Đến thưởng thức chương trình âm nhạc đặc biệt đánh dấu chặng đường 20 năm ca hát của Lệ Quyên còn có sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc như Nghệ sĩ Hoài Linh, MC Trấn Thành, danh ca Tuấn Ngọc, diễn viên Mai Thanh Hà, doanh nhân Thủy Tiên, Hoa hậu Châu Á Huỳnh Tiên…
Liveshow mở đầu với đoạn intro đầy xúc động nói về ước mơ lớn nhất cuộc đời của Lệ Quyên là được đứng trên sân khấu, được hát cho những ai yêu mến giọng hát của mình.
Sau khi đoạn clip vừa kết thúc, Lệ Quyên bất ngờ xuất hiện trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả. Cô nhanh chóng đốt cháy bầu không khí liveshow với giọng hát đầy nội lực trong ca khúc sôi động Giọt sương trên mí mắt.
Sau phần mở màn hoành tráng, tiếng chuông nhà thờ bất chợt vang lên mang lại sự tĩnh lặng cho cả khán phòng và đưa khán giả lên chuyến tàu hành trình về lại thời thơ ấu của Lệ Quyên. Đây cũng là tựa đề chương đầu tiên trong Q SHOW 2 – Thơ ấu.
Khoác trên mình bộ đầm màu hồng lộng lẫy, Lệ Quyên mang lại sự trầm lắng qua 2 nhạc khúc nổi tiếng của tác giả Hoàng Hiệp là Nhớ về Hà Nội và Mùa chim én bay.
Trong tiết mục Nhớ về Hà Nội, Lệ Quyên đã tái hiện hình ảnh Hà Nội xưa trong ký ức thời bé của mình bằng hệ thống màn hình led di động. Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ Blacktrack (chiếu 3D Mapping trên vật thể động) được sử dụng tại Việt Nam.
Xuyên suốt ca khúc, cuộc sống phố thị sống động của Hà Nội liên tục được trình chiếu và Lệ Quyên đã khéo léo mượn lời hát để kể về nơi cô sinh ra: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Thủ Đô yêu dầu, một thời đạn bom, một thời hòa bình,…” - Nơi ấy có cô bé út Lệ Quyên với niềm đam mê ca hát mãnh liệt ngay từ khi còn nhỏ, trong một gia đình bảy anh chị em giàu truyền thống nghệ thuật.
Khán giả còn chưa hết bất ngờ thì sang ca khúc “Mùa chim én bay”, màn chiếu tách thành những chiếc gương và tạo thành một vùng không gian đặc biệt ngay trên sân khấu Q SHOW 2. Lệ Quyên khiến khán giả thích thú khi vừa hát, vừa di chuyển tương tác với những chiếc gương. Đây cũng là dụng ý của Lệ Quyên và ê-kíp khi muốn khẳng định một điều: “Dù trước hay sau, trên dưới mọi không gian, khán giả và Lệ Quyên đều trong nhau và là sự phản chiếu của nhau”.
Hai ca khúc cũng là những câu chuyện đầu tiên về tuổi thơ, về những kỷ niệm nhuốm màu thời gian trên hành trình bén duyên với âm nhạc của Lệ Quyên.
Tiếp nối chương trình, Lệ Quyên đã mang tới những ký ức ngày xuân và tuổi học trò mộng mơ thông qua hai nhạc phẩm Lời tỏ tình mùa xuân va Mong ước kỷ niệm xưa.
Trước khi liveshow diễn ra, những thông tin bên lề về việc Lệ Quyên chi mạnh cho cột mốc lần này của cô luôn được khán giả quan tâm. Như việc cô đầu tư đến 8 tỷ vào hệ thống ánh sáng giống Lady Gaga đã khiến cho nhiều người không khỏi mong chờ về một sân khấu hoành tráng bậc nhất Việt Nam.
Và thật vậy, bắt đầu từ hai ca khúc mang ký ức vui tươi này, Lệ Quyên đã thực sự chiêu đãi khán giả một bữa tiệc ánh sáng không thể hoành tráng hơn.
Tuy nhiên phải đến chương II – Vào đời, khán giả mới thật sự choáng ngợp sân khấu Q SHOW 2 với bao bọc là những tấm hình kiến trúc cổ điển được dựng bàn màn hình led, tạo thành một không gian sang trọng sống động.
