Bệnh nhân nữ 15 tuổi này đã sống sót sau một đợt bị COVID-19 tưởng không qua khỏi. Nhưng đến khi khỏi bệnh, bạn ấy như “đến từ một thế giới khác”, với “tính cách hoàn toàn khác hẳn”. Chính mẹ của bệnh nhân đã cho biết như vậy.
Nia Haughton, 15 tuổi, người Anh, nhập viện vào ngày 10/4 năm nay. Theo kênh NBC News thì suốt 2 tuần sau đó, Nia phải dùng máy thở. Để rồi vài ngày sau khi bình phục, Nia lại cảm thấy không khỏe. Nhưng lần này, thay vì phổi, con virus đang tấn công vào não bạn ấy.
Nia nói với kênh NBC News: “Tôi không phân biệt được cái gì là thật, cái gì là không. Tất cả rất đáng sợ. Tôi nghe thấy những giọng nói trong đầu mình. Rất khủng khiếp”.
Lý do được cho là một biến chứng mà các nhà khoa học còn chưa giải thích được. Nó có thể xảy ra ở một số bệnh nhân COVID-19 trong khi họ đang hồi phục, nhất là những bệnh nhân ít tuổi.
Nia cũng không phải là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên bị ảo giác. Đã có những bệnh nhân khác ở Mỹ có trải nghiệm tương tự.
Nia còn bị co giật và đã phải quay lại phòng cấp cứu. Tại đó, bạn ấy bị chẩn đoán bệnh viêm não.
Justina Ward, mẹ của Nia, kể: “Tôi không biết chuyện gì là đáng sợ hơn: Việc con bé không thở nổi và phải dùng máy thở, hay là chuyện nó sống sót nhưng lại trở thành một con người hoàn toàn khác, với tính cách khác hẳn”.
Trạng thái thần kinh của Nia dường như đi ngược thời gian, trở về thời ấu thơ: Cả giọng nói lẫn hành vi của bạn ấy đều thay đổi. Nia nhìn thấy những người không hề ở trước mặt mình (do bị ảo giác), ghi nhớ rất kém, không tìm được đúng từ để nói.
Ming Lim, bác sĩ khoa thần kinh, người điều trị cho Nia, nói: “COVID đã dạy chúng ta rằng, cứ mỗi lần chúng ta cảm thấy tự mãn, cảm thấy rằng chúng ta đã hiểu hết, thì một loạt vấn đề mới lại sẽ xuất hiện”.
Những bệnh nhân trẻ tuổi ít có nguy cơ tử vong vì COVID-19 hơn là người lớn tuổi. Tuy nhiên, họ lại có vẻ dễ bị tình trạng gọi là hội chứng viêm đa hệ thống nhi khoa. Nguyên nhân trực tiếp của hội chứng này chưa được xác nhận, nhưng người ta tin rằng cũng vẫn do con virus đó: SARS-CoV-2. Một bác sĩ đã dùng từ “đại dịch thứ cấp” để nói đến những bệnh nhân COVID-19 bị ảnh hưởng về thần kinh. Những người này sẽ còn phải chịu hậu quả trong nhiều năm sau nữa.
SARS-CoV-2, con virus đã khiến hơn 716.000 người thiệt mạng trên toàn thế giới, rõ ràng không đơn giản một chút nào.