Hững hờ chàng Tiêu

Du khách nồng nhiệt khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) rồi lăng xê trên các phương tiện truyền thông quốc tế (ảnh in trên báo Telegraph của Anh)
Du khách nồng nhiệt khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) rồi lăng xê trên các phương tiện truyền thông quốc tế (ảnh in trên báo Telegraph của Anh)
TP - Hơn chục năm trước, tôi cùng bạn đến Hạ Long, nghỉ ở một khách sạn lớn của nhà nước mới khai trương. Ăn buffet sáng, tôi nói cô phục vụ cho nửa bát phở thôi, hoặc đựng vào bát ăn cơm. Cô trợn mắt bảo phở phải ăn bát tô chứ, thế là đành bê bát phở to đùng đầy ứ, để rồi phải bỏ mứa dù không muốn.

Món tráng miệng là quả chuối xanh phạt cả hai đầu. Khiến nó trông kém thẩm mỹ, ngắn và lại thâm đen phía bị dao phạt. Khi ăn lại phải phạt lần nữa. Hỏi sao phải làm quả chuối trông ra thế thì cô bảo ở đây người ta toàn ăn thế. Về sau này mỗi khi nhắc Hạ Long, bạn vẫn tủm tỉm, gọi là phong cách du lịch chuối phạt hai đầu. Không biết bây giờ còn thế không?

Năm kia lại đến Hạ Long đúng Carnaval. Nhà thiết kế Minh Hạnh khuyên “Dịp lễ lạt thì cứ vào khách sạn lớn mà ăn, phục vụ tốt, ngon như ngày thường mà lại không chặt chém như bên ngoài”. Ăn ở KS Mường Thanh mấy bữa liền cũng ngán, mẹ con tôi với mẹ con nhà thiết kế Thương Huyền chọn hàng lớn ăn thử, và đã có dịp kiểm chứng lời Minh Hạnh. Cái cảm giác tiếc cho một Hạ Long- vịnh đẹp tầm thế giới, vẫn thường dậy lên bởi những chuyện nhỏ nhỏ như thế. Hy vọng đó chỉ là những trường hợp cá biệt.

Làm du lịch cả đời, được thụ hưởng một di sản thiên nhiên vĩ đại nhưng nhiều người ứng xử với nó theo kiểu qua ngày đoạn tháng. Với khách vãng lai thì cưa đứt đục suốt, người ta có một đi không trở lại cũng chẳng lấy làm điều. Như trường hợp quả chuối, bát phở trên kia, thì là sự nghiệp dư trong dịch vụ thôi. Thế mà không chết à?

Hững hờ chàng Tiêu ảnh 1
 

Chục năm trước đi Singapore, một du khách Thái Lan bảo: “Du lịch Việt Nam thích hơn nhiều còn ở đây có gì, chỉ được cái sạch”. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore là một người đàn ông không đẹp trai, không cao lớn. Họp báo, ông mặc áo chim cò ngồi vắt vẻo trên cái ghế kiểu ghế quầy bar, trong khán phòng của một nhà hát, còn phóng viên các nước ngồi rải ở hàng ghế khán giả phía dưới. Phong cách ông cực kỳ thoải mái, giải đáp câu hỏi của phóng viên đầy hiểu biết, dễ chịu.

Tan họp, tiệc buffet bày hoa củ quả đẹp thôi rồi. Ra về, mỗi người được tặng chiếc cặp lồng nhiều ngăn, khá kích rích nhưng chẳng ai từ chối lại còn thích thú. Một cuộc họp báo về du lịch đúng nghĩa.

Nếu tôi là một nhà báo hoặc doanh nhân nước ngoài dự cuộc họp báo Exciting Vietnam sáng 9/7 ở KS InterContinental tuyệt đẹp, tôi không có nhiều để nhớ. Một ít con số (chưa chắc đã vào đầu); ít lời kêu gọi hưởng ứng quảng bá du lịch Việt Nam; lời cam kết “sẽ không kỳ thị khách Trung Quốc”(câu này được nói nhiều lần, khi các đại biểu nước ngoài hỏi có cách nào giảm khó khăn nơi thị trường Trung Quốc)... Chỉ không kỳ thị thôi ư, còn gì nữa không? Phát động, kích động người khác mà bản thân mình, nếu có nóng lòng cũng chưa hẳn điểm trúng huyệt người ta, sự tò mò và nhiệt tâm của họ, tận dụng lợi thế truyền thông (qua báo chí hoặc truyền khẩu) của họ.

“Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu” (Truyện Kiều). Sự hững hờ chàng Tiêu này, tràn khắp các lĩnh vực kể cả văn hóa và du lịch - bộ mặt của đất nước. Xem nhiều bộ phim điện ảnh hoặc dài tập trên tivi, cứ tự hỏi không hiểu báu cho ai? Một phim như “Thiên mệnh anh hùng”, nhạt nhẽo thôi nhưng ít ra cảnh thiên nhiên Ninh Bình có thể gây kinh ngạc kể cả cho ai từng biết.

Những cuộc phát động, quảng bá như thế này, làm lớn, làm thường xuyên là đúng, nhưng nếu không có sự chung sức của mọi người mọi ngành, chung sức một cách thấu hiểu, chuyên nghiệp, thì câu chuyện kích cầu du lịch sẽ vẫn là: Muốn là một chuyện, được là chuyện khác.

MỚI - NÓNG