Không thích trả phí, một bộ phận người dùng đánh giá "1 sao" cho ứng dụng Spotify

Không thích trả phí, một bộ phận người dùng đánh giá "1 sao" cho ứng dụng Spotify
HHT - Đây là câu chuyện buồn đã xảy ra với ứng dụng stream nhạc nổi tiếng Spotify trên App Store/ CH Play tại Việt Nam trong thời gian qua.

Không có bữa ăn nào là miễn phí! 

Tư duy của những người thích “nghe chùa” đó là “nghệ sĩ đâu có làm không công, họ kiếm tiền từ YouTube, đi diễn tại các tụ điểm và nhận quảng cáo cho nhãn hàng đấy chứ”. Điều đó đúng, nhưng nó chẳng liên quan gì đến việc trả tiền mua nhạc cả. Khi bạn nghe nhạc, nghĩa là bạn đang sử dụng hàng hóa, mà đã sử dụng là phải trả tiền. Âm nhạc thuộc quyền sở hữu của đơn vị giữ bản quyền, vì vậy sẽ thật không thỏa đáng khi cho rằng họ sẽ “cho không” tài sản của họ. 

Ứng dụng Spotify bị một số người dùng Việt đánh giá

Các bạn trẻ đánh giá Spotify “1 sao” với lý do “bản miễn phí quảng cáo nhiều quá, mà mình thì không thích mất tiền cho bản Premium đâu”. Điều này nghe vừa vô lý vừa… không thuyết phục. Không thu được tiền từ tài khoản miễn phí, Spotify cần thu tiền từ các đối tác quảng cáo. Có như vậy Spotify mới có tiền trả cho nghệ sĩ, nhân viên trong công ty, cũng như trả lợi tức cho cổ đông. Điều đó có nghĩa là các tài khoản miễn phí sẽ phải xem/ nghe quảng cáo. Bạn có thể khó chịu, nhưng đó là một sự trao đổi công bằng. Bạn đổi thời gian của bạn để lấy âm nhạc.  

Ngay sau đó, nhiều người dùng lên tiếng bảo vệ quan điểm dùng nhạc có trả tiền bản quyền.

Đồng thời, tài khoản miễn phí sẽ bị giới hạn về tính năng “AI” (trí tuệ nhân tạo) so với tài khoản Premium. Những tính năng ấy được phát triển nhờ chất xám của đội ngũ Spotify. Vì vậy, họ cần nhận được tiền cho công sức của mình. Hơn nữa, những tài khoản Premium vẫn đang đều đặn bỏ ra 59.000 đồng mỗi tháng. Có công bằng không nếu bạn không trả tiền nhưng vẫn được dùng tất cả tính năng miễn phí? 

Hãy công bằng với nghệ sĩ!

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao Hàn Quốc chỉ có hơn 50 triệu dân, nhưng thị trường âm nhạc của họ được đánh giá là số một châu Á? Trong khi đó, Việt Nam sắp chạm ngưỡng 100 triệu dân nhưng chưa thể có mặt trên bản đồ âm nhạc của thế giới. Khác biệt nằm ở việc đa số người Việt vẫn chưa có ý thức trả tiền để mua nhạc. Tất nhiên vẫn có những lý do khác, ví dụ như chính phủ Hàn Quốc đã định hướng phát triển văn hóa quốc gia trở thành văn hóa đại chúng của thế giới. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản nhất đó là người Hàn trả (khá nhiều) tiền cho âm nhạc, từ những trang streaming, album bản cứng cho đến những chiếc vé concert. 

Không thích trả phí, một bộ phận người dùng đánh giá "1 sao" cho ứng dụng Spotify ảnh 3

Các nhà văn hóa đã “bỏ quên” luật bản quyền trong thời gian rất dài. Những trang web nghe nhạc trực tuyến “tiêm” vào đầu người Việt tư tưởng lệch lạc “âm nhạc là miễn phí” trong suốt 12 năm qua. Đấy có lẽ là lý do sâu xa nhất dẫn đến việc một bộ phận người Việt cảm thấy vô lý khi phải trả tiền cho âm nhạc. 

Hãy xem âm nhạc như một loại hàng hóa. Mà đã là hàng hóa ắt sẽ phải có chi phí sản xuất, ở đây là tiền thuê nhạc sĩ, nhà sản xuất, phòng thu, khấu hao thiết bị sản xuất nhạc… Đấy là còn chưa kể đến chi phí quảng cáo, phân phối sản phẩm. Ngoài ra, nhà đầu tư (ở đây là nghệ sĩ hoặc công ty giải trí) cũng cần nhận lợi nhuận. Vì thế, sản phẩm âm nhạc ấy không thể miễn phí được. 

Tại các thị trường Âu - Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, các nghệ sĩ luôn phát hành album hoặc EP mỗi lẫn trở lại. Trong khi đó, thị trường âm nhạc Việt Nam đa số chỉ toàn những single (đĩa đơn). Lý do vẫn là khán giả Việt chưa có thói quen trả tiền cho âm nhạc. Nếu họ đã không trả tiền cho một bài hát, tất nhiên họ sẽ không trả tiền cho 10 bài hát. Sản xuất một album là vô cùng tốn kém, do đó nếu chỉ là vì tiền, nghệ sĩ thường sẽ không phát hành album.  

Số ít album Việt như Tâm 9 (Mỹ Tâm), Hoàng (Hoàng Thùy Linh)… có lẽ được phát hành dựa trên ý chí, đam mê nghệ thuật của nghệ sĩ nhiều hơn là giá trị thương mại. Không phải single, album mới là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển của một thị trường âm nhạc. Đó là vì những chiếc album tạo nên giá trị lớn hơn cho cả nghệ sĩ và khan giả. Trả tiền cho âm nhạc là cách duy nhất để thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam.

Không thích trả phí, một bộ phận người dùng đánh giá "1 sao" cho ứng dụng Spotify ảnh 4

Người trong cuộc từng nói gì trên truyền thông về vấn đề tiền bản quyền? 

Đàm Vĩnh Hưng: “MV các bạn biết có bán được cho ai đâu? Làm để phục vụ cho khán giả xem chơi vậy thôi đó".

S.T Sơn Thạch: “Nên thu từ 500 đồng đến 1.000 đồng cho mỗi lượt nghe. S.T nghĩ con số đó không hẳn là cao đối với tất cả mọi người. Hi vọng trong tương lai các trang nhạc có thê làm được điều đó để nghệ sĩ có thêm động lực tạo nên nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng hơn.” 

Ông Chee Meng Tan - đại diện Spotify Đông Nam Á: “Nghệ sĩ Việt Nam thường chỉ nhận được khoản thanh toán một lần cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Trong khi đó, khác biệt mà Spotify mang đến đó là chúng tôi giúp các nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền hơn với những sản phẩm của mình trong suốt quá trình làm nghề".

MỚI - NÓNG
"Vũ trụ" OTP Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai: Duy Khánh - Công Nam "dưỡng thê"
"Vũ trụ" OTP Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai: Duy Khánh - Công Nam "dưỡng thê"
HHT - Dàn "anh tài" trong chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (ATVNCG) nhận được sự yêu thích đặc biệt từ đông đảo người hâm mộ vì tài năng cùng nguồn năng lượng tích cực. Tương tác đáng yêu của các "anh tài" cũng được fan (hoặc chính các "anh tài") ghép thành cặp bromance hay "gia đình", trở thành yếu tố "hút fan", tăng độ thảo luận cho chương trình.

Có thể bạn quan tâm