Khi ảnh 'tự sướng' trở thành… nỗi phiền toái

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhằm giảm bớt tình trạng du khách cư xử không phù hợp để có được bức ảnh “sống ảo” hoàn hảo, một số điểm đến và nhà điều hành tua cố gắng hướng du khách đến với những hoạt động khác.

Gần 10 năm trước, cậu con trai 5 tuổi của cô Karthika Gupta - một nhiếp ảnh gia và nhà văn đã bị khách du lịch xô ngã ở Công viên Quốc gia Yellowstone khi chụp ảnh một con bò rừng đang lang thang.

Từ sau sự cố này, cô Gupta nhận thấy hành vi xô đẩy khi chụp ảnh “tự sướng” ngày càng phổ biến. Trong chuyến đi đến Sri Lanka hồi trước đại dịch, cô đã chứng kiến rất nhiều khách du lịch chen lấn để có được một bức ảnh tại đồi Coconut Tree ở thị trấn Mirissa. Mặc dù không ai bị thương, nhưng cô cảm thấy rất thất vọng vì không thể nhìn thấy cảnh tượng nổi tiếng, chưa nói đến việc chụp lại nó.

Theo bà Vanja Bogicevic, phó giáo sư tại Trung tâm Khách sạn Tisch thuộc Đại học New York (Mỹ), văn hóa chụp ảnh “tự sướng” không phải là mới, cũng như “hành vi thô lỗ” thường đi kèm theo nó. Tuy nhiên theo bà, hiện tượng du lịch phát triển quá mức sau đại dịch đã khiến hệ quả của nó gia tăng đáng kể.

Mặc dù một số điểm đến cố gắng thu hút khách du lịch đến các điểm tham quan và khu vực ít được biết đến hơn, nhưng thành phố còn lại như Venice dường như không thể thoát khỏi danh tiếng của mình.

Tháng trước, một chiếc thuyền gỗ đã bị lật úp khi đi qua các kênh đào ở Venice do một nhóm du khách đến từ Trung Quốc từ chối ngồi xuống và ngừng chụp ảnh. Đây không phải là lần đầu tiên khách du lịch gây ra tai nạn ở thành phố nổi tiếng của Ý và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối cùng.

Giáo sư Bogicevic cho biết, cho dù các thành phố mong muốn khách du lịch tận hưởng chuyến đi mà không ghi hình, nhưng vẫn có những người “đi ngược lại chuẩn mực xã hội” và thể hiện hành vi “thiếu tôn trọng văn hóa”. Đó có thể là ăn mặc không phù hợp trong địa điểm tôn giáo, tạo dáng trước đài tưởng niệm hay thực hiện hành vi chụp ảnh mạo hiểm. cách ứng xử này có thể gây rắc rối cho cả cư dân lẫn các du khách khác.

Có lẽ vì vậy, mà người dân địa phương ngày càng bày tỏ lo ngại với các du khách này, khiến chính quyền buộc phải hành động.

Các nhà chức trách và chính phủ đang bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế việc du lịch tới một số địa điểm nhất định, như là giới hạn số lượng khách thăm hoặc thu phí tham quan cao. Một số nơi thậm chí còn trực tiếp lên tiếng ngăn chặn những buổi chụp ảnh thời trang và những người chụp ảnh tự sướng.

Hai năm trước, New Zealand đã xuất hiện cách tiếp cận sáng tạo để chống lại văn hóa “selfie” khi khuyến khích du khách du lịch ngừng chụp ảnh tự sướng và thay vào đó hãy chia sẻ điều gì đó mới mẻ về chuyến du lịch của họ ở đất nước này.

Tháng 5 năm ngoái, thị trấn Hallstatt, Áo, đã dựng một bức tường gỗ tại địa điểm chụp ảnh nổi tiếng nhất để chặn tầm nhìn ra dãy núi Alps nhằm phản đối tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và giao thông. (Sau phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, nó đã bị gỡ bỏ.) Và vào mùa thu năm 2023, bang Vermont đã gây chú ý khi cấm những người có ảnh hưởng lũ lượt kéo đến để chụp ảnh những tán lá mùa thu biểu tượng.

Tại California (Mỹ), dự án Phong trào Bền vững được tạo ra nhằm thúc đẩy hành vi có trách nhiệm dọc theo Quốc lộ 1 mang tính biểu tượng của thành phố. Theo ông Rob O’Keefe, giám đốc điều hành công ty du lịch See Monterey, dự án không phản đối việc chụp ảnh tự sướng mà khuyến khích du khách không chỉ nhìn qua ống kính.

