Các dạng đề SAT gồm Toán và tiếng Anh luôn được teen Việt cày “ngày đêm” nếu muốn đi du học Mỹ. Đó được xem là một cách để đánh giá năng lực học tập của thí sinh qua các bài kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ và kỹ năng tư duy. Hầu hết các trường ĐH ở Mỹ đều yêu cầu teen có điểm thi kì thi SAT mới được vào trường hoặc được nhận học bổng.
Tuy nhiên, có một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng việc quá coi trọng kì thi SAT sẽ làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Cụ thể hơn, con nhà có điều kiện thì có nhiều thời gian học tập sách vở hơn, có điều kiện được đi đây đi đó làm giàu vốn kiến thức, tham gia hoạt động ngoại khóa, hoặc có nhiều tiền hơn để mua tài liệu ôn thi. Từ đó, có điểm SAT cao hơn, teen có điều kiện tốt lại được vào các trường top, được thụ hưởng nền giáo dục tốt hơn.
Vì thế, nhiều trường ĐH hàng đầu ở Mỹ đã không còn lấy SAT như một quy chuẩn bắt buộc để vào học mà tuyển sinh theo những hình thức khác. Ví dụ như đã từ năm 1969, Bowdoin College đã xếp SAT chỉ như một tùy chọn thôi. Năm 2008, trường Wake Forest University và sau đó năm 2014 là trường Wesleyan University đã không còn buộc thí sinh thi SAT. Từ năm 2005 đến nay có tất cả là 175 trong tổng số hơn 4000 trường ĐH ở Mỹ đã quy định SAT như một sự lựa chọn cho thí sinh.
Tuy là con số không lớn nhưng lý do họ đưa ra rất thuyết phục: là vì họ không muốn làm mất những con người tài năng, vì tài năng thì có ở khắp nơi chứ không chỉ ở một nhóm nhỏ được “luyện” SAT thường xuyên.
SAT đã được tạo ra như một cách để đo khả năng tiếp thu cái mới của sinh viên, vì thế các bạn được điểm SAT cao luôn được chào các học bổng. Tuy nhiên hiện nay thời thế đã thay đổi, trường ĐH không còn là nơi duy nhất cung cấp nguồn thông tin đáng tin cậy mà teen có thể học ở bất cứ đâu, lại còn miễn phí nữa. Bài thi SAT chỉ đo được khả năng tiếp thu của trí óc, chứ hoàn toàn không đo lường được sự độc đáo của mỗi thí sinh, vì thế mà các trường mới yêu cầu thí sinh làm thêm các bài luận, thậm chí là phỏng vấn để tìm ra sự độc đáo.