HoREA nêu lý do nhà giàu tranh được suất mua nhà ở xã hội

TPO - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Xây dựng góp ý bổ sung một số quy định về chính sách nhà ở xã hội tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Đáng chú ý, trong văn bản này, HoREA lý giải vì sao có tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu là chủ sở hữu nhà ở xã hội.

Theo HoREA, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các tiêu chí về điều kiện của các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội tưởng chừng rất chặt chẽ nhưng thực ra là chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tế cuộc sống và có thể lách luật.

Cụ thể, điểm a khoản 1 điều 51 luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 điều 75 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc. Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc.

HoREA nêu lý do nhà giàu tranh được suất mua nhà ở xã hội ảnh 1

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu mua nhà ở xã hội là do các tiêu chí về điều kiện chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế.

HoREA kỳ vọng, trong thời gian tới, sau khi thực hiện hoàn thành đề án 6 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” thì mới kiểm tra được điều kiện đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc.

Tương tự, điểm a khoản 1 điều 51 luật Nhà ở 2014 và điểm a khoản 1 điều 75 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu. Theo HoREA, nếu một người nào đó muốn “lách” thì không khó. Cụ thể: Người đó để cho người thân khác đứng tên giúp. Như vậy, người đó chứng minh được mình chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở, nhưng chật.

Ngoài ra, điểm a khoản 1 điều 75 quy định điều kiện của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, một người cũng có thể chuyển đổi nơi sinh sống, nơi làm việc nhiều lần nên cần phải được quy định chặt chẽ hơn.

Một nguyên nhân nữa là từ tiêu chí điều kiện về thu nhập của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội. Theo HoREA, tại điểm b khoản 1 điều 51 luật Nhà ở 2014 và điểm b khoản 1 điều 75 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi đều quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Quy định này có các lỗ hổng và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu ở lẫn trong các chung cư nhà ở xã hội vừa qua.

Theo HoREA, trong thực tế, nhiều người làm thêm nghề tay trái. Mà nghề tay trái lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề tay phải, thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức nên người này vẫn hội đủ tiêu chí điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Luật Nhà ở chỉ quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương, mà không tính các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

Bên cạnh đó, Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 16 trường hợp. Trong đó, khoản 7 và khoản 8 điều 4 quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các trường hợp thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, thu nhập từ kiều hối.

Theo HoREA, khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của người về hưu, già yếu, mất sức lao động hoặc số tiền kiều hối có giá trị không lớn để cải thiện cuộc sống thì quy định miễn thuế thu nhập cá nhân là rất chính xác và nhân văn. Thế nhưng, quy định trên sẽ không hợp lý khi cho miễn, không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập rất lớn từ lãi tiền gửi tiết kiệm hoặc từ kiều hối như các ví dụ sau đây.

HoREA nêu lý do nhà giàu tranh được suất mua nhà ở xã hội ảnh 2

Hiện tại, nhiều dự án nhà ở xã hội tại TPHCM đang "đứng hình" vì vướng pháp lý.

Ví dụ 1, ông A gửi tiết kiệm 50 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng với lãi suất tiết kiệm 9%/năm nên cuối năm được nhận lãi tiền gửi 4,5 tỷ đồng. Ví dụ 2, ông B thường xuyên nhận được tiền kiều hối. Năm nay, ông A nhận được khoản tiền kiều hối 100.000 USD tương đương 2,4 tỷ đồng.

Căn cứ quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân thì ông A và ông B đều được miễn thuế thu nhập cá nhân. Nếu ông A và ông B chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình mà lại có lòng tham thì ông A và ông B lại hội đủ điều kiện chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương. Mà, thu nhập từ lãi tiền gửi và thu nhập từ kiều hối cũng không phải là các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương nên ông A và ông B được công nhận là đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội, được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Các nguyên nhân trên đây đã dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu ở lẫn trong các chung cư nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Do vậy, ngoài điều kiện về thu nhập được quy định tại điểm b điều 75 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi, HoREA đề xuất: Đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế thì cần bổ sung thu nhập chịu thuế còn bao gồm các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

MỚI - NÓNG