“Thách thức với những bức ảnh selfie là khi việc chụp ảnh trở nên quan trọng hơn trải nghiệm thực tế”, ông O’Keefe cho biết. Ông hy vọng mọi người sẽ dừng lại để cảm kích cảnh quan và nhận ra rằng một bức ảnh sẽ không thể bằng đời thật.

Khi ảnh 'tự sướng' trở thành… nỗi phiền toái ảnh 1

Du khách thi nhau chụp ảnh tự sướng ở một điểm du lịch Italya

Giáo sư Bogicevic cho biết thêm rằng, việc giáo dục và làm gương – bởi các điểm đến, công ty du lịch và thậm chí cả những người tạo nội dung – cũng rất quan trọng, đặc biệt là khi một số nơi có thể cần quảng bá cũng như lợi nhuận được từ du lịch. “Nếu những người có ảnh hưởng đề xuất các điểm đến trong nội dung của họ, có thể trách nhiệm của họ cũng nên bao gồm hướng dẫn người xem về cách ứng xử”, bà nói.

Tuy nhiên, đối với một số khách du lịch Gen X, việc chụp ảnh tự sướng liên tục sẽ luôn là một điều phiền toái. Cô Gupta và gia đình ở Chicago rất yêu quý công viên quốc gia Yellowstone, nhưng hiện tại họ chỉ đi vào mùa đông khi không có nhiều khách thăm. Họ thường xuyên tìm kiếm những điểm đến ít được biết đến để tránh đám đông du khách mê chụp ảnh và làm trải nghiệm của họ mất vui.

“Tôi cảm thấy khó chịu khi mọi người từ chối đặt thiết bị xuống và tận hưởng khoảnh khắc. Nếu bạn đang đi bộ quanh một nơi đẹp như đảo Montserrat, chỉ cần dừng lại và ngắm nhìn vẻ đẹp bằng chính đôi mắt của mình. Một chiếc điện thoại sẽ không thể tái tạo được hình ảnh đó”, ông Jeremy Harlan, một nhà sản xuất của kênh CNN nói thêm.

Khi ảnh 'tự sướng' trở thành… nỗi phiền toái ảnh 2

Văn hóa chụp ảnh tự sướng đang ngày trở nên thiếu kiểm soát

Gần đây, một du khách đã phàn nàn với công ty du lịch sau khi họ quá bận chụp ảnh chính mình và bỏ lỡ trải nghiệm hái nấm ở Abruzzo, Ý. Điều này đã dẫn đến việc nhà điều hành tua Experience BellaVita triển khai một phương pháp mới để những người tham gia hái nấm “đắm chìm trong khoảnh khắc”.

Giờ đây, trong các cuộc hái nấm ở Abruzzo, du khách sẽ được cung cấp các công cụ – cuốc hái nấm và đồ ăn vặt cho chó săn nấm – để họ tích cực tham gia vào trải nghiệm và không vội tìm tới điện thoại của mình.

Ông Marino Cardelli, chủ sở hữu của Experience BellaVita, cho biết ý tưởng này nhằm để đánh lạc hướng mọi người khỏi điện thoại để họ có thể có “trải nghiệm du lịch ý nghĩa hơn, vượt xa sự hời hợt của những bức ảnh tự sướng”. Dù vậy, ông Cardelli thấu hiểu mong muốn ghi lại trải nghiệm hái nấm bằng hình ảnh, đó là lý do tại sao ông đã thuê một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để giúp du khách chụp hình.

Để khuyến khích những trải nghiệm du lịch phong phú hơn, công ty du lịch For the Love of Travel gần đây đã triển khai các chuyến đi “không điện thoại”. Bà Tara Cappel, giám đốc điều hành và nhà sáng lập của công ty, cho rằng cách tiếp cận này sẽ giúp đoàn du khách không cảm thấy áp lực phải đăng lên mạng xã hội và “có mặt 24/7”.

Mặc dù hầu hết những người bày tỏ sự chán ghét văn hóa chụp ảnh tự sướng đều thuộc Gen X, bà Cappel tin rằng khách du lịch từ những thế hệ khác cũng quan tâm đến những trải nghiệm không mạng xã hội, nơi họ có thể đặt điện thoại xuống và kết nối với mọi người và môi trường một cách chân thật. “Trải nghiệm du lịch có sự khác biệt rất lớn khi không có áp lực của điện thoại thông minh”, bà cho biết.

Và nếu bạn vẫn cảm thấy cần phải có được một bức ảnh Instagram hoàn hảo, ông O’Keefe nói rằng việc hạn chế hành vi chụp ảnh vô trách nhiệm cần một phần khuyên răn và một phần bắt buộc. “Đừng vi phạm pháp luật chỉ để chụp ảnh tự sướng”, ông nói.

MỚI - NÓNG