Trong vòng 10 năm qua, có khoảng 400 nhóm nhạc K-Pop ra mắt khán giả, nhưng chưa tới 10% trong số đó gặt hái thành công. Những nhóm nhạc kém may mắn kia sẽ tan rã trong lặng lẽ. Nhưng tan rã chưa phải điều đáng sợ nhất với các tân binh. Trả nợ là nỗi ám ảnh lớn hơn nhiều.
![]() |
Ai cũng nghĩ các idol K-Pop phải giã từ ước mơ trở thành ca sĩ vì không chịu nổi áp lực, không thể chạy theo lịch tập luyện khắc nghiệt, không thể đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt diễn ra hàng ngày hàng giờ. Nhưng sự thực còn bi đát hơn thế nhiều. Không ít ca sĩ trẻ đã phải bỏ cuộc vì không thể chịu nổi chuyện nợ nần. Mỗi thực tập sinh khi được debut đều phải gánh một khoản nợ khổng lồ, và nhiều người chỉ nghĩ đến điều đó thôi đã không thể chịu đựng nổi.
![]() |
Nam ca sĩ H.O, cựu thành viên của nhóm nhạc Madtown (nay đã tan rã) ước tính rằng một công ty giải trí trung bình sẽ phải tiêu tốn tới 500 triệu won (khoảng 10 tỷ đồng) để đào tạo một nhóm nhạc. Đó là tiền để thuê giáo viên dạy vũ đạo, thanh nhạc, diễn xuất cho các thực tập sinh, tiền ăn ở cho những người ở xa, rồi tiền trang phục, chi phí thu âm, quay MV ra mắt cũng như các chương trình quảng bá. Một nhóm nhạc có 7 thành viên, nghĩa là mỗi người sẽ có khoản nợ 70 triệu won (khoảng 1,4 tỷ đồng). Nhóm nào càng đông thành viên thì số nợ sẽ giảm, và ngược lại nhóm ít thành viên thì khoản nợ tăng lên.
![]() |
Hầu như chẳng nhóm nhạc K-Pop nào đủ khả năng trả hết nợ sau album đầu tiên được cả. Nếu thành công, họ thường mất khoảng hai năm làm việc không công để dồn tiền thù lao trả nợ cho công ty quản lý. Nếu không thành công, thời gian này còn kéo dài hơn nữa, thậm chí có những nhóm nhạc tan rã vì các thành viên không thể tiếp tục kéo cày trả nợ suốt đời.
![]() |
Thu nhập của một idol trong các nhóm nhạc tầm trung thực ra không hề cao. Họ chỉ nhận được rất ít tiền khi tham gia các chương trình âm nhạc hàng tuần trên truyền hình. Phần lớn lợi nhuận có được là từ doanh thu bán album, bán sản phẩm lưu niệm, tổ chức fan meeting hay concert, rồi hợp đồng quảng cáo. Nhưng những thứ này thường chỉ đến với những nghệ sĩ hàng đầu mà thôi. Chẳng thế mà có giám đốc công ty giải trí đã nửa đùa nửa thật rằng trúng sổ xố còn dễ hơn là tạo ra một nhóm nhạc thành công.
![]() |
Chỉ sau khi trả hết khoản chi phí mà công ty đã bỏ ra đầu tư, thì các nghệ sĩ mới nhận được lương của mình. Chính vì thế mà EXID, AOA hay Infinite thú nhận họ đã nhiều năm làm việc không lương. Và nhiều mâu thuẫn cũng xảy ra, như ZE:A hay B.A.P đã đệ đơn kiện công ty quản lý vì cho rằng hệ thống thu chi không minh bạch.
![]() |
Tuy nhiên, nghệ sĩ của BIG3 như SM Ent, JYP Ent hay YG Ent sẽ dễ thở hơn, vì các công ty lớn này có nguồn tài chính vững vàng, nên không yêu cầu idol của mình phải trả nợ chi phí đào tạo. Thật ra các idol nhà SM Ent vẫn phải gánh nợ sau khi debut, nhưng khoản này không quá lớn, bởi SM không tính phí đào tạo vì coi đó là khoản đầu tư. Chính vì thế mà các cô gái SNSD đã nhận được lương ngay trong năm đầu tiên hoạt động.
![]() |
Có thể thấy cuộc sống idol K-Pop không hề hào nhoáng, và chỉ những người cực kỳ mạnh mẽ mới đủ khả năng trụ lại được trong đấu trường sinh tử này.
LINH NHI - Ảnh tổng hợp từ Internet