'Khủng bố' tin nhắn, cuộc gọi rác, xử lý thế nào cần làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Tin nhắn rác, cuộc gọi rác về bất động sản, bán hàng hóa nọ kia rất mất thời gian, việc xử lý như thế nào cần làm rõ”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Tiếp tục phiên họp chiều 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

'Khủng bố' tin nhắn, cuộc gọi rác, xử lý thế nào cần làm rõ ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu hỗ trợ thương lượng; hoàn thiện quy định về phương thức hòa giải, trọng tài, về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự…

Thẩm tra, liên quan đến trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy đề nghị quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, huỷ bỏ thông tin của người tiêu dùng thì phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung hình thức thông báo của đơn vị kinh doanh, hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công.

'Khủng bố' tin nhắn, cuộc gọi rác, xử lý thế nào cần làm rõ ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Liên quan việc sử dụng thông tin người tiêu dùng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, khi đi mua hàng hóa, bên bán hàng hay yêu cầu cung cấp thông tin. Nhưng trên thực tế sau đó người tiêu dùng lại nhận được rất nhiều tin nhắn rác.

“Tin nhắn rác, cuộc gọi rác về bất động sản, bán hàng hóa nọ kia rất mất thời gian. Việc xử lý như thế nào cần làm rõ. Người ta mua bán thông tin cá nhân, chia sẻ cho bên thứ ba, cần có giải pháp ngăn chặn, không để lạm dụng”, ông Thanh cho hay. Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, tình trạng xâm hại quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng vừa qua cũng cần phải bảo vệ.

Đề cập đến tình trạng bán hàng đa cấp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nếu hình thức này chưa được quy định chặt chẽ thì cần hết sức cân nhắc. Không cẩn thận chúng ta sẽ phải đối phó, giải quyết với mặt trái, những hệ lụy của kinh doanh đa cấp nổi lên”, ông Vinh cảnh báo.

'Khủng bố' tin nhắn, cuộc gọi rác, xử lý thế nào cần làm rõ ảnh 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tăng giá điện rất nhiều ý kiến

Cùng cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, đâu là quyền, đâu là lợi ích của người tiêu dùng? Các điều luật, chính sách đã thiết kế bảo đảm chưa?

Về dữ liệu cá nhân, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay chưa có luật. Tại phiên chất vấn mới đây thì Bộ trưởng Bộ Công an có nói trước mắt, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định để bảo vệ dữ liệu cá nhân, rồi đến năm 2024 thì mới xúc tiến xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Trong điều kiện như vậy thì tính tương thích của luật này với các pháp luật có liên quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân như thế nào? Chúng ta dẫn chiếu hay chúng ta chờ hay quy định trước một số luôn?”, ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, trước đây mỗi lần tăng giá điện, ý kiến thắc mắc rất nhiều. Nguyên nhân tăng giá được đưa ra cũng rất nhiều, nhưng khi ông tham mưu cho Thủ tướng, đưa VCCI và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng vào rà soát điều chỉnh giá điện thì không còn thắc mắc.

"Đưa hai thành phần này vào thì tình hình yên hơn, vì đảm bảo công khai, minh bạch hơn”, ông Vương Đình Huệ cho hay.

MỚI - NÓNG
Anh Thạo bên mộc bản. Ảnh: Nguyễn Thắng
Kỳ nhân khắc mộc bản ở Bắc Ninh
TPO - Anh Nguyễn Văn Thạo (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được xem là một kỳ nhân khắc mộc bản vùng đất Kinh Bắc. Nhiều năm qua, anh chuyên tâm với niềm đam mê khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại.