Không ai nên bị coi là “kẻ thất bại”, chỉ cần một chút nỗ lực thôi…

Không ai nên bị coi là “kẻ thất bại”, chỉ cần một chút nỗ lực thôi…
HHT - Thế giới chưa kết thúc, thì mọi chuyện đều có thể thay đổi, chỉ cần chúng ta không ngừng cố gắng…

Năm tôi lên 5 tuổi thì mẹ tôi sinh thêm em bé. Buổi chiều mùa hè đó, bố bảo sẽ dẫn tôi vào viện để gặp em bé lần đầu tiên. Bố và tôi chờ ngoài hành lang một lúc, rồi được cô y tá cho vào phòng mẹ nằm. Tôi ngó vào cái cũi nhỏ, nhìn đứa bé - đôi mắt đen láy của nó mở to nhìn lại tôi. Ngay từ khoảnh khắc đó, tôi biết rằng mình đã có người bạn thân nhất rồi.

Tuy là “hai người bạn thân” nhưng chúng tôi lại không phải là “đôi bạn cùng tiến”. Chúng tôi thực ra chỉ toàn gây khó khăn rắc rối cho mẹ. Bố tôi làm việc trong quân đội, ít khi ở nhà, nên mẹ tôi gần như một mình nuôi chúng tôi lớn lên; và tôi nghĩ rằng, hẳn phải là người khá mạnh mẽ mới có thể nuôi dạy được hai đứa vừa hư vừa bướng như chúng tôi.

Phải là người mẹ rất mạnh mẽ thì mới “quản” được những đứa trẻ nghịch ngợm.

Mẹ tôi để ý đến từng điều nhỏ nhất, cho chúng tôi đến trường, nấu cho chúng tôi ăn, giặt quần áo cho chúng tôi, khâu lại từng cái khuy nhỏ… Mẹ rất dịu dàng, nhưng có những lúc cũng rất nghiêm khắc - khi chúng tôi đẩy mẹ đến (hoặc vượt quá) giới hạn mà một người có thể chịu được. Như cái lần chúng tôi lừa đứa trẻ hàng xóm trèo lên cây rồi đem giấu cái thang để nó không xuống được, hay lần em tôi núp sau bụi cây và ném trứng vào mấy người đi ngang. Những lần đó, mẹ phạt chúng tôi bằng cách nhốt mỗi đứa trong một phòng, bao giờ viết được một bản kiểm điểm cho ra hồn thì mới được ra. Sau đó, mẹ luôn yêu cầu chúng tôi đi xin lỗi tất cả những “nạn nhân” của mình (tất nhiên, trừ người qua đường mà chúng tôi không biết họ đã đi đâu). Tuy nhiên, sau tất cả những chuyện đó, mẹ không bao giờ nhiếc móc chúng tôi. Đối với mẹ, chuyện gì đã là của ngày hôm qua thì không nhắc lại, điều quan trọng là những gì sẽ làm trong hôm nay và ngày mai.

Với mẹ tôi, chuyện gì đã qua là không trách móc lại thêm nữa.

Bon (tên em gái tôi) và tôi cũng không phải là những học sinh giỏi. Chúng tôi không thích học, mặc dù mẹ luôn nói đó là một con đường thuận lợi để có thể đạt được nhiều điều mình mong muốn trong cuộc sống. Khi tôi sắp thi cuối lớp 9 để chuẩn bị vào trung học, tôi cho rằng mình sẽ không đỗ được. Thế là suốt mấy tháng trời, mẹ bắt tôi làm Toán hàng ngày, mỗi ngày đều đọc sách Vật lý và Sinh học (những môn tôi kém nhất), từ chương đầu tiên đến chương cuối cùng. Thế là, trước sự ngạc nhiên của rất nhiều người, tôi thi tốt nghiệp với điểm số không quá tệ, và được vào một trường trung học kha khá - tất nhiên, nhờ công của mẹ. Năm 18 tuổi, tôi rời nhà đi học đại học, chỉ còn em tôi ở với mẹ. Bon thường than phiền rằng nó không chịu nổi mẹ vì mẹ hay bắt nó phải làm điều này điều kia. Lúc đó, tôi thường an ủi nó mà chưa nhận ra rằng, nếu mẹ không phải là “một người mẹ khó chịu” như vậy, thì chúng tôi đã hư hỏng từ lâu rồi.

