lưu ý sau:
Bạn Huỳnh Thanh Hiếu cho hay: “Lệnh cấm “bay” chỉ áp dụng trong các khu vực mà khi sử dụng định vị GPS, “dế yêu” của mình có xuất hiện các quầng đỏ cùng những “báo động” nguy hiểm thôi. Thường thì bọn mình đều “bay” ở những nơi không bị cấm. Đó hầu hết là những bãi đất trống ở xa khu vực trung tâm thành phố và vô cùng an toàn”.
“Trước khi sắm cho mình một em flycam, bọn mình đều đã tích cực rủ rê hội cạ cứng có chung niềm đam mê để lập nên một câu lạc bộ “bay cao, bay xa”. Sau đó cả hội cùng kéo nhau đi đăng kí giấy đề nghị cấp phép, và tất nhiên câu lạc bộ này sẽ hoạt động dưới sự quản lí của nhà nước.” - bạn Nguyễn Quốc Đạt (trường ĐH Giao thông Vận tải) chia sẻ.
Cẩm nang bỏ túi cho những “chuyến bay”
Một số “bản đồ” siêu uy tín cho các teen có ý định “tậu” ngay một “em” flycam:
- FlycamPRO (15 đường Lý Thái Tổ, P.1, Q.10, TP.HCM hay website http://www.flycampro.vn).
- Lazada (website http://www.lazada.vn).
- Thaituan Hobby (Lô 15 khu đô thị Mỗ Lao, Q.Hà Đông, Hà Nội).
Mẹo bảo quản flycam dễ nhớ
- Bạn chỉ cần cho “em yêu” của mình vào túi nilon nhựa có đựng vài hạt chống ẩm khi chưa sử dụng đến.
- Nếu ống kính chẳng may bị vấy bẩn do xâm hại từ các “vật thể lạ”, bạn cũng có thể sắm riêng cho mình một bộ vệ sinh máy ảnh với giá cả phải chăng, chỉ từ 50K - 100K tùy nhãn hiệu.
Thông báo "bíp bíp": Trước khi có ý định “nhập môn” “thú vui tao nhã” này, các teen cũng nên tìm hiều thật kĩ về cách điều khiển flycam, những “bí kíp” khởi động và “cất cánh” để không mắc phải một vài trục trặc cơ bản khi vi vu “em yêu” trên bầu trời. Ngoài ra, teen cũng có thể “tầm sư” một vài tiền bối có “thâm niên” trong công cuộc lái “phi cơ” hoặc tự học cách điều khiển flycam trong phần mềm giả lập, tránh chơi ở những nơi có nhiều cột điện, nhiều gió hoặc những khu vực bị cấm bay để không xảy ra một vài trường hợp “í ẹ” ngoài mong muốn.
Một số hình ảnh ấn tượng chụp bằng flycam
UYÊN UYÊN - Ảnh: NVCC