Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị thực hiện một số giải pháp khẩn cấp đối với hệ thống trường sư phạm địa phương.
Trong công văn, hiệp hội khẳng định hiệp hội ủng hộ chủ trương sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm. Theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện cả nước có 9 trường đại học sư phạm, 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa sư phạm đại học, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa cao đẳng sư phạm và 3 trường trung cấp sư phạm.
Quy mô tuyển sinh hàng năm vào khoảng 23.000 sinh viên đại học chính quy và khoảng 26.000 sinh viên cao đẳng sư phạm chính quy. Với quy mô như vậy, trong nhiều năm qua có tình trạng nhu cầu các giáo viên giảm trong khi số lượng giáo sinh ra trường lại không hề giảm, dẫn tới hậu quả số sinh viên sư phạm bị thất nghiệp khi ra trường tăng liên tục.
Trước hết là trường địa phương nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống trường sư phạm mà Bộ Giáo dục - Đào tạo dự định thực hiện. Tuy nhiên, theo hiệp hội, việc thực hiện “chủ trương đúng” này cần có bước đi thích hợp. Theo đó, trong khi chưa phê duyệt mạng lưới trường sư phạm, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, các bộ, ngành và địa phương liên quan chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền.
Trước mắt, cần giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường đại học sư phạm - đại học giáo dục trọng điểm, các trường - khoa đại học sư phạm địa phương, các trường - khoa cao đẳng sư phạm địa phương. Nhà nước hỗ trợ thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường sư phạm.
Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ, không theo cơ chế thị trường. Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm. Đồng thời, Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định các chuẩn của chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống. Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở sư phạm.
Về lâu dài, các cơ sở sư phạm nên từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương/cao đẳng cộng đồng. Đây là giải pháp nhằm tạo sự ổn định trong hoạt động và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn.