Kí thác từ trái tim

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Ngày…, tháng…, năm thứ…, đại dịch COVID-19”. “71 năm. Hai đứa cưới nhau, chưa giúp đỡ nhau được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên”… Còn bao nhiêu ngày, tháng, năm nữa để con người khỏi phải xót xa ghi những dòng nhật kí như thế? Câu trả lời vẫn mơ hồ đâu đó.

Chỉ hiện hữu nơi đây, lúc này, cả nhân loại đang quay cuồng với những con virus nhỏ bé nhưng có sức hủy diệt khốc liệt. Điều đó đồng nghĩa với việc những đêm trắng và bao kí thác từ tim tiếp tục tuôn chảy.

Đối diện với cái chết, những dòng chữ mảnh mai như kí hiệu của sự thấu cảm và hiện diện của người viết lẫn những gương mặt trĩu nặng dấu hỏi về sự sống mất hay còn, nhưng hơn hết vẫn là giấc mơ có thật về tình thương, lẽ vô thường và khát vọng sống, không phải chỉ cho mình…

Bức thư nơi lằn ranh sinh tử

"Nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường cho ông ấy”. Tháng 8, cái nắng gắt chát chúa dội lên lớp sân bê tông bệnh viện dường như không nóng bằng tình yêu nơi trái tim đang gắng gượng những nhịp đập mệt mỏi kia.

“Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng. Dù não bà đang thiếu ô xy, dù bà có đang thở “không ra hơi”, thì bà vẫn thều thào nói với chúng tôi vậy. Chúng tôi phải cố giải thích rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và ô xy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông nên tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà. Có vẻ bà chưa được thuyết phục vì điều đó. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy. "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả hai ông bà”. Thoáng chốc, tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà…”. Có lẽ mãi sau này bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng không thể quên câu nói ân tình đó của bệnh nhân COVID-19 mà anh trực tiếp điều trị.

Có lẽ mọi tôn vinh, biểu dương, tụng ca rồi cũng phai dần, chỉ còn những dòng chữ mảnh dẻ, run rẩy, tướm máu như đinh đóng vào tim. Cuộc chiến ấy, bao người đã ra đi, nhưng trong tim họ, không hề có cái chết, bởi ít nhất những người bạc mệnh đã mang về thế giới bên kia lời vỗ về của người còn sống vẫn run rẩy đến giờ…

Do phải dùng thuốc an thần lâu ngày hơn, cụ bà vẫn ở trạng thái kích thích mê man, chưa hoàn toàn tỉnh táo. Còn cụ ông tỉnh lại ngay sau khi cai máy vài tiếng. Tối 12/8, khi đang chăm sóc cho ông, nữ điều dưỡng hỏi: “Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với bà không, để chúng cháu giúp”. Ông cố gắng cất lời nhưng không được vì cổ họng bị tổn thương sau thời gian can thiệp thanh quản. Nữ điều dưỡng vội đưa cho ông tờ giấy và chiếc bút. “71 năm. Hai đứa cưới nhau, chưa giúp đỡ nhau được gì. Nay ai còn ai mất, người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên”. Ông run rẩy viết những con chữ nguệch ngoạc mà phải mất hồi lâu luận giải những người xung quanh mới hiểu hết nội dung. Khi nhìn sang giường bà ở phía bên cạnh, nước mắt ông lăn dài trên má. Có lẽ, vì bà vẫn chưa tỉnh, ông nghĩ bà không qua được. “Bà vẫn nằm mê man, nhưng khi nghe điều dưỡng đọc xong bỗng chảy nước mắt. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi rất xúc động”, bác sĩ Thiệu nhớ lại. Dòng nhật kí tưởng như riêng tư ấy của bác sĩ thoáng chốc lan nhanh như gió. Nó ào vào tận ngóc ngách những trái tim cảm giác như khép kín nhất, nó tựa cơn sóng mát lành len lỏi vào từng tế bào, khơi gợi những xúc cảm ngỡ như đã bị bộn bề cuộc sống khuất lấp. Ở đó là yêu thương bao trùm, xua đi những ám ảnh bệnh tật, gạt bỏ những sân si, được - mất tầm thường…

