Bác Brad Keiller và người bạn là Cameron Corley đã mở tiệm bánh ngọt Nomad Donuts ở San Diego (Mỹ) được 5 năm. Trong thời gian đó, đã có cả ngàn khách hàng dành thời gian viết nhận xét trên một trang web chuyên đánh giá sản phẩm, dịch vụ. Hầu hết mọi người đều nhận xét tích cực, nhưng mới đây, có một người chấm cho tiệm có 1 sao.
Vị khách này phản đối tiệm Nomad vì đã để một người vô gia cư (tên là Ray Taylor) ăn ngủ ngay ở bên hông tiệm trong suốt một năm qua.
Bác Keiller nói rằng, bác đã suy nghĩ vài ngày rằng liệu mình nên nhắn tin riêng cho khách hàng đó, hay là đăng phản hồi công khai trên mạng xã hội. Cuối cùng, bác quyết định viết công khai vì muốn nhân viên và khách hàng của mình biết rằng, những người vô gia cư cũng xứng đáng được tôn trọng như bất kỳ ai khác.
“Tôi hiểu cảm giác của bạn, việc cứ nhìn thấy một người vô gia cư như vậy thật chẳng dễ dàng gì” – Bác Keiller viết – “Tôi biết tôi có thể mất một số khách hàng, có lẽ là cả bạn nữa, vì tôi đã lựa chọn cách không đuổi ông ấy đi. Nhưng tôi sẽ không đuổi đâu. Ông ấy không xin xỏ gì, cũng cố gắng không làm phiền ai. Nếu bạn dừng lại và trò chuyện với ông ấy, có lẽ bạn cũng sẽ quý mến ông ấy đấy”.
Trong hai tuần sau đó, phản hồi của bác Keiller đã được chia sẻ nhanh chóng và trở thành hiện tượng viral. Thậm chí, các tờ báo lớn cũng đăng tải câu chuyện của bác Keiller. Nhiều người từ Canada, Ailen, Nam Phi… cũng liên hệ với bác. Nhiều khách hàng mới cũng ghé tới tiệm để bày tỏ sự ủng hộ của mình. Không ít người muốn giúp đỡ ông Taylor, nên bác Keiller đã mở một tài khoản để mọi người gửi tiền quyên góp, và đến nay, bác đã nhận được hơn 2.000 đôla (hơn 46 triệu đồng).
Ông Taylor, 58 tuổi, nói rằng ông vô cùng biết ơn, bởi từ trước đến nay, ông đã quen với việc mọi người phớt lờ hoặc khó chịu với ông.
Ông Taylor sống trên đường phố từ năm 2011, sau khi gặp nhiều thất bại trong sự nghiệp và các vấn đề về sức khỏe. Cuộc sống vô gia cư của ông Taylor rất khó khăn, nhưng ông tự hào là mình sống độc lập, không nghiện ngập, không phạm pháp – điều này có bác Keiller xác nhận.
Còn bác Keiller là người gốc Nam Phi. Bác lớn lên ở Canada và chuyển đến San Diego từ năm 2000. Những trải nghiệm của một người nhập cư khiến bác hiểu rõ những nỗi khổ của người vô gia cư. Vì vậy, bác không ngại ngần gì khi ông Taylor ngồi suốt ngày bên hông tiệm. Thậm chí, bác cũng không khó chịu khi một số người vô gia cư khác đến ngồi cùng ông.
Ông Taylor dự định sẽ dùng số tiền được quyên tặng để mua những phiếu ăn và một số đồ dùng cá nhân khác. Với sự giúp đỡ của bác Keiller, ông Taylor hy vọng sớm tìm được một chỗ trú ngụ ổn định hơn.
Những câu chuyện như thế này quả là khiến chúng ta ấm lòng trong mùa lễ hội, bạn nhỉ!