Nếu như tại những sân khấu âm nhạc hiện nay, màn hình led dùng để chiếu những hình ảnh động, giúp tạo hiệu ứng sân khấu hiện đại, trẻ trung, thì đối với Q Show 2, để tạo nên một không gian sang trọng, đẳng cấp và khác biệt, đạo diễn Việt Tú đã dùng màn hình led để chiếu ảnh tĩnh, những hình ảnh về kiến trúc mang chiều sâu về không gian. Điều này giúp đưa sân khấu Q SHOW 2 trở về dạng sân khấu khuôn mẫu vốn có.
Ngoài ra, sự xuất hiện của gần 40 nhân tượng trên sân khấu mờ ảo làn khói để tạo thành một bức tranh 4D bằng người thật cũng là điếm nhấn đặc biệt khiến khán giả thích thú trong chương II. Việc sử dụng những bức tượng nhằm mục đích tạo ra không gian châu Âu cổ điển. Tuy nhiên thay vì tượng thật thì Lệ Quyên và ê-kíp đã quyết định sử dụng nhân tượng để tạo sự mới mẻ và độc đáo.
Và nếu như phần 1 là một chuỗi những ca khúc về tuổi thơ, về những năm tháng xưa cũ thì với phần 2 này, Lệ Quyên đã mang đến cho khán giả 3 ca khúc Còn tuổi nào cho em – Ru đời đi nhé – Ru em từng ngón tay xuân nồng, miêu tả tâm trạng và cảm xúc của một thiếu nữ mới vào đời. Đó là những rung động đầu đời, là những lần ngại ngùng, có cả ngọt ngào và đắng cay thuở mới yêu.
Câu chuyện về những ký ức ấy vỡ đôi ấy được Lệ Quyên tiếp tục trong chương III. Sau tiếng kèn saxophone và piano khiến khán giả “tê tái” cõi lòng, Cô xuất hiện trong bộ trang phục kiêu sa trình diễn lại hai ca khúc được rất nhiều thế hệ khán giả yêu thích là Tình Lỡ và Nhật ký đời tôi. Không gian sân khấu lúc này đã trở nên lãng mạn với những trụ đèn vàng và phông nền hoa ở phía sau.
Nói về sự lãng mạn trong những ca khúc của Lệ Quyên thì phần lớn khán giả biết đến cô thông qua những bản Bolero mùi mẫn. Sau khi gửi lời cảm ơn tới những người luôn ủng hộ cô hát dòng nhạc này trong ngần ấy năm qua và đạt được rất nhiều thành công, Lệ Quyên đã lần lượt dành tặng hai ca khúc “Mưa qua phố vắng” và “Không bao giờ quên anh”.
Trong tiết mục này, Lệ Quyên khiến khán giả liên tưởng như đang hóa thân thành nàng Juliette mộng mơ, đứng trên lầu cao thơ thẫn trao tình với chàng Romeo. Không gian xung quanh tối dần xuống chỉ còn cặp đôi hòa quyện trong âm nhạc với những bước nhảy uyển chuyển.
Khép lại những phần về tình cảm lứa đôi, Lệ Quyên đã tiếp tục lấy nước mắt của rất nhiều khán giả khi sang chương về Mẹ.
Sau khi thể hiện liên khúc Lời ru cho con, Lệ Quyên xuất hiện trầm lắng kể câu chuyện tượng hình trong liên khúc Mẹ của nhạc sĩ Trần Tiến. Hình ảnh những người con đứng sau lưng mẹ như một bức ảnh ký ức trải dài cùng những câu hát của Lệ Quyên khiến người ta bất giác có một cảm xúc khó tả.
Nói về tiết mục này, đạo diễn Việt Tú tâm đắc cho biết: "Thực ra nhạc của Trần Tiến, nó khác hẳn với tất cả nhạc từ trước tới nay của Lệ Quyên. Âm nhạc của Trần Tiến nó rất sâu sắc, nếu mà cho một bà mẹ minh họa ra nhảy múa thì nó lại rất buồn. Riêng tôi thì lại muốn có một cái gì đấy mang tính ước lệ trên sân khấu.
Cái đây tôi lấy ý tưởng từ những tấm ảnh các gia đình trước đây ở Hà Nội, Sài Gòn. Nó gọi là chân dung gia đình, luôn luôn rất nhiều thế hệ ngồi với nhau trong 1 bức ảnh. Nó vừa mang tính kí ức, vừa mang tính trừu tượng, nó mang một cái gì đấy mà rất dễ chạm vào cảm xúc của người ta.