Kí thác từ trái tim ảnh 1

Bác sĩ theo dõi chỉ số lọc máu của bệnh nhân nặng. Ảnh: Thái Hà

Đâu phải mình đồng, da sắt

“50 bệnh nhân! 50 bệnh nhân! Chiến đấu đến cùng! Chiến đấu đến cùng!”, tiếng thét như mất kiểm soát của người đàn ông xé toạc màn đêm tĩnh lặng. Nơi góc tối, điều dưỡng Nguyễn Thị Thường (Khoa Hồi sức tích cực) thấy tim mình bị bóp nghẹt. Hình ảnh nam đồng nghiệp hiển hiện trước mắt vừa đau đớn và vừa thương cảm. Hơn lúc nào hết những xót xa, bất lực đan xen với quyết tâm nỗ lực hằn rõ trên từng đường gân nơi cánh tay anh, đôi mắt nhắm chặt rồi mở ra nhìn vào vô định. 50 là con số người tử vong vì COVID-19 tại Việt Nam khi đại dịch bùng phát lần thứ 4 ở thời điểm đó. Cũng chính anh đã tự tay mình khâm liệm cho bệnh nhân thứ 50. Vừa xong những công đoạn cuối cùng để trọn nghĩa sinh tử, dường như anh không giữ được cảm xúc nơi trái tim đang vụn vỡ, người đàn ông phải gào thét trong sân bệnh viện để giải tỏa căng thẳng.

Với những “thiên sứ” ấy, nếu hỏi điều gì trân quý nhất để làm nên tình yêu thương, có lẽ họ sẽ không e ngại mà nói ngay rằng, đó là sự hy sinh. Tình yêu thương qua bao tháng năm được nuôi dưỡng, bồi đắp từ những hy sinh thầm lặng ấy.

Hình ảnh đó khiến tất cả đồng nghiệp của anh ở Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đều ám ảnh xót xa. “Mắt tôi nhòa đi, muốn ôm anh ấy mà khóc. Đại dịch quá khốc liệt”, điều dưỡng Thường không giấu được xúc động ghi lại những dòng nhật kí. Vẫn biết cuộc sống vô thường, ai rồi cũng phải rời cõi tạm, nhưng hình ảnh những phận người mà ngày tháng cuối đời không được người thân kề cận, cho đến lúc về với cát bụi không gia đình tiễn biệt như vết thương nhức nhối trong tim những nhân viên y tế. Thời điểm đó, ca tử vong nhiều hơn giai đoạn đầu, nam điều dưỡng 37 tuổi là người tình nguyện khâm liệm cho những bệnh nhân không may mắn khi phút lâm chung không có người thân bên cạnh. Anh muốn mình là người lo lắng cho họ giây phút cuối cùng, như một nghĩa cử để tiễn đưa họ về thế giới bên kia không còn đớn đau, bệnh tật. Hẳn họ có thể an yên siêu thoát bởi trong những ngày gian truân của kiếp người họ luôn có những “thiên thần áo trắng” ở bên, nắm tay họ, nói lời động viên chân tình suốt chặng đường chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Hẳn họ có thể an yên siêu thoát bởi trong những ngày gian truân của kiếp người họ luôn có những “thiên thần áo trắng” ở bên, nắm tay họ, nói lời động viên chân tình suốt chặng đường chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo.

Cơn bão COVID chưa dừng lại, những mất mát vẫn nối dài. Điều dưỡng Thường ghi lại trên trang cá nhân của mình: “Chưa bao giờ chúng tôi phải làm nhiều như thế. Áp lực khủng khiếp. Bác sĩ thức trắng nhiều đêm liên tục. Tôi chắc chắn một điều rằng, những đồng nghiệp nữ của tôi đều ít nhất một vài lần rơi nước mắt. Bởi họ không phải “mình đồng da sắt”, họ là phụ nữ mà, cũng chân yếu tay mềm. Nhỏ bé là thế, nhưng họ không yếu đuối đâu, họ có sức mạnh phi thường và sức mạnh đó được tiếp sức từ tình yêu mãnh liệt của gia đình, đồng nghiệp và cả những bệnh nhân mà họ đang điều trị. Chúng tôi chiến đấu với đại dịch bằng niềm tin, chứ không chiến đấu trong lo âu nhiễm bệnh. Đại dịch quá khốc liệt, chúng tôi chỉ là một góc nhỏ bé. Không dám khoa trương. Nhưng tất cả những gì chúng tôi đang làm hằng ngày là những trải nghiệm đều khó diễn tả thành lời. Chúng tôi đã lựa chọn hy sinh nhiều thứ để cống hiến một phần cuộc đời mình cho nghĩa lớn…”.

Kí thác từ trái tim ảnh 2

Bác sĩ và điều dưỡng cấp cứu cho ca bệnh đột ngột trở nặng. Ảnh: Thái Hà

Từng vào tận bệnh phòng nơi Thường làm việc, từng chứng kiến phút giây sinh tử của những con người nằm bất động và vô thức, để rồi đọc những gì Thường viết, nghe những tâm tư Thường chia sẻ sau mỗi ca trực, đã bao lần trong tôi rung lên xót xa lẫn cảm phục. Cô gái nhỏ ấy từng nói với tôi: “Đi qua đằng đẵng 2 năm đại dịch, bao mệt mỏi đã thấm, bao cay đắng, căng thẳng đã nếm trải thế nên điều khiến những người luôn chiến đấu với thần Chết như bọn em hạnh phúc nhất chính là thấy mọi người hạnh phúc, thấy bệnh nhân hồi phục và về với gia đình”. Những năm tháng khoác trên mình tấm áo blouse với sứ mệnh thiêng liêng cứu người khiến Thường và những đồng nghiệp của cô chưa từng nghĩ cho mình trước nhất. Tôi nhìn thấy nơi họ - những trái tim yêu thương gieo mầm Hạnh phúc…

Thêm một lần trực ngộ vô thường

"Long An, ngày 17 tháng 8 năm 2021… Có lẽ cũng lâu lắm rồi, mình không viết nhật kí vì hằng ngày với bao công việc, nhưng lần này là chuyến đi đặc biệt, nên ghi lại những khoảnh khắc này, để làm kỉ niệm và cũng để tự mình nhìn nhận lại bản thân… Trước lúc lên đường mọi người tiễn chào, mà khóe mắt cay cay, nhưng không ai lo lắng mà đều vui mừng, tự hào và coi đó là sứ mệnh cao cả, một mệnh lệnh từ trái tim" - những dòng chữ ấm áp ấy là tự sự của Thượng tọa Thích Thanh Hùng, Trưởng đoàn Chư tăng tình nguyện Phật giáo tỉnh Nam Định ghi lại trong ngày đầu vào Long An nhận nhiệm vụ. Với Thượng tọa “mệnh lệnh từ trái tim là trái tim yêu thương của Phật, của người tu sĩ dành cho chúng sinh, cho nhân loại. Phục vụ chúng sinh bằng những việc làm đẹp và tốt nhất là cúng dường chư Phật”.

Ở đâu có Đạo Phật, ở đó có tình thương. Trong thời điểm khó khăn nhất, lòng từ bi lại càng trỗi dậy mạnh mẽ, tiếp thêm cho con người sức mạnh tinh thần để vượt qua mọi trở ngại…

Trung tâm Hồi sức COVID-19 trung ương thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An đón 10 chư tăng còn rất trẻ, được chọn từ rất nhiều chư tăng viết đơn tình nguyện vào miền Nam chống dịch. Họ đã sống những ngày đáng nhớ trong cuộc đời tu tập. “6 giờ sáng mỗi ngày, những vị "chiến sĩ áo nâu" lại lặng lẽ khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ, bắt đầu một ngày mới với bộn bề công việc. Ngoài những việc chuyên môn phụ giúp bác sĩ, điều dưỡng, lòng thương yêu và sự sẻ chia từ các vị tăng sĩ tình nguyện là niềm an ủi, chỗ dựa cho những bệnh nhân trong cuộc chiến với dịch bệnh”, Thượng tọa Thích Thanh Hùng ghi nhật kí những ngày bộn bề công việc ở mảnh đất phương Nam.

