Không dùng những mỹ phẩm “trái vùng da”
Nếu bạn đột ngột hết kem làm ẩm thì chịu khó đừng bôi, cho đến khi có lọ mới. Tránh các phương pháp chữa cháy như lấy kem dưỡng thể bôi lên mặt, hay lấy kem làm mềm tay dùng đỡ. Những sản phẩm này quá nhiều chất dầu béo cho vùng da mặt nên có thể gây mụn. Mỗi vùng da, mỗi lứa tuổi có một cấu tạo khác nhau nên thành phần kem dưỡng sẽ khác nhau.
Nước nóng không “thân” với da mặt
Rửa mặt bằng nước nóng có thể rất dễ chịu. Cảm giác là từng lỗ chân lông mở rộng thải hết chất bã ra khỏi mặt, đúng không? Tiếp xúc với nước quá nóng ngày qua ngày có thể làm màu da mặt của bạn trở nên bất thường. Thậm chí là gây ra sự khác biệt của da vùng trán và da vùng chân tóc . Bạn sẽ trông như đang đeo mặt nạ vậy.
Da cổ cần được chăm sóc đặc biệt
Bạn có thể thích một làn da nâu mạnh khỏe. Nhưng khi phơi nắng, nhớ thoa kem chống nắng kĩ lưỡng cho vùng cổ vì da nơi đây mỏng và nhạy cảm. Nếu bị cháy nắng thì lâu khỏi vô cùng.
Tránh tay không xoa xoa mặt
Hãy nghĩ đến những món đồ mà tay bạn đã chạm vào trong suốt ngày: Tiền, quần áo, túi xách, xe cộ, người khác, thức ăn… Những món ấy đã “thân tặng” cho bạn bao nhiêu là vi khuẩn, vì vậy nên tránh thói quen đưa tay lên xoa xoa mặt. Về nhà, trước khi tẩy trang hay rửa mặt, nên vệ sinh tay sạch sẽ trước.
Nước làm mềm vải có thể gây “ngộ độc” da
Tất nhiên nước làm mềm vải sẽ không tiếp xúc trực tiếp với da mặt bạn, mà qua trung gian là chiếc bao gối. Chất mềm vải tuy làm bao gối êm ái thơm tho, sờ nắn ôm ấp rất sướng, nhưng nó sẽ tẩm một lớp chất hóa học vào bao gối. Những chất này có thể bịt kín những lỗ chân lông, gây mụn đầu đen.
Nước hoa + Mặt trời = Đèn pin!
Nếu vùng da được phun xịt nước hoa tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, các hóa chất sẽ xảy ra phản ứng và làn da bạn phải hứng chịu tất cả! Hậu quả của dị ứng ánh sáng mặt trời do nước hoa là các loại mụn và có thể còn thâm da. Do vậy, nếu ra nắng, nên bôi nước hoa vào vùng ngực hay phần khuỷu tay có tay áo che.
Có một triệu tế bào da lìa đời cứ mỗi 40 phút
Và khi chúng rơi ra khỏi cơ thể, sẽ kết hợp với các loại chất bẩn có sẵn trong môi trường làm thành một tổ hợp bụi bẩn đáng sợ. Chúng bám vào quần áo, chăn gối, tất cả các vật dụng, thành “nhà” cho vi trùng sau đó vi trùng càng dễ tiếp cận gây bệnh da cho bạn. Do vậy, ngoài vệ sinh cơ thể, nhớ vệ sinh phòng ốc, tủ quần áo của mình thường xuyên.
Son dưỡng có thể gây nẻ môi
Sự thật là trong thành phần của nhiều loại son dưỡng có các chất thu hút hơi ẩm. Da môi mà gặp ẩm thì sẽ phản ứng bằng cách nẻ ra, gây đau và có khi nhiễm trùng. Vì vậy son dưỡng chỉ hiệu quả tối ưu với 2 lần/ngày mà thôi. Những ai nghiện son dưỡng nên nghiên cứu lại đi nhé!
Thời điểm vàng để đắp mặt nạ
Là ngay sau khi tắm. Nước sẽ làm nở các lỗ chân lông, nên nếu đắp mặt nạ lúc này, các dưỡng chất sẽ thấm nhanh và hiệu quả hơn.