Chính nhờ mẹ, mà tôi vào được trường đại học.

Khi tôi học năm thứ 2 đại học, lúc đang chuẩn bị thi cuối năm, thì tôi nhận được điện thoại của mẹ nói rằng Bon đã trượt trong kỳ kiểm tra chất lượng cuối cấp hai. Nghe giọng mẹ là tôi biết trái tim mẹ đang tan vỡ. Mẹ tôi là một giáo viên, và tôi nghĩ mẹ chắc không tưởng tượng ra rằng, hai đứa con của mình lại học kém như thế, chứ chưa nói đến việc thi trượt! Nhưng mẹ bảo rằng, mẹ không quan tâm đến danh tiếng hay việc người ta xì xào ở trường mà mẹ dạy. Mẹ chỉ lo cho Bon - không biết rồi nó sẽ phải làm thế nào. Về sau, tôi nghe Bon kể rằng, đêm hôm đó nó không ngủ được. Nó đi ngang qua phòng mẹ và nghe tiếng mẹ khóc. Nó đã lặng lẽ ngồi ở cửa phòng mẹ suốt đêm - để biết rằng mẹ đã khóc suốt đêm.

Việc em tôi thi trượt đúng là “giọt nước tràn ly”.

Sáng hôm sau, khi ngồi ăn sáng với Bon, mẹ không trách nó thêm một lời nào nữa. Đôi mắt mẹ vẫn còn đỏ, nhưng tràn đầy quyết tâm. Mẹ không muốn để Bon cảm thấy nó đã “thua cuộc”, đã “mất hết cơ hội”. Mẹ bảo Bon: “Hãy để việc này là một bài học. Chúng ta sẽ cùng thực sự, thực sự chăm chỉ. Thế giới chưa kết thúc, thì mọi chuyện đều có thể thay đổi”. Thế là, mẹ với Bon lập thành một “nhóm học tập”, và mẹ rèn Bon lại từ đầu - tất nhiên, lần này, Bon rất hợp tác. Mẹ tập cho Bon từ kỹ năng học, đến việc chia thời gian cho các môn học. Mọi thứ bắt đầu thay đổi, rất chậm, nhưng là có thay đổi.

Và đúng là sự thay đổi đó “rất chậm” thật. Phải hai năm sau, khi tôi đã xong đại học và chuẩn bị đi làm thì niềm tin và những nỗ lực của mẹ tôi mới được đền đáp. Tôi lại nhận được điện thoại của mẹ: ở đầu dây bên kia là tiếng mẹ sụt sịt khóc và tiếng Bon kêu lên: “Chị ơi, em thi đỗ rồi, điểm 88/100 cơ đấy!”. Tôi cũng suýt khóc! Em tôi đã tốt nghiệp với điểm số bất ngờ và giờ thì nó có thể chọn gần như bất kỳ trường trung học nào. Cô em gái của tôi – người mà hầu như không ai tin nữa, người mà tất cả họ hàng đều bảo rằng nên bỏ học cho xong – giờ đang bước sang một chương mới của cuốn sách.

Vì mẹ, và nhờ có mẹ, mà em tôi quyết tâm bắt đầu lại từ đầu.

Tối hôm đó, tôi viết email cho mẹ: “Mẹ ơi, hai đứa con thất bại của mẹ, cuối cùng đã không tệ như mọi người nghĩ”. Mẹ viết lại: “Hai con là con của mẹ và mẹ hiểu các con hơn ai hết. Mẹ đã biết rằng, không ai nên bị coi là kẻ thất bại cả - nên các con cũng thế. Chỉ cần có nỗ lực của bản thân và thêm một chút thời gian mà thôi”.

Chính nhờ có niềm tin không bao giờ ngừng đó của mẹ, mà giờ đây, trong mỗi việc chúng tôi làm, chúng tôi đều cố gắng hết sức, bởi vì “không ai là kẻ thất bại cả, chỉ cần có nỗ lực của bản thân và thêm một chút thời gian mà thôi”.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.