Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) theo quan sát đã xây xong phần cơ bản và đang chờ lắp tàu để sớm đưa vào vận hành. Hiện nhà thầu đang thi công các điểm ga dừng. Người dân Hà Nội đang kỳ vọng dự án khi vận hành sẽ giảm thiểu tình trạng tắc đường, vốn đang là cơn ác mộng của mọi người. Một số hình ảnh của nhà ga (trạm dừng) được ghi nhận trên tuyến đường Nguyễn Trãi:
Diện mạo cơ bản của một nhà ga trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội).
Nhà ga có thiết kế mái vòm đẹp mắt và hiện đại.
Các đoạn cầu thang nối để đi lên trạm dừng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt, hiện nay phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu bao gồm cơ sở hạ tầng kết cấu cầu cạn, nhà ga, đường ray... đã cơ bản hoàn thành. Theo kế hoạch hết Quý I/2017, dự án sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm các nhà ga.
Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7/2017, Ban quản lý dự án sẽ bắt đầu lắp đặt tuần tự các hạng mục chuyên ngành, các thiết bị điều khiển,...
Nếu không có gì thay đổi, vào tháng 10 năm nay, toàn bộ hệ thống sẽ được chạy thử nghiệm, tiến đến khai trương toàn bộ tuyến metro đầu tiên của Hà Nội vào năm 2018.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/ chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.
Ảnh: THỌ HOÀNG