Theo lí giải của Phạm Thị Yến – người thuyết giảng trong đoạn clip về chủ đề đồng tính gây tranh cãi, đồng tính sẽ xảy ra nếu hai người ở kiếp trước từng hứa hẹn sẽ yêu đối phương vô điều kiện mà kiếp này lại chẳng may cùng giới tính với nhau. Hay nói cách khác, đồng tính là quả báo cho “lời hứa” đó. Ở mỗi người luôn có cả nam và nữ, trong hình hài nào đi chăng nữa, phần nam trội hơn sẽ có xu hướng thích nữ và ngược lại. Cô nói thêm: “Quả báo nhưng họ vẫn thoả mãn, cái bị ở đây là ánh nhìn của người đời, mình đừng phân biệt đối xử nữa là được”.
Nếu xét theo khía cạnh của “quy luật âm dương” thì rõ ràng có thể thấy, “cô Yến” đang rất “nhuần nhuyễn” trong việc “ứng dụng” quy luật này để định nghĩa về đồng tính. Theo đó, đây là quy luật được dùng để định dạng cho rất nhiều sự vật, sự việc như ngày đêm, nóng lạnh và cả “trong âm có dương, trong dương có âm”, tất cả đều là những luận điểm thuận lợi để bổ trợ cho quan điểm trên. Thế nhưng, để gọi đồng tính là một loại “quả báo” thì chẳng khác nào đang ngầm khẳng định những người đồng tính là những “kẻ phạm tội từ kiếp trước”. Bởi lẽ, người ta chỉ nhận “quả báo” khi họ làm sai còn ở đây, đồng tính không có tội và cũng chẳng phải là nghiệp gì cả!
Vốn chẳng phải là “nghiệp” hay “quả báo” nên những người đồng tính không có lí do gì để phải tìm cách “hoá giải” cái “nghiệp” đó của mình cả. Việc một người đồng tính nữ cảm thụ được vẻ đẹp của nam giới chỉ đơn thuần là nhận thức về cái đẹp của con người, đó là điều hết sức bình thường nên không có nghĩa là yêu mà cũng chẳng thể có “phép màu” giúp họ thay đổi được. Việc một bạn nữ yêu một bạn nữ khác là vì cảm xúc của cá nhân họ, chứ không hề vì những điều tạo hoá ban cho đàn ông là để thu hút phụ nữ và ngược lại với trường hợp của những người đồng tính nam.
Bên cạnh đó, về luận điểm cho rằng việc ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào giới tính của con sẽ ảnh hưởng đến giới tính của đứa bé là hoàn toàn sai! Lấy ví dụ, nhiều gia đình mong muốn con gái nhưng đứa bé được sinh ra lại là một bé trai, sau đó gia đình đã đặt tên và cho đứa bé trai ấy mặc đồ hệt như một bé gái, và theo “cô Yến”, điều này sẽ dẫn đến việc khiến đứa bé sẽ trở thành người đồng tính là hoàn toàn vô lý. Chúng ta không phủ nhận rằng việc bị “ám ảnh” bởi sinh ra con trai hay con gái mà cố gắng thay đổi tính cách của con là sai lầm. Con cái nên được phát triển tự nhiên theo đúng giới tính của mình. Tuy nhiên, nếu không may có đứa bé nào vẫn bị gia đình định hình phong cách theo giới tính mà họ mong muốn thì lớn lên, có theo phong cách đó hay không thì chắc chắn phải do chính đứa bé ấy lựa chọn.
Quyền bình đẳng, quyền được chấp nhận, tôn trọng và đối xử như một-người-bình-thường – những đặc quyền vốn dĩ thuộc về tất cả mọi người từ khi được sinh ra, thế nhưng họ – những người thuộc cộng đồng LGBT vẫn đang phải đấu tranh từng ngày để có được những quyền con người rất cơ bản đó. Nên, xin đừng làm tổn thương họ thêm nữa, đừng phát ngôn những lý lẽ, quan điểm mà bản thân cho rằng là đúng đắn để rồi lại vô tình có khả năng công kích, bác bỏ đi những nỗ lực cho việc được đối xử công bằng của họ.
Phần đông xã hội vẫn ngày ngày chung tay bảo vệ những người thuộc cộng đồng LGBT, yêu thương và trân trọng họ. Vì thế, những lời lẽ có khả năng gây tổn thương cộng đồng này tuyệt nhiên sẽ khiến dư luận phẫn nộ và chỉ trích, và trong trường hợp này là đoạn clip hướng dẫn cách “chữa” đồng tính của cô Phạm Thị Yến. Hiện tại, cộng đồng mạng đang yêu cầu gỡ bỏ đoạn clip có những phát ngôn “gây sốc” này.