Lằn ranh mong manh giữa "sao chép để học hỏi" và "ăn cắp chất xám"
Khi trang fanpage N.K.M.M bị cộng đồng mạng tố "đạo tranh" của người khác, admin đã phản pháo lại: “Thế những gì học trên trường đều không phải là copy phong cách người khác rồi sáng tạo thêm à? Tại sao lại không được copy và chỉnh sửa lại thành cái của mình?”. Đúng là khi mới bắt đầu cầm cọ, ai cũng từng sao chép tác phẩm của người khác nhưng việc sao chép để học và ăn cắp chất xám lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Hầu hết tranh vẽ trên trang fanpage N.K.M.M đều được admin sao chép lại một phần hoặc toàn phần từ tranh gốc trên trang Sundae Kids vốn rất nổi tiếng. “Từ nét vẽ tới nội dung, bố cục, màu sắc các thứ đều giống y đúc tranh gốc. Chỉ có khác lời thoại trong tranh gốc là tiếng Anh còn trên fanpage được dịch ra tiếng Việt thôi” - bạn Minh Hoàng (TP.HCM) cho biết. Ngay khi phát hiện điều này, các bạn đã comment góp ý cho trang fanpage thì admin lại tỏ vẻ hằn học, dùng những từ ngữ không hay như gọi các bạn khác là “con nít ranh”, “trẻ trâu nhãi ranh”...
Thậm chí, bạn admin còn phản pháo lại: “Thế những gì học trên trường đều không phải là đầu tiên chúng ta đều copy phong cách người khác rồi sáng tạo thêm à? Tại sao lại không được copy và chỉnh sửa lại thành cái của mình? Nếu ai cũng như chúng mày, cứ phải sáng tạo ra nét vẽ mới, cả bố cục mới, thì mở trường lớp dạy học để làm gì?” khiến mọi người càng phẫn nộ nhiều hơn.
Bạn Ngọc Nhi (Q.5, TP.HCM) chia sẻ: “Hồi đầu mình kịch liệt bấm Like cho fanpage vì nét vẽ quá đẹp và dễ thương nhưng không ngờ admin lại sao chép tranh, đã không biết hối lỗi mà còn gây hấn với mọi người”.
Sau khi bị phản ứng gay gắt, admin đã nhanh chóng xóa các tranh có phần comment “bóc mẽ” của mọi người. Bạn Tiến Đạt (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể: “Mình đã kịp chụp lại các phần đối đáp của admin để làm bằng chứng, nhưng không phải nhằm mục đích “dìm hàng” mà chủ yếu là "đánh tiếng" cho cộng đồng sáng tạo biết và không like ủng hộ cho những hành động xấu xí này”.
Sao chép để học không phải là xấu
Ngay cả với các danh họa từ thời kì phục hưng, bài học đầu tiên khi bắt đầu cầm cọ là sao chép nét vẽ, phong cách sao cho giống y xì đúc tranh của thầy - vốn được xem là chuẩn mực, nền tảng cơ bản của hội họa. Sau khi nắm vững quy tắc chuẩn cần thiết, học trò có thể tự do sáng tạo theo ý riêng của mình. Nên việc sao chép chính là cấp độ thấp nhất và đầu tiên trong 5 cấp độ sáng tạo mà những “tân binh” sẽ trải qua: 1- Sao chép; ; 2- Bị ảnh hưởng phong cách của người khác; 3- Sáng tạo dựa trên nền tảng tổng hợp; 4- Sáng tạo mới hoàn toàn; 5- Nuôi dưỡng sáng tạo.
Chị Lâm Hoàng Trúc - tác giả cuốn truyện tranh Đường Hoa bật mí: “Từ hồi lớp 3, mình rất mê Doraemon và đã trúng “tiếng sét ái tình” với công việc vẽ truyện tranh. Thế là mình thường hay sao chép lại nét vẽ của các tác giả nhưng khi đọc nhiều tác phẩm thì mình lại bị ấn tượng và ảnh hưởng thêm nhiều phong cách khác nhau nên nét vẽ cứ thay đổi xoành xoạch. Mãi cho đến lớn, nhìn lại thì thấy bản thân chưa tạo ra bất cứ thứ gì của riêng mình. Từ đó mình đặt quyết tâm phải tạo ra nét riêng trong tác phẩm để tạo dấu ấn đặc biệt, tạo ra giá trị mới”. Và sau gần 3 năm miệt mài rèn luyện thì chị đã ra mắt bộ hai cuốn truyện tranh thuần Việt, tạo nên cơn sốt trong hội sách TP.HCM vừa qua. Như vậy việc sao chép một tác phẩm của ai đó khi bạn mới bắt đầu học không có gì là xấu, vì đây là một trong những cách tự học hiệu quả.
Nhưng ăn cắp chất xám thì đáng lên án
Nếu chỉ dừng ở cấp độ sao chép, cấp độ dễ nhất thì bạn mãi chỉ là thợ chép tranh theo mẫu chứ không phải là họa sĩ đúng nghĩa. Và việc bạn kinh doanh hay trở nên nổi tiếng bằng cách “Ctrl+C” ý tưởng của ai đó chính là hành động ăn cắp chất xám đang bị lên án, nhất là khi vấn đề bản quyền được siết chặt hơn trong thời kì toàn cầu hóa. “Có nhiều bạn nhận xét nét vẽ của mình hơi giống kiểu manga Nhật Bản thì mình cũng công nhận, vì thực sự sau quá trình dài học hỏi thì mình ít nhiều cũng bị ảnh hưởng về phong cách. Tuy nhiên, điều tạo nên sự khác biệt chính là mình khai thác bối cảnh từ thực tế, là vùng ĐBSCL của Việt Nam, nội dung, tình tiết trong truyện cũng được xây dựng dựa trên văn hóa của người Việt tạo cảm giác gần gũi, thân quen cho bạn đọc” - chị Trúc chia sẻ.
Khi tạo ra giá trị riêng cho mình thì đó cũng là lúc những nỗ lực miệt mài của bạn được mọi người ghi nhận. Nên bạn đừng vì những lượt Like ảo mà sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả lòng tự trọng và niềm tin của người khác dành cho mình để trở nên nổi tiếng hão huyền hay thu lợi bất chính nhé!