Sau 4 trường thành viên đã được Hội đồng Đại học Quốc gia TP.HCM phê duyệt đề án tự chủ đại học vào năm học 2022 - 2023, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) là đơn vị thứ 5 được cho phép hoạt động theo cơ chế này. Theo thông báo, Trường ĐH KHXH&NV sẽ đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đại học theo 3 nội dung chính: Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, học phí sẽ có sự thay đổi từ khóa tuyển sinh 2022 - 2023. Học phí được xác định theo nguyên tắc tính đúng chi phí đào tạo. Mức học phí theo chương trình chuẩn trình độ ĐH cụ thể như sau:
Đối với các nhóm ngành Khoa học xã hội, mức học phí sẽ là 16 - 20 triệu đồng/ sinh viên/năm. Riêng với nhóm ngành Ngôn ngữ và du lịch sẽ là 21 - 24 triệu đồng/ sinh viên/năm. Mức học phí chương trình chất lượng cao (theo chi phí thực tế) gấp 3 lần mức trần học phí chương trình đào tạo hệ chuẩn trình độ ĐH, dự kiến là 60 triệu đồng/ sinh viên/ năm.
Hệ văn bằng 2 chính quy, văn bằng 1 vừa làm vừa học, học phí không vượt quá 1,5 lần. Học phí bậc thạc sĩ không vượt quá 1,5 lần mức trần học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ ĐH theo từng nhóm ngành, bậc tiến sĩ không vượt quá 2,5 lần.
So với học phí chương trình đào tạo chuẩn trình độ ĐH hiện nay (học phí năm học 2021 - 2022 trung bình từ 9 - 10 triệu đồng/ sinh viên/ năm), học phí theo đề án tự chủ trên được đánh giá là tăng khá mạnh.
Nhiều sinh viên bất ngờ về sự thay đổi này. Ngay cả các sĩ tử nhắm dự tuyển vào trường năm tới cũng phải cân nhắc lại về nguyện vọng của mình.
Chia sẻ với nhà Hoa, bạn Nguyễn Đoàn Gia Hân (học sinh lớp 12, trường THPT Pleiku, Gia Lai) cho biết: "Dù biết nếu trường tăng học phí thì chất lượng sẽ được nâng cấp nhiều hơn nhưng điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc đặt nguyện vọng đại học của mình."
Theo quan điểm của Hân, một trường chuyên về nhóm ngành xã hội thì việc tăng học phí như vậy là khá cao và chưa hợp lí. Ảnh: NVCC |
Gia Hân cho biết, trước khi có thông tin tăng học phí, bạn chọn ĐH KHXH&NV là nguyện vọng đầu tiên vì trường không chỉ phù hợp về chất lượng mà còn về học phí, nhưng sự thay đổi này khiến cô bạn khá lo lắng. “Ba mẹ mình là viên chức nhà nước nên lương tháng chỉ 7 - 8 triệu đồng. Với mức lương ấy thì chỉ đủ để chi trả cho sinh hoạt hằng ngày nên việc chu cấp cho mình khi vào đại học là một điều tương đối khó khăn.”
Tương tự, bạn Nguyên Phúc (trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, An Giang) đang do dự với việc thay đổi nguyện vọng vào trường.
Nguyên Phúc khá lo lắng cho tương lai sắp tới của các teen 2K4. Ảnh: NVCC |
Tuy nhiên, Nguyên Phúc cũng cho rằng: "Việc đầu tư cho tương lai của bản thân bằng việc chọn học ở một ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu cả nước là việc làm không phí, khi đã tăng học phí thì chắc chắn sẽ đi đôi với việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất."
Quang Duy cũng cho biết việc học phí tăng sẽ là một bài toán kinh tế nan giải cho nhiều bạn sinh viên khoá sau. Ảnh: NVCC |
Trải qua 2 năm là sinh viên tại trường, bạn Lê Huỳnh Quang Duy (sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, khoa Báo Chí và Truyền thông) chia sẻ: “Mình thấy việc tăng học phí là phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng xã hội, nếu học phí dễ thở như hiện nay sẽ rất khó để trường có thể phát triển cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng đào tạo theo mong muốn của các bạn sinh viên.”