Ngày mỗi ngày, các chư tăng trẻ đều tự khám phá cho riêng mình những điều mới mẻ. Không gian, con người, hoàn cảnh lúc này đây đều không giống môi trường sống của các chư tăng. Để rồi sau khoảng thời gian ngắn ngủi Thượng tọa Thích Thanh Hùng nhận ra: “Con lạy đức Phật! Có lẽ sự hiểu biết của con đã có cái nhìn sâu sắc hơn, thấy được bản chất và cuối cùng là thấy được sự vô thường. Chúng con sẽ không lùi bước, mọi sự khổ đau của chúng sinh sẽ không khiến chúng con sợ hãi mà đó sẽ là sức mạnh. Hôm nay con đã rất vui, một niềm vui khó tả khi ngày càng có nhiều người bệnh được ra viện. Họ cảm ơn những cán bộ y tế và cả chúng con. Đó là niềm hạnh phúc, sự tự hào. Hôm nay chúng con lại ngộ ra được thêm một điều gì đó…".

Nhưng trong khoảng thời gian ấy, không ít lần những trái tim tưởng chừng vô cùng mạnh mẽ đó lại đập những nhịp bất an, đau thắt. Hình ảnh Đại đức Thích Thanh Thịnh với khuôn mặt trầm ngâm, đẫm buồn sau một ngày hỗ trợ người bệnh tại khu điều trị khiến mọi người xót xa. Ấy là vì lại thêm một bệnh nhân ra đi trong cơn bạo bệnh. “Thầy có thể tụng cho người mất một tiếng kinh được không?", mỗi lần nghe bác sĩ hỏi Đại đức lại thấy đau nhói nơi lồng ngực. Trong tín ngưỡng của Phật giáo, lễ cầu siêu có một ý nghĩa hết sức lớn lao đối với người đã khuất bởi qua những lời kinh trì tụng của chư tăng sẽ giúp cho người quá vãng hiểu và giác ngộ chân lí. Nhờ biết giác ngộ, từ đó thoát khỏi cảnh giới tối tăm đọa đày mà siêu sinh về nơi tịnh độ. Ở đâu có Đạo Phật, ở đó có tình thương. Trong thời điểm khó khăn nhất, lòng từ bi lại càng trỗi dậy mạnh mẽ, tiếp thêm cho con người sức mạnh tinh thần để vượt qua mọi trở ngại… Và như những công án thâm sâu của nhà Phật, lắm khi công phu hành trì cứ chập chờn vô - hữu về chân lí Phật pháp, thì phút dang tay cứu độ chúng sinh làm họ vỡ òa đốn ngộ.

Nhà văn Nguyễn Khải từng viết: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh bước qua ranh giới ấy”. Những người mang sứ mệnh cứu người mà tôi đã gặp, đã trò chuyện trong hành trình 2 năm qua, họ chưa bao giờ lùi bước, dẫu mỗi thời khắc đều đối mặt với hiểm nguy. Không ai nói ra nhưng họ đều hiểu mang trong mình sứ mệnh cao cả thì phải thực hiện nó một cách trọn vẹn nhất. Với những “thiên sứ” ấy, nếu hỏi điều gì trân quý nhất để làm nên tình yêu thương, có lẽ họ sẽ không e ngại mà nói ngay rằng, đó là sự hy sinh. Tình yêu thương qua bao tháng năm được nuôi dưỡng, bồi đắp từ những hy sinh thầm lặng ấy.

Gần 50 năm sau hòa bình, lần đầu tiên tiếng chuông chùa đồng loạt vang lên trên cả nước tưởng niệm người đã khuất. Lịch sử sẽ nhớ mãi những năm tháng này. Còn lại, những người quệt mồ hôi đầm đìa, cưỡng lại bao mỏi mệt của đêm như ngày không ngủ trong phòng cấp cứu, gắng ghi lại những điều không thể thốt lên lời kia, hẳn rồi đây, khi tháng năm qua đi, họ vẫn mãi nhớ. Kỉ niệm dẫu có cay đắng, bức bối và đẫm lệ, rồi cũng sẽ bớt xót xa, bởi họ đã sống và dám sống, đã hy sinh và dám hy sinh. Có lẽ mọi tôn vinh, biểu dương, tụng ca rồi cũng phai dần, chỉ còn những dòng chữ mảnh dẻ, run rẩy, tướm máu như đinh đóng vào tim. Cuộc chiến ấy, bao người đã ra đi, nhưng trong tim họ, không hề có cái chết, bởi ít nhất những người bạc mệnh đã mang về thế giới bên kia lời vỗ về của người còn sống vẫn run rẩy đến giờ…

MỚI - NÓNG