Tất tần tật về “chuyên ngành” giới TikToker
TikToker là một thuật ngữ chỉ những người làm công việc sáng tạo trên nền tảng mạng xã hội này. Tương tự như các ngành nghề khác, TikToker cũng được chia thành những “phân môn” khác nhau, bao gồm KOC và Influencer.
Trong đó, KOC (Key Opinion Consumer) là những người sẽ trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những nhận xét, đánh giá ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định tiêu dùng của những người xem.
Đối với Influencer, công việc của các bạn ấy lại có đôi chút khác biệt. Influencer có thể là nghệ sĩ, những người hoạt động trong showbiz, streamer có lượng người theo dõi lớn hoặc các cá nhân nổi lên nhờ một “hiện tượng mạng”...
Vùng đất tiềm năng cho hội ưa cảm giác mạnh
Có một sự thật rằng, sự thành công trong lĩnh vực sáng tạo, mang tính xu hướng như TikTok sẽ không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu, nỗ lực mà đôi khi cũng cần “ông bà gánh”. Lê Thụy rất đồng thuận về quan điểm này thông qua chia sẻ về “cơ duyên” được nhiều người biết đến: “Mình quay video theo dạng “khoảnh khắc”, có những khoảnh khắc mình bắt được một lần rồi nó sẽ không quay lại nữa. Ví dụ clip uống “cô-cô-nớt” mình vô tình quay 1 - 2 lần rồi đăng luôn đó. Mọi người nghĩ mình viral là mình “lên” rất nhanh nhưng đó là một khoảng thời gian rất dài, phải mất mấy tháng lận”.
Sau khi đã có độ nhận diện nhất định và tay nghề điêu luyện hơn, Lê Thụy bắt đầu hợp tác với các nhãn hàng để truyền tải thông điệp sản phẩm của họ đến các followers. Vai trò này đòi hỏi Lê Thụy luôn sáng tạo ra nội dung, ý tưởng mới, đôi khi còn phải bám sát với xu hướng vì theo cô nàng “trend TikTok lên nhanh hơn cả giá vàng”. Thoạt nghe có vẻ dễ dàng, nhưng việc nghĩ ra ý tưởng mới 24/7 và truyền tải chúng sao cho mượt mà, phù hợp là điều chẳng “dễ xơi” đâu. “Nếu mình đưa ra ý tưởng một cách “giả trân” hoặc không khéo léo thì mình sẽ bị phốt đó” - cô bạn hài hước nhắc nhở.
Ở một “trường phái” khác, các KOC cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Vì tính chất công việc nên các reviewer phải luôn không ngừng trải nghiệm các sản phẩm mới, đi “thám thính” nhiều tụ điểm ăn uống, vui chơi để chia sẻ cảm nhận của mình đến người theo dõi. Nghe có vẻ “dễ xơi” thế nhưng các KOC thường xuyên phải “đi tàu lượn” cảm xúc khi phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tiêu cực từ người xem và thường bị gắn mác “PR lố”.
Đề cập về vấn đề này, KOC Cao Hoàng Mẫn cũng có “nỗi lòng” của riêng mình: “Không phải quán nào mình đều khen lấy khen để đâu, vài quán mình sẽ từ chối thẳng nếu chưa phù hợp, còn có những quán mình cảm thấy món này chưa ưng ý, mình sẽ quyết định không ghi hình món đó, hoặc góp ý riêng với chủ quán. Mẫn cũng sẽ không chê một cách quá thô thiển mà sẽ nói là món đó không hợp với khẩu vị cá nhân. Vì khẩu vị mỗi người mỗi ý mà, sao trải nghiệm của mình có thể vừa lòng tất cả mọi người được”.
Bỏ túi những ghi chú khi “hành nghề”
Vì tính mới lạ, nhiều người vẫn nghĩ TikToker là một công việc giải trí đơn thuần, không có bất cứ giá trị nào. Do đó, những bạn trẻ đang muốn dấn thân vào con đường này nên chuẩn bị sẵn tinh thần thép và lối suy nghĩ tích cực để “chống chọi” với những luồng nhận xét ác ý. Như cô bạn Lê Thụy tâm sự: “Chỉ cần em khiến người khác cười được thì đó đã là một giá trị em tạo ra rất to lớn rồi. Như ông bà mình thường nói “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” đó!”.
Bên cạnh đó, trên hành trình tạo ra những giá trị giải trí ấy hay trở thành một TikToker chuyên nghiệp, nhiều “cư dân” Gen Z thường cố gắng đi tìm công thức chung. Thế nhưng, Lê Thụy cũng nhấn mạnh: “Đối với mình, mọi người sử dụng TikTok đều có khả năng trở thành một Influencer, một KOC. Bạn không cần phải có tố chất gì quá ghê gớm, bạn chỉ cần là bạn thôi thì đã đủ để trở thành một hiện tượng mạng, quan trọng rằng bạn có đủ dũng cảm hay không”.
Ngoài ra, khi đã “có tiếng”, chúng mình vẫn cần trau dồi bản thân liên tục. Cao Hoàng Mẫn khuyên nhủ: “Khi đã quyết định theo đuổi gì đó thì mình phải nâng cấp bản thân, kỹ năng của mình lên. Mẫn thường xem thêm clip của các bạn TikToker khác, gặp gỡ các bạn ấy để học hỏi cách quay, cách edit video sao cho “lên trình” hơn”.
Những TikToker có thể “cá kiếm” kha khá nhờ công việc review hoặc sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các bạn trẻ nên đánh đổi sự nghiệp học hành để chạy theo xu hướng. Cả Lê Thụy và Cao Hoàng Mẫn đều đồng tình rằng TikToker chỉ là một công việc mang tính “phong trào” và thu nhập cũng “tùy duyên”. Do đó, việc trau dồi kiến thức và tìm cho mình một công việc “tay phải” ổn định luôn là việc Gen Z cần ưu tiên tuyệt đối. “Học là mãi mãi, có kiến thức vẫn hơn. Mình làm bất cứ gì cũng đều cần kiến thức hết, nên là phải học, chắc chắc là phải học!” - cô nàng reviewer nhấn mạnh.
Để lắng nghe toàn bộ chia sẻ và khám phá về cuộc sống “hành nghề” của một TikToker thực thụ, bạn đừng bỏ lỡ tập đầu tiên - Nghề TikToker khó hay dễ? của chuỗi talkshow Job Đỉnh - Nghề mới cho thế hệ mới do báo Hoa Học Trò và Học viện ngôn ngữ và kỹ năng Sun&Moon phối hợp thực hiện. Xem ngay tại đây nào: