Khi cậu bé đó còn nhỏ, chú của cậu gọi cậu là “Sparky”, theo tên một chú ngựa trong truyện tranh, có tên là Spark Plug. Trường học là một từ quá đáng sợ với Sparky. Cậu bé coi những môn học ở đó là “bất khả thi” đối với mình.
Năm lớp 8, cậu gần như không học nổi môn nào. Cậu thi trượt môn Vật lý, chỉ được điểm 0. Cậu cũng thi trượt cả môn tiếng Latin, môn Hình học, môn tiếng Anh… Và những gì cậu làm được trong môn Thể dục cũng chẳng khá hơn. Dù cậu cố gắng được vào đội đánh golf của nhà trường, nhưng cậu nhanh chóng tụt hậu và không được chơi trong trận đấu quan trọng nhất của mùa bóng. À, có một trận đấu an ủi thì cậu được tham gia, nhưng mà thua.
Trong suốt thời tuổi teen của mình, Sparky luôn có vẻ cô độc và không có nhiều mối quan hệ xã hội. Không phải là các học sinh khác không ưa cậu; chỉ là chẳng ai thực sự quan tâm đến cậu cho lắm. Thực tế, Sparky sẽ rất ngạc nhiên nếu một bạn cùng lớp cất tiếng chào cậu khi gặp trên phố ở ngoài trường học. Chẳng ai biết rằng cậu có thể làm thế nào để hẹn hò. Cậu không một lần mời bạn gái nào đi chơi. Cậu rất sợ bị từ chối, hoặc bị cười vào mũi. Sparky là một kẻ thất bại. Cậu, các bạn cùng lớp…, tất cả mọi người đều biết vậy. Nên cậu đã học cách quen và sống với sự thật đó. Cậu sớm có lối suy nghĩ rằng nếu sự việc được ấn định là sẽ ổn, thì nó sẽ ổn. Nếu không, cậu sẽ hài lòng với chính mình, với điều mà ai cũng thấy là sự “tầm thường cố hữu” của cậu.
Tuy nhiên, có một điều THỰC SỰ quan trọng với Sparky: đó là vẽ. Cậu tự hào về những tác phẩm nghệ thuật của mình, dù chẳng ai thích chúng. Nhưng việc này cũng chẳng thành vấn đề với Sparky. Năm cuối trung học, cậu gửi một số bức tranh hoạt hình mình vẽ cho cuốn lưu bút của lớp. Nhóm biên tập đã từ chối cách làm của cậu. Dù vậy, Sparky vẫn tin ở khả năng của mình. Cậu thậm chí còn quyết định sẽ trở thành một họa sĩ.
Vậy là, sau khi học xong trung học, Sparky viết thư cho xưởng phim Walt Disney. Họ đề nghị cậu gửi những bản vẽ mẫu. Dù đã chuẩn bị rất cẩn thận, nhưng một lần nữa, những bản vẽ của Sparky bị từ chối. Thêm một sự xác nhận nữa, rằng cậu là một kẻ chuyên thất bại.
Nhưng Sparky vẫn chưa bỏ cuộc. Thay vì thế, cậu quyết định kể lại cuộc sống của chính mình bằng những mẩu truyện tranh. Nhân vật chính sẽ là một cậu bé tượng trưng cho kẻ thất bại liên miên và kém cỏi mãn tính. Bạn chắc chắn là biết cậu bé đó đấy. Bởi vì nhân vật và những mẩu truyện tranh của Sparky đã trở thành một kiểu hiện tượng văn hóa. Mọi người đều thông cảm và yêu quý “kẻ thất bại đáng yêu” đó. Vì nhân vật đó nhắc người ta nhớ đến những khoảnh khắc “ngượng chưa kìa” trong chính quá khứ của mình, nhớ đến những nỗi buồn chung mà ai cũng từng trải qua. Nhân vật đó nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp thế giới: Charlie Brown.
Và Sparky, cậu bé mà bao nhiêu thất bại cũng không thể khiến cậu ngừng cố gắng, cậu bé với những bức tranh bị từ chối hết lần này sang lần khác…, chính là nghệ sĩ vẽ truyện tranh cực kỳ thành công Charles Schulz. Những mẩu truyện tranh của ông được đặt tên là “Peanuts”, tiếp tục là cảm hứng để tạo ra những cuốn sách, bộ phim, những chiếc áo phông, đồ dùng, quà tặng… với hình các nhân vật trong đó. Tất cả những điều này nói với chúng ta rằng, cuộc sống, bằng cách nào đó, luôn tìm ra một con đường cho tất cả chúng ta, kể cả những “người thất bại”.
Câu chuyện của “Sparky” cũng nhắc chúng ta về một nguyên tắc rất quan trọng của cuộc sống. Tất cả chúng ta đều đối mặt với khó khăn và chán nản, vào lúc này hay lúc khác. Nhưng chúng ta được lựa chọn cách xử lý. Nếu chúng ta kiên trì, nếu chúng ta giữ niềm tin, nếu chúng ta tiếp tục phát triển những tài năng riêng biệt mà mình có, thì ai biết được chuyện gì sẽ có thể xảy ra? Đến cuối cùng, không ai là “kẻ thất bại” cả. Chỉ có điều, một số người chiến thắng cần nhiều thời gian hơn một chút để tỏa sáng mà thôi.