Quảng cáo sản phẩm trong phim đã không phải chuyện lạ, khi rất nhiều phim Việt Nam đã áp dụng cách này từ lâu. Nhưng phim truyền hình Hàn Quốc mới đúng là cao thủ trong việc quảng cáo cực nhiều, cực khéo khiến khán giả nhiều khi không phát hiện ra.
Quảng cáo trong phim (PPL) không lộ liễu như các clip phát sóng chen giữa bộ phim, mà được đan cài khéo léo trong các cảnh phim. Đó có thể là loại son mà nhân vật nữ chính dùng, xe hơi nam chính sử dụng, quán cà phê hai người thường ghé thăm, thậm chí là cả thuốc uống khi bị ốm… Và theo một thống kê của hiệp hội quảng cáo Hàn Quốc, thì trung bình một tập phim truyền hình phát sóng ở Hàn Quốc ẩn chứa tới 18 sản phẩm ăn theo, và các chương trình thực tế cũng không thua kém.
Giữ ngôi vô địch chính là phim Bad Papa của đài MBC, khi một tập phim đã xuất hiện 113 quảng cáo, tính trung bình mỗi phút có tới hai sản phẩm xuất hiện. Trước tình hình quảng cáo ngày càng bùng nổ dữ dội, rất nhiều khán giả Hàn đã lên tiếng phản ứng. Nhất là khi nhiều biên kịch đã phải chỉnh sửa kịch bản, bổ sung những chi tiết không hề liên quan đến mạch phim, nhưng lại có tác dụng giới thiệu sản phẩm.
Chẳng hạn như trong phim Matrimonial Chaos (Vụ ly hôn thế kỷ) của đài KBS2, một nhân vật đang ngồi họp bỗng dưng đứng dậy cởi áo, chỉ để khoe mẫu áo khoác mới. Rồi phim I Am the Mother Too có chi tiết nhân vật định mở một cửa hàng mỹ phẩm bỗng chuyển sang khai trương tiệm thịt nướng, chỉ để giới thiệu quán ăn này.
Nhưng sẽ rất khó để nhà sản xuất có thể cắt giảm quảng cáo trong phim, khi đây chính là một cách cắt giảm chi phí làm phim. Và khán giả chỉ còn cách sống chung với lũ mà thôi.