Kịch bản ít cao trào nhưng nhiều cảm xúc
Không còn là những câu chuyện đa tuyến, nhiều tình tiết như Hotboy nổi loạn, không phải những chi tiết bí ẩn, hồi hộp như Con ma nhà họ Vương hay về những người đẹp, mà lần này là câu chuyện về tình cha con. Kịch bản Khi con là nhà có nhiều hấp dẫn và mâu thuẫn trong cuộc sống đan cài vào nhau một cách thật hợp lý và nhiều bất ngờ trong cách dàn dựng. Nó tạo nên những cảm xúc cao trào cho phim thật tinh tế.
Trong bộ phim này, những chuỗi hình ảnh đẹp đúng tỉ lệ vàng nối tiếp nhau đã không còn nữa. Vũ Ngọc Đãng đã làm mới chính bản thân mình bởi một sự thay đổi rất dễ chịu. Những hình ảnh cuộc sống thường nhật của ruộng đồng, của những mảnh đời lao động nghèo ở đất Sài Gòn được miêu tả một cách chân thực và sinh động. Điều này góp phần tôn lên cảnh quay miêu tả tâm trạng nhiều cảm xúc và đầy ý nghĩa, khiến người xem phải nhớ và lưu luyến với từng khung hình ấy.
Góc nhìn mới về Sài Gòn
Cái chạm đầu tiên đến Sài Gòn phù hoa không phải là những toà nhà cao vút, biệt thự tráng lệ hay siêu xe đắt tiền, mà là những căn nhà cấp bốn mới, cũ đang chen chút nhau mọc lên kéo dài đến tận mé sông, những con thuyền từ khắp mọi miền đang lướt nhanh về bến, những xe hàng nối nhau về nơi phố thị...
Cây cầu nối đôi bờ giữa làng quê và phố thị. Có lẽ đây là một ẩn dụ được yêu thích nhất trong cách xử lý của đạo diễn. Một cuộc trốn chạy rời quê và bắt đầu đến với Sài Gòn sau khi xe vượt qua cầu. Và những tình tiết nối tiếp nhau tạo nên những xung đột, kịch tính bắt đầu diễn ra và đẩy nhân vật vào những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những lúc cha và con rơi vào lo sợ, sự chênh vênh thì cũng là lúc cha con đang đứng giữa một chiếc cầu nối đôi bờ. Quả thật đây chính là cảm giác mà đa số những người từ nhiều miền xa tìm đến với Sài Gòn và khi va vấp trong cuộc sống cũng phải đứng giữa dòng suy nghĩ tiếp tục ở lại Sài Gòn hay bước sang bên kia cây cầu để trở lại quê hương. Còn nhiều, nhiều nữa những xử lý và chi tiết đáng giá, có chiều sâu mà khi ngồi trong rạp mới có thể cảm nhận hết được.
Những vai diễn ấn tượng
Phải công nhận rằng đạo diễn đã thành công khi chọn được bé Duy Anh vào vai cu Bi. Không chỉ là một diễn viên nhí lạnh lẹ, thông minh trước ống kính mà tiềm ẩn trong bé là một nội lực đảm nhận vai chính cho phim. Từ việc tập trung cảm xúc và diễn xuất một cách tự nhiên đã khiến Duy Anh đang sống trong cuộc đời của cu Bi. Và cậu bé nghiễm nhiên trở thành bạn diễn tuyệt vời để cùng Lương Mạnh Hải tạo nên những cảm xúc về tình cha con quá đỗi ngọt ngào.
Vai ông bố nông dân đúng là cú lột xác ngoạn mục của Lương Mạnh Hải. Anh thoát khỏi hình mẫu nhân vật trẻ trung, cá tính. Diễn viên gốc Hà Nội đã hoá thân vào vai người cha rất chân thật và dẫn dắt mạch cảm xúc của phim rất tốt.
Diễn viên Ngọc Nga vào vai Liễu là một sự lựa chọn tuyệt vời. Một vai lẳng mà khiến cho khán giả phải yêu thương hiếm có trong phim Việt.
Thành công của âm nhạc và ánh sáng
"Thương con phải biết thương mình, thương mình ta mới thương được gia đình..." Tình cha con đã được khắc hoạ một cách thật tinh tế và những ca từ trong trẻo vang lên như đánh mạnh vào cảm xúc của người xem. Ai cũng phải thổn thức nhìn lại chính mình xem chúng ta đã thương yêu người thân bên cạnh mình một cách đúng đắn chưa.
Sài Gòn không được miêu tả bằng nhiều màu sắc nổi bật của đủ loại đèn màu hào nhoáng. Thay vào đó là sự ẩn hiện trên màn ảnh bằng những gam màu lạnh, bằng cái vất vả của những con người xa xứ ngày đêm lao động tìm đủ mọi cách để tồn tại giữa lòng “thành phố thiên đường”.
Khi con là nhà đã giúp người xem tìm lại những cảm xúc đẹp của tuổi thơ, của gia đình để khép lại năm cũ và đón năm mới với nhiều tình yêu thương.
Khi con là nhà hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 28/12/2017.
THỦY TIÊN - LÊ MẪN