Không ai biết chính xác tự bao giờ, người dân Yap thuộc quần đảo Caroline ở Tây Thái Bình Dương, là một bang của Liên bang Micronesia, bắt đầu sử dụng những miếng đá vôi khổng lồ làm tiền. Số tiền bằng đá đúc thành hình đồng xu khổng lồ, tồn tại hàng thế kỷ và vẫn lưu giữ cho tới ngày nay.
Một đồng tiền bằng đá của người Yap có kích thước khổng lồ.
Du khách lần đầu tới đây sẽ choáng ngợp khi bắt gặp những đồng tiền xu khổng lồ đó. Chúng nằm rải rác trên khắp hòn đảo, bên ngoài khách sạn hoặc ở sâu trong rừng.
Có những đồng tiền trong số đó mang trọng lượng còn nặng hơn cả một chiếc xe ô tô. Theo thống kê, có khoảng 13.000 đồng tiền xu cổ đủ mọi kích thước còn tồn tại trên đảo, đường kính khác nhau từ 30cm cho tới 3.5m.
Du khách đến đây thường đặt ra câu hỏi, tại sao người dân Yap lại sử dụng những đồng tiền xu khổng lồ như vậy, mà không phải là kim loại nhẹ dễ sử dụng hơn?
Du khách chụp hình cùng đồng xu cỡ lớn.
Trên thực tế, từ xa xưa, trên đảo không có những vật liệu như vậy để làm tiền xu. Những thủy thủ Yap phải chèo bè tới Palau rồi tìm thấy đá vôi trong mỏ đá.
Ban đầu, họ làm thành những đồng xu đá nhỏ. Nhưng giá trị của mỗi đồng xu lại phụ thuộc vào kích thước. Nếu đồng tiền được trưởng làng hay một chiến binh nổi tiếng nào đó sở hữu, thì giá trị của nó còn cao hơn nữa.
Những đồng xu có kích thước lớn nhỏ khác nhau.
Một điều quan trọng khác cần biết về đồng tiền khổng lồ này. Do kích thước quá đồ sộ, người ta không thể dùng nó như loại tiền tệ để giao dịch hàng ngày. Nó chỉ được sử dụng trong các giao dịch quan trọng, giống như của hồi môn cho con gái. Còn trong giao dịch thông thường, người Yap sử dụng những đồng tiền có đường kính chỉ vài cm với kích cỡ và giá trị khác nhau.
Hiện nay vẫn còn nhiều đồng tiền bằng đá được trưng bày tại các viện bảo tàng để du khách tìm hiểu. Người dân Yap ngày nay cũng không dùng tiền đá trao đổi giao dịch với nhau nữa. Nhưng vào những dịp quan trọng như cưới hỏi, đồng tiền khổng lồ vẫn góp mặt và được sử dụng.
Quần đảo Caroline là một quần đảo bao gồm các hòn đảo nhỏ thưa thớt trên một phạm vi rộng lớn ở tây Thái Bình Dương, phía bắc của New Guinea. Về mặt chính trị quần đảo được chia thành Liên bang Micronesia ở phía đông, Palau ở cực tây. Người dân bản địa nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, thuộc nhóm ngôn ngữ Micronesia. Họ sống chủ yếu bằng nghề làm vườn và đánh bắt cá.