Sở dĩ người người nhà nhà ca tụng thành tựu này là bởi trước đây, việc xác định hình dạng của hố đen được xem là bất khả thi. Lấy ví dụ thực tế thì việc chụp ảnh hố đen từ trái đất cũng tương tự như việc con người cầm chiếc smartphone chụp ảnh một quả cam trên Mặt Trăng vậy. Thực vậy, hố đen nằm ở trung tâm thiên hà Messier 87 (M87) cách Trái Đất tận 55 triệu năm ánh sáng, trong đó 1 năm ánh sáng tầm 9,5 ngàn tỷ km.
Đặc biệt hơn, chủ nhân của bức ảnh mang tính lịch sử này chính là một nhà khoa học nữ trẻ tuổi và vô cùng tài năng – Katie Bouman. Cô tốt nghiệp ngành khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ. Cô đã dẫn dắt một đội ngũ tài năng gồm 200 nhà khoa học hàng đầu thế giới nhằm phát triển thuật toán vẽ lại hình ảnh hố đen.
Để chụp được hình ảnh lỗ đen M87, các nhà khoa học phải sử dụng sự phối hợp giữa 8 nhóm đài thiên văn đặt rải rác trên Trái Đất để ghi lại bức xạ phát ra từ hố đen. Quá trình quan sát tại các địa điểm khác nhau được đồng bộ nhờ chiếc đồng hồ nguyên tử có độ chính xác gần như tuyệt đối.
Các nhà nghiên cứu thu thập được lượng dữ liệu lớn gồm tới 2 tỷ bức ảnh có độ phân giải cao, nhưng chúng vẫn chỉ là những mẩu thông tin bé xíu về hố đen. Và đây chính là lúc thuật toán của Katie phát huy sức mạnh, chính là khả năng “ghép hình” những mảnh ghép rời rạc đó để tạo ra bức ảnh hoàn chỉnh như chúng ta thấy.
Phát hiện quan trọng của Katie thậm chí đã xuất hiện ngay trên trang chủ Google dưới dạng một doodle đặc biệt. Ở ngay giữa trang chủ Google là hình ảnh hố đen do Katie chụp được, và tất cả những chữ cái tạo nên từ “Google” đều bị hố đen hút sạch như chính cách hố đen hoạt động ngoài đời thực vậy.
Hình ảnh hố đen vũ trụ M87 đã mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo về vùng không - thời gian bí ẩn này. Và biết đâu, trong vài năm nữa, với tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hình ảnh chân thật và rõ nét hơn nữa của hố đen.