Đây cũng là điểm nhấn bởi Quyên là một người ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Cô ấy là một người rất truyền thống, người phụ nữ điển hình của gia đình. Chính cái tiết mục này là tiết mục làm TÔI mất ngủ nhất. Vì tôi muốn nó có một câu chuyện.
Cái gì mà nó hoành tráng từ đầu tới cuối thì rất chán. Nó phải có điểm chạm để khán giả nhớ. Nó chạm vào trái tim khán giả và khán giả cảm nhận được người nghệ sĩ ở trong đó. Tôi muốn một cái gì đấy không cần phải nói, nhưng mà nó ước lệ. Phần còn lại là bức tường. Bức tường đó rất đặc trưng của Hà Nội. Đó là bức tường kí ức. Nó là cái nguồn cơn, như cái khung ảnh để nó đóng người ta vào”.
Và đúng như những chia sẻ trên, đây được xem làm một tiết mục giàu cảm xúc nhất xuyên suốt Q SHOW 2 khi làm nhiều khán giả bất chợt đỏ hoe mắt khi nhớ về mẹ.
Khép lại 2 liên khúc về mẹ, sân khấu Q SHOW 2 chiếu đoạn clip cảm xúc mà Lệ Quyên dành tặng cho mẹ của mình.
Đối với Lệ Quyên, mẹ là một hình mẫu mà cô luôn hướng đến, mẹ cũng là người cho cô nhiều cảm hứng nhất trong cả nghệ thuật. Và ở mẹ cũng có cả những điều dang dở chưa thực hiện được.
Vốn mẹ Lệ Quyên là một nghệ sĩ hát chèo, thế nhưng vì những thành kiến “xướng ca vô loài” lúc bấy giờ thế nên ước mơ được một lần đứng trên sân khấu vẫn chưa thể thành sự thật. Chính vì vậy, trong một dịp đặc biệt như liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát của mình, Lệ Quyên đã dành một tiết mục để giúp bà có cơ hội đứng trên sân khấu chuyên nghiệp.
Đây cũng là phần trình diễn mà Lệ Quyên thực hiện lời hứa với khán giả khi trước đó cô từng bật mí sẽ mang thể loại âm nhạc dân gian vào Q SHOW 2. Hóa thân thành cô hầu đồng hát Chầu Văn, Lệ Quyên khiến khán giả phải nổi da gà trong tiết mục Cô Đôi Thượng Ngàn cùng mẹ. Điều đặc biệt, sự xuất hiện của mẹ Lệ Quyên hoàn toàn bí mật và với kĩ thuật ánh sáng, khán giả hoàn toàn không hề thấy được rõ mặt của bà trên sân khấu.
Trong phần chia sẻ sau màn biểu diễn, Lệ Quyên cho biết cô và đạo diễn Việt Tú đã tranh cãi rất nhiều về việc để mẹ của nữ ca sĩ bước ra sân khấu chào khán giả sau tiết mục. Tuy nhiên, cuối cùng Lệ Quyên đã quyết định “giấu” mẹ đi để bà không phải chịu những áp lực khi được biết rộng rãi là mẹ của một người nổi tiếng.
Và bên cạnh âm nhạc và người mẹ kính yêu của mình thì gia đình nhỏ chính bến đỗ bình yên của Lệ Quyên mỗi khi cảm thấy mệt mỏi. Đó cũng là điều mà Lệ Quyên muốn gửi gắm trong chương với những ca khúc mang chủ đề Yêu.
Những ca khúc như Dạ khúc cho tình nhân, Hẹn hò, Xót xa, Hận tình trong mưa, Anh vẫn biết, được phối mới mẻ, vút lên qua tiếng hát của Lệ Quyên khiến người ta lại rực lửa tình, bỗng chốc khao khát tình yêu hơn bao giờ hết.
Ở phần này, nữ ca sĩ xuất hiện gợi cảm, được dịp khoe khả năng khiêu vũ điêu luyện khiến khán giả không khỏi thích thú và khám phá được tài năng mới của “Nũ hoàng phòng trà”.
Khép lại một đêm Q SHOW 2 đầy cảm xúc là chương cuối -–Thăng hoa. Đây là phần mà Lệ Quyên trình bày lại những bản hit của mình trong suốt 20 năm qua như Tình khôn nguôi, Nếu em được chọn lựa, Nỗi đau ngự trị và đặc biệt là cú plot twist giả chào khán giả... nhưng quay lại trình diễn ca khúc Giấc mơ có thật đã làm nên tên tuổi của cô từ những ngày đầu đi hát nhưng được remix lại với phiên bản hoàn toàn mới.