Hollywood đang quá chiều chuộng Trung Quốc?

TPO - Trung Quốc vốn là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới và là nguồn thu quan trọng của Hollywood. Khoảng 41% phim chiếu ở Trung Quốc trong 10 năm qua đến từ Mỹ. Đó là lý do lớn nhất khiến Hollywood cố gắng chiều lòng thị trường Trung Quốc, dẫn đến việc nhiều hãng phim bị các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích, quốc tế lên án, cấm chiếu.

"Phim Barbie có bản đồ chứa đường lưỡi bò" là thông tin được quan tâm nhiều những ngày qua. Bộ phim chính thức bị cấm chiếu sau cuộc họp của Hội đồng thẩm định và phân loại phim (gồm 11 thành viên do GS.TS Trần Thanh Hiệp làm chủ tịch).

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh - các thành viên của cục thống nhất không chiếu Barbie vì có cảnh đường lưỡi bò phi pháp. Cục giải thích hình ảnh này xuất hiện nhiều lần trên phim, không giống với giải thích trên mạng là "chỉ có trong trailer".

Tác phẩm của Hollywood không chỉ khiến người Việt phẫn nộ, cả chính trị gia Mỹ cũng không hài lòng vì các hãng phim tìm mọi cách để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn và Ted Cruz phản đối cách làm của nhà sản xuất phim Barbie. Người phát ngôn của Cruz nói với Daily Mail rằng ê-kíp Barbie đang cố "xoa dịu Trung Quốc".

Từ lâu, Trung Quốc được xem là thị trường béo bở của Hollywood. Chính sách hạn chế phim nước ngoài của Bắc Kinh khiến các nhà sản xuất phim Mỹ tìm cách chiều lòng xứ tỷ dân.

Hollywood đang quá chiều chuộng Trung Quốc? ảnh 1

Phim Barbie bị cấm chiếu ở Việt Nam vì xuất hiện bản đồ chứa đường lưỡi bò.

Phim Hollywood dần mất sức hút ở Trung Quốc

Năm 2009, Avatar của James Cameron ra mắt ở Trung Quốc, nhanh chóng trở thành hiện tượng văn hóa, có người thậm chí bỏ 100 USD để mua suất đầu tiên, xếp hàng dài chờ đợi. Bộ phim thu 259 triệu USD ở Trung Quốc, trở thành phim Mỹ có doanh thu cao nhất từng phát hành ở đại lục vào lúc đó.

13 năm sau, Avatar: The Way of Water công chiếu nhưng không trở thành hiện tượng. Số tiền 229 triệu USD chỉ bằng một nửa so với dự đoán của chuyên gia. Kết quả đáng thất vọng tại phòng vé khiến Yu Dong - chủ tịch Bona Film Group, nhà sản xuất và phân phối phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc - nói: "Các ấn phẩm nước ngoài không theo kịp sở thích xem phim của khán giả Trung Quốc".

Trong khi dòng chảy phim Mỹ vào Trung Quốc căn bản trở lại trước đại dịch, Hollywood vật lộn thu hút khán giả. Ngay cả Marvel, thương hiệu vốn ăn nên làm ra tại Trung Quốc, cũng không còn là thương hiệu ăn khách.

Black Panther: Wakanda Forever, bộ phim nhượng quyền thương mại đầu tiên của Marvel được chiếu ở Trung Quốc kể từ Avengers: EndgameSpider-Man: Far From Home năm 2019, cũng thu mức thấp kỳ vọng, theo thống kế nhà bán vé trực tuyến Maoyan.

Ant-Man and the Wasp: Quantumania phát hành ở Trung Quốc ngày 17/2, thu 19,4 triệu USD trong tuần đầu, thấp hơn 70% so với con số 66 triệu USD của Ant-Man and the Wasp vào tháng 7/2018. Trong những tuần tiếp, doanh thu tiếp tục giảm, dừng ở con số 33,4 triệu USD.

Hollywood đang quá chiều chuộng Trung Quốc? ảnh 2

Phim Mỹ ngày càng kén khán giả ở Trung Quốc.

Phần tiếp theo về siêu anh hùng của Warner Bros. là Shazam! Fury of the Gods, chỉ thu về 4,3 triệu USD ở Trung Quốc trong tuần đầu công chiếu, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Để so sánh, Shazam! của năm 2019 thu về khoảng 30 triệu USD trong tuần đầu công chiếu trong khu vực.

Sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách "zero COVID" hồi tháng 12/2022, phòng vé Trung Quốc trong kỳ Tết Nguyên đán thu 988 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, doanh thu phòng vé dẫn đầu chủ yếu là tác phẩm nội địa.

Theo Global Times, Trung Quốc gần đây hờ hững với Hollywood là kết quả việc giảm nhập khẩu phim Mỹ trong vài năm qua. Khán giả cũng dần quen với điều đó. Thông thường, Bắc Kinh chỉ cho phép chiếu 30-40 phim nước ngoài/năm. Trong đại dịch, chỉ có 20 phim Hollywood phát hành tại Trung Quốc năm 2021.

Michael Berry, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ cho biết phim Mỹ khó cạnh tranh.

“Với những căng thẳng, khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của Hollywood sẽ tiếp tục thất thường và không đáng tin cậy trong tương lai gần. Những tổn thất của Hollywood ở Trung Quốc phần lớn liên quan đến cơ quan chức năng", Michael Berry nói.

Hollywood quá chiều chuộng thị trường Trung Quốc?

Theo Screen Daily, Hollywood phải giao phim cho chính quyền phê duyệt trước 10-12 tuần (trước đây là 8-10 tuần) để có cơ hội ra mắt ở thị trường tỷ dân. Thông thường, các yếu tố khiến phim bị loại là tình dục, bạo lực quá mức, sự nhạy cảm của Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến lãnh thổ.

Hollywood cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại. Các hãng phim truyền nhau rằng để phim chiếu được ở Trung Quốc là "điều bất ngờ". "Phim vào được Trung Quốc khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi sẽ vượt qua giới hạn vào lúc nào đó", một giám đốc điều hành nói với Screen Daily.

Năm 2022, ông Tôn Nghiệp Lễ - Phó Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - nhắn nhủ Hollywood rằng phim Mỹ nên cải thiện chất lượng, trên cơ sở tôn trọng văn hóa, phong tục và hành vi khán giả.

"Chúng tôi nhập khẩu phim bất kỳ quốc gia nào làm hay hơn, phù hợp thị hiếu khán giả Trung Quốc", ông nói.

Hollywood đang quá chiều chuộng Trung Quốc? ảnh 3

Thông tin Barbie bị cấm chiếu ở Việt Nam gây chú ý truyền thông quốc tế.

Theo Bloomberg, đây là lần đầu quan chức cấp cao Trung Quốc ám chỉ lý do phim Mỹ ngày càng khó xuất hiện ở xứ tỷ dân. Trung Quốc vốn là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới và là nguồn thu quan trọng của Hollywood. Khoảng 41% phim chiếu ở Trung Quốc trong 10 năm qua đến từ Mỹ, một số tựa phim có doanh thu cao hơn khi chiếu ở Mỹ.

Đây là lý do quan trọng để Hollywood "chiều lòng" thị trường Trung Quốc.

Khi tin tức phim Barbie bị cấm chiếu ở Việt Nam chứa đường lưỡi bò được quốc tế chú ý, nhiều chính trị gia lên tiếng bàn luận, đặc biệt hướng sự chú ý đến các hãng phim ở Hollywood.

Các nhà lập pháp của Mỹ cho rằng nhà Warner Bros. Film Group chiều theo thị trường Trung Quốc, dù trước đó đại diện hãng phim nói "bản đồ trong phim không tuyên bố điều gì".

"Thượng nghị sĩ Cruz đấu tranh nhiều năm để chặn các công ty Mỹ, đặc biệt là hãng phim ở Hollywood, thay đổi và kiểm duyệt nội dung để kiếm tiền nhanh chóng tại thị trường Trung Quốc", Blackburn, phát ngôn viên của ông Ted Cruz, nói.

Hiện, thành viên Hạ viện Mark Green nhắc lại lời kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ luật ngăn cản Hollywood chịu quá nhiều sự kiểm duyệt của thị trường Trung Quốc. Theo Politico, Barbie không phải trường hợp đầu đối mặt tranh cãi, gần đây có Top Gun: Maverick của Tom Cruise.

"Không đời nào phim Mỹ lại truyền bá, tuyên truyền tư tưởng quốc gia khác. Tôi khuyến khích các hãng phim tôn trọng điều đó nếu không sẽ mất sự hỗ trợ từ các tổ chức liên bang", Mark Green nói trong một tuyên bố.

Tin liên quan