Không thể giảm giá để kích cầu, các thương hiệu xa xỉ xoay sở ra sao?

HHT - Việc giảm giá hay khuyến mãi luôn là một vấn đề chứ không phải là giải pháp. Thay vào đó, các thương hiệu xa xỉ thường áp dụng những chiến lược đặc biệt để... tăng giá.

Giảm giá là một chiến lược hiệu quả để thu hút nhiều khách hàng hơn và gia tăng lợi nhuận ở các dịp đặc biệt, nhất là mùa lễ hội. Tuy nhiên, không phải tất cả các thương hiệu đều được hưởng lợi từ việc giảm giá, nhất là các nhà mốt xa xỉ. Họ luôn cố gắng duy trì vị thế và tính độc quyền mà họ đã xây dựng kiên cố theo thời gian. Điều quan trọng nhất đối với họ là nhận thức về hình ảnh của thương hiệu phải giữ nguyên vẹn, giá trị sản phẩm tỷ lệ thuận với chất lượng và địa vị của họ trong ngành thời trang. Vậy nên, việc giảm giá hay khuyến mãi luôn là một vấn đề chứ không phải là giải pháp. Thay vào đó, các thương hiệu xa xỉ thường áp dụng những chiến lược đặc biệt để... tăng giá.

Không thể giảm giá để kích cầu, các thương hiệu xa xỉ xoay sở ra sao? ảnh 1

Cách duy nhất để các thương hiệu xa xỉ có thể tiếp cận nhiều người hơn là thúc đẩy mức độ khao khát của khách hàng tiềm năng và giữ gìn đẳng cấp cho các khách hàng thân thiết.

Đánh vào giá trị cảm nhận

Mọi sản phẩm xa xỉ đều có hai giá trị: Giá trị thực - là giá của sản phẩm dựa trên quá trình sản xuất, vật liệu và chất lượng và giá trị cảm nhận - là giá trị phản ánh tình trạng hình ảnh của thương hiệu. Trong đó, khía cạnh luôn được quan tâm và cần bảo vệ nhất là giá trị cảm nhận.

Nếu một món hàng xa xỉ được giảm giá định kì theo mùa như các thương hiệu bình dân thì sẽ tạo ra một cảm giác bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và mua được, chỉ cần "canh sale". Cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm đó mất đi tính xa xỉ vì không còn chỉ dành cho một số ít người có đặc quyền. Hiểu nôm na là nếu giá trị cảm nhận bị ảnh hưởng thì hình ảnh của thương hiệu, lẫn doanh số cũng bị ảnh hưởng theo.

Không thể giảm giá để kích cầu, các thương hiệu xa xỉ xoay sở ra sao? ảnh 2

Khuyến mãi và giảm giá chỉ có thể làm tăng doanh số trong thời điểm trước mắt nhưng sẽ làm giảm đáng kể niềm tin vào một thương hiệu.

Vậy nên, giảm giá là hành động được coi là thiếu tôn trọng những khách hàng đã trả nguyên giá cho cùng một sản phẩm. Dẫn đến việc mất đi những khách hàng thường xuyên có sức mua cao. Vậy nên để giữ chân được các khách hàng thân thiết, các hãng gần như phải chấp nhận từ bỏ cơ hội chào mời các khách hàng tiềm năng, những người có túi tiền tiệm cận xa xỉ.

Thay vì giảm giá, các hãng sẽ tăng giá để khiến cho các sản phẩm của họ ngày càng khó sở hữu hơn. Cách này không những giúp tăng doanh số, mà còn khiến cho thương hiệu nổi tiếng hơn, đáng khao khát hơn.

Thậm chí theo các báo cáo tài chính, thị trường xa xỉ là một trong những thị trường sinh lãi nhiều nhất trong những năm gần đây, bất chấp mọi khó khăn và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Điều này chứng tỏ rằng vẫn có những người sẵn sàng trả bất cứ giá nào để có được những sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp.

Không thể giảm giá để kích cầu, các thương hiệu xa xỉ xoay sở ra sao? ảnh 3

Các thương hiệu xa xỉ đã phát triển một vị thế vô song, đồng nghĩa với việc không bao giờ có thể giảm giá để tránh ảnh hưởng đến các giá trị mà họ đã gìn giữ.

Chi mạnh tay cho việc duy trì mối quan hệ

Nhưng chiến lược tăng giá không hề dễ dàng để thực hiện. Khách hàng hoàn toàn có thể quay lưng với thương hiệu nếu giá sản phẩm quá cao, nhưng không mang lại cảm giác đẳng cấp, hào nhoáng và trầm trồ mà họ mong muốn. Để tránh việc này, các hãng luôn dành ngân sách khổng lồ cho việc thắt chặt mối quan hệ với những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng.

Bằng việc tặng quà, là những sản phẩm được mơ ước nhất của thương hiệu cho họ và tổ chức những bữa tiệc xa hoa dành riêng cho cộng đồng những người có sức ảnh hưởng nhất trong xã hội. Các hãng thời trang xa xỉ luôn biết rất rõ rằng danh tiếng mà họ có được là nhờ những người nổi tiếng và những sự kiện đặc biệt dành riêng cho khách VIP.

Không thể giảm giá để kích cầu, các thương hiệu xa xỉ xoay sở ra sao? ảnh 4

Thay vì giảm giá, các nhà mốt xa xỉ dùng tỉ lệ đó để đổi qua việc xây dựng và duy trì mối quan hệ. Điều này đã được họ thực hiện trong suốt lịch sử hình thành và phát triển thương hiệu.

Đây là cách tạo ra một sự thôi thúc mua sắm vô hình cho khách hàng, khi họ luôn nhìn thấy những người đẳng cấp nhất, được tôn trọng nhất thế giới xuất hiện cùng sản phẩm của các thương hiệu. Khách hàng phải trả số tiền cao không chỉ là cho sự sang trọng mà còn là vì sự kết nối, sở hữu món hàng xa xỉ giống như tấm vé bước chân vào vùng đất của những người có đặc quyền.

Đây cũng là đẳng cấp cao nhất của marketing và các thương hiệu xa xỉ được coi là đại gia trong thế giới thời trang sử dụng, như Hermès, Rolex, Cartier, Goyard, Chanel, Louis Vuitton...

Không thể giảm giá để kích cầu, các thương hiệu xa xỉ xoay sở ra sao? ảnh 5

Việc được mời tham gia những sự kiện dành riêng cho khách VIP sẽ khiến khách hàng cảm thấy được đối xử đặc biệt và từ đó ưu ái nhãn hàng hơn.

Không thể giảm giá để kích cầu, các thương hiệu xa xỉ xoay sở ra sao? ảnh 6

Gala dinner - một sự kiện đặc biệt của Rolex tại khách sạn sang trọng bậc nhất Wotton House.

Tin liên quan